Đưa con đi chụp ảnh kiếm tiền, cha mẹ có đang 'bóc lột' sức lao động trẻ em?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, nhiều trẻ em đã nổi tiếng từ rất sớm nhờ vào các ứng dụng mạng xã hội, có lượng fan hùng hậu, đem về cho cha mẹ nguồn thu nhập khổng lồ. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang ấy là những câu hỏi đầy trăn trở về quyền riêng tư, sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ và ranh giới mong manh giữa việc khai thác hình ảnh và bóc lột sức lao động của con.
Khai thác triệt để hình ảnh của con để kiếm tiền, cha mẹ có đang “bóc lột” con trẻ? (Nguồn: NewYork Times)
Khai thác triệt để hình ảnh của con để kiếm tiền, cha mẹ có đang “bóc lột” con trẻ? (Nguồn: NewYork Times)

Sự nổi tiếng - cơ hội hay gánh nặng cho trẻ em?

Những năm gần đây, người ta chứng kiến sự nổi lên của các tiktoker và vlogger trẻ em, được cha mẹ tạo điều kiện xuất hiện trước công chúng thông qua các kênh cá nhân. Các bé nhanh chóng trở thành những gương mặt được yêu thích, thu hút lượng fan hâm mộ đông đảo, đồng thời cũng đem lại thu nhập lớn cho cha mẹ từ việc bán hình ảnh, hợp đồng quảng cáo...

Việc trở nên nổi tiếng từ nhỏ mang đến không ít lợi thế: trẻ được biết đến, yêu mến, có thể phát triển sự nghiệp từ sớm. Nhiều bé tham gia các sự kiện quảng cáo, đại diện thương hiệu và xuất hiện trong những video quảng bá sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.

Tuy nhiên, nhiều mặt trái không hay cũng đã phát sinh từ đây. Một câu chuyện gần đây đã thu hút sự chú ý khi một bé gái tiktoker nổi tiếng mới hơn 2 tuổi phải tham gia buổi họp fan với hàng ngàn người tham dự. Sự náo nhiệt từ những tiếng la hét của đám đông hâm mộ, những cánh tay với, hàng ngàn điện thoại quay vào mặt khiến bé khóc lóc, sợ hãi. Ngay sau đó, nhiều người cũng phát hiện ra lịch trình quảng cáo và sự kiện khá dày đặc mà cha mẹ bé đưa bé tham gia từ đầu năm đến nay.

Cách đây ít lâu, một cậu bé cũng trở thành “tâm điểm” của người hâm mộ khi những clip quay cảnh ăn uống, đời sống của hai mẹ con được cộng đồng mạng thích thú. Người mẹ cũng từng tổ chức họp fan, đưa con trai đi dự nhiều sự kiện... Tuy nhiên, sau đó, do chính sách bảo vệ trẻ em của một số ứng dụng mạng xã hội, cậu bé đã không còn xuất hiện trên các clip của người mẹ nữa.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc xuất hiện thường xuyên trên các nền tảng mạng xã hội có thể làm thay đổi lối sống và sự phát triển bình thường của trẻ. Không ít trường hợp, cha mẹ vô tình vi phạm quyền riêng tư của con khi chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội, từ khoảnh khắc hằng ngày đến những chi tiết nhạy cảm. Ngoài ra, sự nổi tiếng từ quá sớm có thể dẫn đến những bất ổn về tâm lý. Áp lực từ việc phải xuất hiện trước ống kính, nhận xét từ công chúng và duy trì hình ảnh hoàn hảo có thể ảnh hưởng đến sự tự tin và phát triển tâm, sinh lý tự nhiên của trẻ. Nếu không được bảo vệ và hướng dẫn đúng cách, trẻ có thể trở nên lo âu, sợ hãi đám đông, hoặc mất đi niềm vui trong cuộc sống hằng ngày.

Nhiều cha mẹ cho rằng, đưa con vào làng giải trí là cơ hội để con phát triển tài năng, tuy nhiên, chính sự nổi tiếng lại có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học và thời gian vui chơi của trẻ. Nhiều bé phải dành phần lớn thời gian để tham gia các hoạt động giải trí như diễn xuất, làm người mẫu, thi gameshow, với lịch trình dày đặc. Điều này có thể gây mất cân bằng, khiến trẻ bỏ lỡ những cơ hội học hỏi quan trọng và mất đi những năm tháng tuổi thơ quý báu.

Tôn trọng ranh giới của việc sử dụng lao động trẻ em

Một câu hỏi nhức nhối khác đang đặt ra là, khi cha mẹ sử dụng hình ảnh của con để kiếm tiền, liệu điều này có vượt qua ranh giới của việc “bóc lột sức lao động” trẻ em hay không? Trong khi luật pháp về lao động trẻ em tại nhiều quốc gia đã có những quy định chặt chẽ, vấn đề sử dụng hình ảnh trẻ em trên mạng xã hội đó đây vẫn là một “vùng xám” chưa được điều chỉnh rõ ràng.

Theo quan điểm của ThS. LS Nguyễn Thúy Hạnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc các em tham gia sự kiện, đóng phim, đóng quảng cáo và được trả thù lao được xem là đã phát sinh quan hệ lao động như được định nghĩa tại khoản 5 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019. Khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động quy định lao động dưới 13 tuổi được tuyển dụng nếu đáp ứng đồng thời ba điều kiện là: công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao; không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi; có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh. Các thủ tục xin chấp thuận của cơ quan chuyên môn về lao động được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về việc sử dụng lao động chưa đủ 13 tuổi được quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên.

Như vậy, việc tham gia các sự kiện, đóng phim, đóng quảng cáo của các bé hiện nay nếu chỉ nhìn dưới góc độ thông tin trên mạng thì chưa thể đánh giá được việc này là đúng quy định pháp luật hay không vì chưa rõ phụ huynh “khai thác” hình ảnh con đến mức nào, có thực hiện đúng các quy định pháp luật đề ra hay không. Tuy nhiên, điều cần thiết hàng đầu khi phụ huynh cho con tham gia nghệ thuật thì cần cân đối đến thể trạng, tâm, sinh lý của con để đảm bảo không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ, đặt lợi ích dài hạn của con lên hàng đầu.

Tại Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức tháng 7/2022, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em nêu rõ, thực tế hiện nay lao động trẻ em ở nhóm phi chính thức gặp phải nhiều vấn đề, từ việc ranh giới giữa lao động trẻ em đúng quy định pháp và trái quy định rất mong manh đến việc nhận biết về lao động trẻ em theo quy định pháp luật và kỹ thuật khá phức tạp... Bên cạnh đó, còn có một vấn đề khác tồn tại là ranh giới giữa sử dụng lao động trẻ em với truyền nghề, đặc biệt là ở các làng nghề truyền thống còn nhập nhằng. Bàn về các biện pháp để Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu không còn tình trạng sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, không thể chỉ can thiệp bằng pháp luật, thanh tra mà cần có những biện pháp khác tốt hơn. “Đó là truyền thông, nâng cao nhận thức cho chính trẻ em, chủ sử dụng lao động, hiệp hội, làng nghề… Phòng ngừa lao động trẻ em thì sự tham gia của chủ sử dụng lao động rất quan trọng, bởi vì họ phải nhận thức được nguy cơ thị phần của họ sẽ bị giảm, đơn hàng của họ bị chấm dứt nếu như đối tác của họ, đặc biệt ở các nước phát triển, có tiêu chuẩn nghiêm ngặt về không sử dụng lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng” - ông Nam nói.

Đọc thêm