Đưa các hoạt động pháp chế gần với cuộc sống và hơi thở của doanh nghiệp

(PLVN) - Hôm nay – 30/5, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Câu lạc bộ (CLB) Pháp chế doanh nghiệp (PCDN) nhiệm kỳ IV (2019 – 2024). Nhìn lại nhiệm kỳ giai đoạn 2014 – 2019, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của CLB vẫn còn một số tồn tại cần rút kinh nghiệm để thời gian tới phát triển, nâng tầm CLB hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Toàn cảnh một phiên Hội nghị Ban Chủ nhiệm CLB PCDN nhiệm kỳ III.
Toàn cảnh một phiên Hội nghị Ban Chủ nhiệm CLB PCDN nhiệm kỳ III.

Nhiều hình thức quan tâm phát triển hội viên

Cách đây hơn 5 năm, vào những ngày cuối tháng 12/2013 đã diễn ra Đại hội nhiệm kỳ III. Đại hội đã bầu Ban Chủ nhiệm, Ban Chủ nhiệm đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất bầu Ban Thường vụ, bầu Ban Kiểm tra. Đến nay, CLB đã phát triển được tổng số 322 hội viên và rất chăm lo tới công tác chăm sóc hội viên.

Nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên khi tham gia CLB, tạo sự gắn bó chặt chẽ, thường xuyên giữa hội viên và CLB; phát triển số lượng hội viên tham gia CLB có chất lượng, Ban Chủ nhiệm đã tập trung lãnh đạo thực hiện rà soát tổng thể doanh nghiệp là hội viên của CLB và các doanh nghiệp tiềm năng chưa tham gia CLB; tư vấn pháp luật thường xuyên và theo nhu cầu cho các doanh nghiệp…

Để tạo sự kết nối liên tục giữa CLB và hội viên, CLB luôn chú trọng liên hệ với hội viên nhằm tìm hiểu những vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh; thường xuyên khảo sát những vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp hội viên trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm pháp luật kinh doanh. Trên cơ sở đó, tập hợp ý kiến, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp hội viên và tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hội viên.

Đặc biệt, CLB còn xây dựng gói dịch vụ miễn phí mà các doanh nghiệp được hưởng khi trở thành hội viên của CLB. Chẳng hạn, tư vấn pháp luật miễn phí cho các doanh nghiệp hội viên về các vướng mắc pháp lý thường gặp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin pháp lý miễn phí cho doanh nghiệp hội viên; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý, cán bộ pháp chế, cán bộ chuyên môn của doanh nghiệp.

Trong nhiệm kỳ III, CLB (qua Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ) tiếp tục phát huy được thế mạnh trong lĩnh vực cung cấp ý kiến pháp lý cho hội viên. Đáng chú ý, với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng và thực thi pháp luật, CLB đã tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan.

CLB còn tham gia tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư pháp, tiếp tục việc phổ biến, triển khai văn bản quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở một số địa phương và đã tổ chức tọa đàm, lớp bồi dưỡng với các chuyên đề về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các doanh nghiệp.

Thực sự là chỗ dựa tin cậy về pháp luật của doanh nghiệp 

Thông qua các hoạt động từ các chương trình bồi dưỡng đến đối thoại, hoạt động tư vấn pháp luật, CLB đã nâng cao được hình ảnh, vị thế của mình đối với doanh nghiệp; đồng thời có tác động tích cực tới doanh nghiệp.

Theo đó, thông qua các hoạt động của CLB mà lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ pháp chế tại doanh nghiệp nhận thức được rõ hơn về vai trò của pháp luật trong quá trình xây dựng, quản lý, điều hành doanh nghiệp, từ đó quan tâm, lãnh đạo sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, củng cố bộ phận pháp chế, phân công cán bộ làm công tác pháp chế tại doanh nghiệp.

Từ việc nhận thức đến hiểu biết pháp luật của người sử dụng lao động, người lao động được nâng lên, ý thức tôn trọng pháp luật, thi hành đúng pháp luật trong doanh nghiệp được coi trọng; cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động có lòng tin vào pháp luật; giúp những người làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp hiểu sâu, rộng hơn về pháp luật, có kinh nghiệm hơn trong quá trình tư vấn, sử dụng pháp luật và có kỹ năng, phương pháp công tác phù hợp.

Ngoài ra, còn tác động đến hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển. Người quản lý, cán bộ pháp chế doanh nghiệp nói lên ý kiến của doanh nghiệp, góp ý, đề xuất để hoàn thiện pháp luật, nhất là pháp luật kinh tế, pháp luật liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn thì trong nhiệm kỳ III, hoạt động của CLB vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, vai trò “là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật” còn chưa được phát huy; hoạt động của văn phòng đại diện (trừ văn phòng tại TP HCM) rất yếu, chưa có sự kết nối, chủ động trong hoạt động…

Không những thế, trong bối cảnh công nghệ thông tin như vũ bão hiện nay, trang Thông tin điện tử của CLB không duy trì hoạt động nên việc tuyên truyền, đưa các thông tin mới về hoạt động của CLB và doanh nghiệp hội viên gặp khó khăn.

Bởi thế, phương châm hoạt động trong nhiệm kỳ tới không gì khác đó là “xây dựng CLB vững mạnh về tổ chức và hoạt động, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy về pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp và là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về sản xuất kinh doanh”. 

Đọc thêm