Tiếp tục ngày làm việc, hôm qua (6/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Trình bày sự cần thiết ban hành Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Luật Hỗ trợ DNVV kế thừa 8 nội dung chính của Nghị định 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV nhưng chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể, không quy định nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện. Ngoài ra còn chịu sự điều chỉnh của các luật trong các ngành, lĩnh vực khác và còn phân tán.Việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV cũng nhằm cụ thể hoá chủ trương tại các nghị quyết Đại hội Đảng.
Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý và thực hiện hỗ trợ DNNVV.
Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên ông Thanh cũng cho biết, ngày 29/9, Ủy ban Kinh tế mới nhận được hồ sơ trình dự án luật do Chính phủ gửi đến, chậm 15 ngày so với quy định. Chính vì vậy, một số nội dung trong báo cáo thuyết minh, báo cáo đánh giá tác động không tương thích, nhất quán với nội dung của Dự thảo Luật. Việc ban hành Luật thậm chí còn làm trầm trọng hơn các vấn đề do Dự thảo Luật có nhiều quy định mang tính khuyến khích chung, khó thực hiện.
Chỉ ra những bất cập của cả quy trình và Dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Bộ Tư pháp là đơn vị chủ trì thẩm định có ý kiến là hầu hết các vướng mắc trong hỗ trợ DNNVV nằm ở khâu thực hiện chứ không phải do thiếu cơ chế hay do chưa có luật. Vì thế, Chính phủ có thể ban hành nghị định mà không cần ban hành luật.
Ở một góc nhìn khác, cho rằng việc xây dựng dự án Luật là đòn bẩy cho phát triển kinh tế, là quyết sách lớn của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Than Bình lấy dẫn chứng: TP HCM đang hoạt động và có sự phát triển lớn là dựa vào các DNNVV.
Theo ông Bình, DNNVV là định hướng phát triển của thế giới và đây là hướng hình thành công nghiệp phụ trợ. Do đó, ông Bình đề nghị, Luật Hỗ trợ DNNVV cần tập trung giải quyết 5 vấn đề chính mà các doanh nghiệp đang gặp phải liên quan đến tín dụng, đất đai, thuế, hỗ trợ đổi mới và khởi nghiệp. Cùng với đó cần cần chú ý Luật không được xung đột với các luật khác luật và điều ước quốc tế, thông lệ quốc thế, cam kết quốc tế.
Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Dự án Luật cần làm rõ hơn những vấn đề về phạm vi điều chỉnh; mối quan hệ giữa Luật Hỗ trợ DNNVV với các luật khác đã được ban hành; tính tương thích của các quy định trong Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia...
“Việc hỗ trợ DNNVV ai cũng thấy cần thiết, nhưng kỹ thuật lập pháp thế nào, việc ban hành như thế nào để các quy định được rõ, không trùng chéo với các luật, các quy định khác thì cần phải hết sức quan tâm nghiên cứu và xem xét kỹ”, bà Ngân nêu quan điểm.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật tiếp thu bổ sung hồ sơ, hoàn thiện Dự án Luật và trình Dự án Luật theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Hiển đề nghị, Ban soạn thảo đặc biệt chú ý đến việc rà soát lại về phạm vi điều chỉnh, đánh giá tác động của Luật khi được ban hành; bảo đảm tính khả thi, sự thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật chung; bảo đảm các nguyên tắc thị trường trong hoạt động doanh nghiệp, đánh giá tác động thực tế.
Cùng với đó, UBTVQH rút 2 nội dung tại Kỳ họp, đó là Dự án Luật Công an xã và Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng để tiếp tục hoàn thiện.