Dự thảo Luật quản lý thuế "chặt phản cảm" hay nhiều sơ hở?

Việc Dự thảo Luật quản lý thuế bổ sung tính chất “hiểm nghèo, cấp cứu có tính chất bất khả kháng”  đối với người nộp thuế là cá nhân đang trong thời gian chữa bệnh thuộc đối tượng không áp dụng kê biên tài sản  được đại biểu Quốc hội đánh giá là chặt đến mức phản cảm. Trong khi đó, cũng theo ý kiến của nhiều đại biểu, Dự luật này còn thể hiện nhiều vấn đề chưa chặt chẽ, khoa học.

Việc Dự thảo Luật quản lý thuế bổ sung tính chất “hiểm nghèo, cấp cứu có tính chất bất khả kháng”  đối với người nộp thuế là cá nhân đang trong thời gian chữa bệnh thuộc đối tượng không áp dụng kê biên tài sản  được đại biểu Quốc hội đánh giá là chặt đến mức phản cảm. Trong khi đó, cũng theo ý kiến của nhiều đại biểu, Dự luật này còn thể hiện nhiều vấn đề chưa chặt chẽ, khoa học.

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.
Nên tham khảo Luật thi hành án dân sự để quản lý thuế
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), về biện pháp cưỡng chế bằng cách kê biên tài sản, luật hiện hành quy định không áp dụng kê biên tài sản trong trường hợp người nộp thuế là cá nhân đang trong thời gian chữa bệnh. "Đúng là quy định này có thể bị lợi dụng trên thực tế để trốn tránh việc nộp thuế. Tuy nhiên, dự thảo bổ sung về tính chất bệnh “hiểm nghèo, cấp cứu có tính chất bất khả kháng”, tôi cho như thế này quá chặt, có cảm giác như chúng ta muốn thu thuế bằng mọi cách, người ta phải trong trường hợp hiểm nghèo, trong trường hợp cấp cứu, lại còn bất khả kháng.
Thực ra thuật ngữ này chúng tôi không hiểu cấp cứu bất khả kháng là như thế nào nhưng tôi thấy sửa như vậy mang tính hơi phản cảm, không thể hiện được tính nhân đạo, xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, Luật Thi hành án dân sự và Luật Thi hành án hình sự chỉ nói đến việc người thi hành án bị bệnh nặng đã có thể hoãn thi hành án hình sự và dân sự rồi”.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, có rất nhiều vấn đề cần sửa cho chặt hơn thì dự luật lại không sửa, Luật Quản lý thuế ban hành năm 2006 nhưng đến năm 2008 Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án dân sự, trong thi hành án dân sự, các biện pháp liên quan đến kê biên tài sản, khấu trừ thu nhập... quy định rất cụ thể, rất chặt chẽ, có rất nhiều sửa đổi, bổ sung hợp lý thì luật này không cập nhật.
Liên quan đến kê biên tài sản ở, đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng chỉ ra điều chưa hợp lý: “Luật Quản lý thuế quy định không kê biên tài sản nhà ở thì chúng tôi cho rằng đây là một điểm rất bất hợp lý, một cá nhân có thể có rất nhiều nhà ở nhưng không cho kê biên tài sản là nhà ở. Trong khi đó Luật thi hành án dân sự cho kê biên tài sản là nhà ở và thậm chí nhà ở duy nhất cũng được kê biên trong một số trường hợp. Tôi nghĩ hững vấn đề đó được cập nhật ở trong Luật Quản lý thuế”.
So sánh khá nhiều với Luật Thi hành án dân sự, đại biểu Cường nói: “Chúng tôi đề nghị cần phải rà soát, đối chiếu, bổ sung các nội dung mà hợp lý trong Luật thi hành án dân sự vào trong Luật Quản lý thuế hoặc có một cách khác là dẫn chiếu những biện pháp cưỡng chế đó sang Luật thi hành án dân sự”.
Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cũng thấy bất ổn trong việc bổ sung trường hợp chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế được Cơ quan quản lý thuế quyết định cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá 12 tháng.
Tuy nhiên, kèm theo điều kiện phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. “Việc này sẽ khó khăn cho người nộp thuế vì họ đang khó khăn về tài chính nên không trả được nợ. Nếu yêu cầu theo điều kiện có tổ chức tín dụng bảo lãnh thì sẽ tăng thêm khó khăn, vì để được bảo lãnh thì cần có một số tiền để ký quỹ phải trả thêm một khoản phí lãnh. Vì vậy, đề nghị nên nghiên cứu bỏ điều kiện này”, bà Hiền nói. 
Bỏ ân hạn 275 ngày là "làm khó" doanh nghiệp
Cũng liên quan đến việc cho rằng Luật Quản lý thuế quá “chặt”, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng)… lên tiếng “bênh” doanh nghiệp trước việc Dự luật bỏ quy đinh ân hạn 275 ngày từ ngày thông quan nộp thuế nhập khẩu đối với vật tư nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu.  
Đại biểu Trần Du Lịch phản ánh: “Trên tay tôi nhận được và tôi nghĩ rằng nhiều lãnh đạo nhận được kiến nghị của Hiệp hội ngành hàng Việt Nam. Tất cả ngành hàng này liên quan các xí nghiệp sản xuất xuất khẩu, liên quan 5 triệu lao động và đóng góp 35% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Với quy định hiện hành thì các hàng hóa nhập khẩu nguyên vật liệu từ khi thông quan thì được ân hạn 275 ngày. Có thiểu số doanh nghiệp lợi dụng ân hạn này để kéo dài, chây lười trong vấn đề nộp thuế, có tiêu cực... Tuy nhiên, một nguyên tắc của quản lý thuế và thu thuế là hướng vào thuận lợi cho số đông, chứ không bao giờ quy định vì thiểu số mà lại hy sinh, làm khó khăn cho số đông. Thậm chí ở nhiều nước chấp nhận thất thu thuế thiểu số để làm thuận lợi cho đa số. Còn nếu vì thiểu số mà chúng ta làm bất lợi đa số thì lợi bất cập hại. 
Chúng ta đang cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn thì không lý do gì chúng ta lại thay đổi một cái đang bình thường để gây khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay”. 
Nhật Thanh

Đọc thêm