Đề cao chất lượng và am hiểu tư duy kiểu Nhật
Thông tin về thị trường Nhật của Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) cho thấy riêng năm 2017, nước này đã nhập khẩu khoảng 20,5 tỷ USD hàng thủy sản. Trong đó người bán Việt Nam xếp thứ 19 với 311 triệu USD kim ngạch.
Nhật cũng nhập khẩu nguyên liệu nông sản ước đạt 11 tỷ USD. Trong đó có 561 triệu USD là hàng hóa từ Việt Nam. Nhập khẩu thực phẩm của Nhật cũng lên đến 23 tỷ USD, trong đó số nhập từ Việt Nam mới đạt 540 triệu USD.
Tất cả những con số này đủ để cho thấy sức hấp dẫn “đáng nể” từ một nền kinh tế có GDP lớn thứ 3 trên thế giới. Trong lịch sử ngành thủy sản, Nhật cũng là một trong những đối tác đầu tiên và lớn nhất tiêu thụ hầu hết lượng thủy hải sản ở buổi bình minh của nền xuất khẩu Việt Nam. Lịch sử thương mại của quá khứ và dung lượng thị trường Nhật của hiện tại là những minh chứng cho thấy lối ra còn rất tiềm năng đối với hàng thủy hải sản Việt Nam.
Doanh nghiệp Nhật cũng được biết đến là những đối tác rất sẵn lòng hướng dẫn nhà cung cấp cách thức chế biến, bao gói, tuân thủ chuẩn mực chất lượng kiểu Nhật nếu nhà sản xuất có thiện chí (khác với những thị trường như Mỹ hay EU, thích nhập hàng tuân thủ rất nhiều các chứng chỉ, chứng nhận về y tế - sức khỏe…).
Tuy nhiên, với những doanh nhân lão luyện và giới chuyên gia, Nhật cũng là thị trường rất “khó tính” về chất lượng sản phẩm. Những hiện tượng như tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, chất bảo quản bị xem là rất nghiêm trọng. “Chỉ một lần phát hiện có sản phẩm vi phạm thì tần suất kiểm tra với lô hàng nhập khẩu cùng chủng loại từ quốc gia đó tăng lên 30% ngay. Thêm một lần phát hiện nữa thì 100% hàng nhập khẩu sẽ bị kiểm tra - khác với EU và Mỹ, thường chỉ doanh nghiệp vi phạm mới rơi vào ‘tầm ngắm’ của cơ quan chức năng sở tại”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch phân tích.
Ông Nguyễn Mạnh Việt, Giám đốc Fosllea, đơn vị chuyên kết nối các doanh nghiệp Nhật-Việt cũng nhấn mạnh về sự đề cao cam kết chất lượng của các nhà nhập khẩu xứ mặt trời mọc. Một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo nổi tiếng cũng từng rất kỳ công mới xuất được hàng đi Nhật, nhưng đến lô hàng thứ 2 - vì rơi vào mùa trung thu tại Việt Nam nên phần sản xuất phải chuyển sang cho nhà máy khác phụ trách thay vì nhà máy chính như trước đây. Khi đó, sự sai biệt do dầu ăn nguyên liệu được nhập khẩu từ nguồn khác - dù khi đo đếm chỉ ở mức rất nhỏ - cũng đã khiến thương vụ thất bại.
“Doanh nghiệp Việt làm ăn với người Nhật cũng phải vượt qua bài ‘kiểm tra’ về văn hóa kinh doanh nữa. Người Nhật rất ‘dị ứng’ với kiểu doanh nghiệp nơi lãnh đạo cứ ngồi máy lạnh còn điều kiện làm việc của công nhân thì không ra gì, đặc biệt là với các sản phẩm liên quan tới thực phẩm, sức khỏe”, người đại diện Fosllea nói thêm.
Tại một trong những “cửa ngõ” mới đưa hàng Việt vào Nhật - kênh bán lẻ của tập đoàn AEON tại Việt Nam - Tổng giám đốc Yuichiro Shiotani cũng phàn nàn rằng đã nhiều lần xuất khẩu mì ăn liền Việt Nam sang Nhật nhưng hay phát hiện hàng hóa bị lẫn dị vật. Thành phần gia vị cũng không thống nhất vì mua từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Trọng lượng sản phẩm với hàng Việt cũng là vấn đề. “Thói quen của nhiều doanh nghiệp Việt là ngay từ đầu thiết lập tiêu chuẩn cho sản phẩm ở mức rất cao. Sau đó dù không đáp ứng được thì vẫn thấy đó là điều… bình thường!”, người đại diện Aeon Việt Nam nhấn mạnh sự khác biệt lớn trong tư tưởng kinh doanh giữa đôi bên.
Để có thể đi cùng “người khổng lồ”
Một “người khổng lồ” như Aeon với doanh thu lên tới 72,6 tỷ USD mỗi năm và hơn 21 nghìn cửa hàng trên toàn cầu (riêng tại Nhật là 17 nghìn) rõ ràng có thể là người đồng hành “lợi hại”. Tuy nhiên, ai cũng muốn đồng hành với “người khổng lồ” ấy và Việt Nam chỉ là một trong số đó.
Thế nên khuyến nghị của nhà nhập khẩu Nhật là hãy chứng tỏ hàng Việt có sức cạnh tranh so với những hàng hóa cùng chủng loại. Trong đó, ổn định chất lượng là đòi hỏi thiết yếu.
Ví dụ, xoài Việt tại Nhật được bán với giá khá cao nhưng chất lượng thì “hên - xui”. “Xoài Việt giống tốt, vấn đề chỉ nằm ở khâu xử lý khi thu hoạch sản phẩm trái vụ, cách thức bảo quản và vận chuyển. Nếu làm được như vậy thì Việt Nam có thể xuất đi Nhật mỗi năm hàng 100 tấn xoài thông qua Aeon”, ông Yuichiro Shiotani ước tính.
“Không vào hang cọp sao bắt được cọp con” - theo triết lý ấy thì xúc tiến thương mại nên là “mặt trận” hàng đầu khi doanh nghiệp muốn bán hàng cho người mua ở xứ hoa anh đào. “Doanh nghiệp làm xuất khẩu nông lâm thủy sản nên tới Hội chợ triển lãm Foodex Japan thường niên. Đây là nơi không chỉ thể hiện xu hướng tiêu dùng của thị trường Nhật mà còn là điểm đến của những người mua lớn”, vị cựu thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh khuyến nghị đồng thời tin rằng “dẫu không thành công thì cũng thành nhân” bởi đây chính là trường học sinh động nhất - nơi doanh nghiệp có thể mục sở thị cách làm xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm từ rất nhiều đối thủ cạnh tranh trên toàn thế giới.
Tất nhiên, để một ngành hàng có thể “đứng chân” bền vững ở những thị trường lớn và khó tính như thế thì sự ủng hộ ngày càng lớn của quản lý nhà nước để tạo nên sức mạnh tổng thể là vô cùng quan trọng. “Giá mà Hiệp hội ngành hàng trọng yếu như thủy sản có thể được phép lập Quỹ phát triển thị trường do doanh nghiệp đóng góp như nhiều hội nghề nghiệp lớn trên thế giới đang làm thì những sự việc như kiểu thông tin sai lệch cho cá tra Việt Nam hồi đầu năm 2017 của một kênh truyền hình tại Tây Ban Nha đã không có cơ hội gây ra tác động lớn tới xuất khẩu thủy sản Việt như vậy”, bà Minh tâm tư.
Một điểm bất lợi khác của hàng Việt được giới chuyên môn nhắc lại lần nữa khi bàn tới xuất khẩu sang Nhật là chi phí logistics. “Giá vận chuyển mỗi ký xoài Thái đưa sang Nhật bằng đường hàng không chỉ tốn 96 cent. Còn xoài Việt Nam đi từ TPHCM qua Nhật phải chi tới 2,3 USD/kg”, người đại diện Aeon chia sẻ thêm thông tin.
Có lẽ, để song hành cùng “người khổng lồ”, chỉ riêng nỗ lực chủ quan của từng doanh nghiệp hoặc thậm chí là từng ngành hàng sẽ là vẫn chưa đủ. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 10 vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã có buổi hội đàm với Tập đoàn Aeon tại Nhật. Theo đó, một ghi nhớ hợp tác đã được mở ra giữa Bộ Công Thương Việt Nam với nhà bán lẻ hàng đầu này nhằm mục tiêu đưa kim ngạch hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật qua “ngả” Aeon đạt 500 triệu USD vào năm 2020. Và tới năm 2025 sẽ là 1 tỷ USD./.