Tại sao doanh nghiệp, hợp tác xã được kinh doanh mà hộ gia đình thì không?
Khoản 2 Điều 13 Dự thảo quy định “Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch mới được sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử”.
Trong văn bản gửi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để góp ý đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định này đồng nghĩa với việc, hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh vận tải không được phép kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.
Theo đơn vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp, quy định này là chưa hợp lý, bởi không có căn cứ thực tiễn. Hộ kinh doanh nếu đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải và có giấy phép thì là chủ thể được quyền kinh doanh vận tải hợp pháp, vậy tại sao chủ thể này lại không thể cung cấp dịch vụ thông qua hợp đồng vận tải điện tử? Cần chú ý rằng hợp đồng điện tử và hợp đồng giấy chỉ khác nhau về hình thức, không khác nhau về hiệu lực pháp lý, ảnh hưởng tới lợi ích công cộng, nếu có, cũng không phụ thuộc vào việc bên vận chuyển là doanh nghiệp, hợp tác xã hay hộ kinh doanh cá thể.
Hơn nữa, quy định này cũng không có căn cứ pháp luật, bởi hiện không có cơ sở pháp lý nào có thể giải trình cho một quy định phân biệt đối xử giữa các chủ thể trong cùng điều kiện như thế này. Trong giải trình của Ban soạn thảo cũng không nhắc đến căn cứ pháp lý để quy định điều này.
Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung quy định “hộ kinh doanh vận tải” trong quy định này, qua đó cho phép tất cả các chủ thể có quyền kinh doanh vận tải hợp pháp đều có thể tham gia vào hoạt động để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.
Xem lại vai trò của “phù hiệu”
Dự thảo quy định mỗi xe ô tô của doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải gắn phù hiệu và biển hiệu tương ứng với hình thức kinh doanh vận tải của doanh nghiệp. Phù hiệu có giá trị hiệu lực theo hiệu lực của Giấy phép kinh doanh vận tải và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện.
Theo quy định nói trên thì mặc dù Dự thảo không nêu rõ ra là doanh nghiệp không có phù hiệu, biển hiệu thì không được phép triển khai hoạt động kinh doanh vận tải, dù đã có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, nhưng việc quy định các xe ô tô kinh doanh vận tải phải được gắn biển hiệu, đồng nghĩa với việc biển hiệu, phù hiệu là yêu cầu bắt buộc, nếu doanh nghiệp kinh doanh vận tải muốn sử dụng ô tô để kinh doanh. Như vậy, đây cũng được xem là một loại giấy phép.
Quy định về loại giấy phép này được các chuyên gia, doanh nghiệp suy đoán là nhằm nhận diện các loại xe ô tô trong mỗi hình thức kinh doanh vận tải khi lưu thông trên đường và giúp cơ quan quản lý giám sát được việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai nhiều năm qua với quy định này, có thể thấy đây là cơ chế có nhiều bất cập, chồng chéo và không hợp lý.
VCCI phân tích, theo cơ chế quản lý hiện tại, có rất nhiều quy định giúp nhận diện và đánh giá doanh nghiệp kinh doanh vận tải có chấp hành đúng quy định pháp luật hay không. Ví dụ, xe taxi có các yêu cầu về hình thức, màu sơn của xe cho phép có thể nhận diện phía bề ngoài đối với loại xe này, hoặc xe hợp đồng phải xuất trình hợp đồng khi cơ quan quản lý kiểm tra… Quan trọng hơn cả là pháp luật có cơ chế buộc các xe ô tô của doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Đây được xem là công cụ giám sát, quản lý hiệu quả để nhận biết doanh nghiệp có chấp hành đúng quy định của pháp luật hay không.
Trong khi đó, “phù hiệu” lại đang tạo gánh nặng về thủ tục hành chính, vì mặc dù thủ tục để cấp phù hiệu được thiết kế đơn giản, nhưng yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thêm một thủ tục cấp phép sau khi đã có giấy phép kinh doanh là tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Trong khi đó, về mặt nguyên tắc, khi doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh có nghĩa doanh nghiệp đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, Nhà nước đã kiểm soát được những rủi ro của hoạt động kinh doanh này tác động tới lợi ích công cộng, doanh nghiệp vẫn chưa được phép tiến hành kinh doanh mà phải xin thêm một loại giấy phép nữa là chưa hợp lý, khiến cho các quy định về điều kiện kinh doanh giảm ý nghĩa.
Theo phản ánh của doanh nghiệp tới VCCI, mặc dù quy định thời hạn hiệu lực của phù hiệu gắn với thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh vận tải, nhưng do phù hiệu thường xuyên bị mờ, nên doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục hành chính nhiều lần để đổi, cấp lại phù hiệu, tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Vì thế, VCCI đề nghị xem xét ban soạn thảo xem xét bỏ quy định về phù hiệu, biển hiệu trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.