Đưa khoa học công nghệ vào các sản phẩm từ cây dược liệu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Phát triển dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên trong tương lai, ngoài hỗ trợ sức khỏe cho cộng đồng, còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam tham gia thị trường quốc tế. Đồng Nai là tỉnh có nhiều cây trồng tự nhiên vừa để tăng nguồn dinh dưỡng và vừa để chữa bệnh. Để gia tăng giá trị sản phẩm từ cây dược liệu, khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị cây dược liệu.

Bảo tồn và phát triển tài nguyên dược liệu

Kết quả khảo sát của Viện Dược liệu đã ghi nhận ở Đồng Nai có 1.086 loài cây thuốc thuộc 163 họ, chi, trong đó có nhiều loài/ nhóm loài có tính đặc hữu cho tỉnh cũng như vùng Đông Nam Bộ. Ghi nhận được 22 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cần bảo tồn, 25 loài có tiềm năng khai thác và 15 loài tiềm năng phát triển trồng ở tỉnh Đồng Nai.

Về tình hình khai thác cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đã ghi nhận 102 nhóm loài cây thuốc hiện đang được khai thác với khối lượng ước tính khoảng 95 tấn/năm. Số lượng loài cây thuốc khai thác với khối lượng từ 1 tấn trở lên có 25 loài chiếm khoảng 25%. Số lượng khai thác tập trung chủ yếu ở 3 huyện Vĩnh Cửu Tân Phú Xuân Lộc.

Nguồn dược liệu có nguồn gốc tự nhiên trên địa bàn tỉnh khá phong phú như: Cây Bách bệnh, Câu đằng, Dây đau xương, Gắm, Thần xạ hương, Thiên niên kiện, Bổ béo đen …. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai nuôi trồng các dược liệu như: Bách bệnh, Sa nhân, Trà hoa vàng, Lá khôi, Thiên môn đông, Xáo tam phân, Trinh nữ hoàng cung, Hoài sơn, Kim ngân, Lạc tiên, Mạch môn, Nhàu, Sâm bố chính…

Theo số liệu từ Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai trong giai đoạn 2016 đến 2023, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo tồn và khai thác nguồn gen dược liệu như: “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai”, “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen Thần xạ hương (Luvunga scandens)”, “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen các loài Lan một lá (Nervila spp)”, và dự án “Bảo tồn, phát triển nguồn gen cây Trinh nữ hoàng cung (Crinium latifolium) xã Long Phước, huyện Long Thành” do doanh nghiệp thực hiện.

Trong đó kết quả thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ” trong giai đoạn 2017 - 2019 đã thu thập và lưu trữ được hơn 200 nguồn gen của 137 loài, bao gồm bảo tồn nguyên vị (in-situ) và bảo tồn chuyển vị (ex-situ) từ các đơn vị chủ rừng thuộc khu vực Đông Nam Bộ. Các nguồn gen đang được gieo ươm, trồng và bảo quản với diện tích 10 ha tại Tiểu khu 126 thuộc lâm phần của Khu Bảo tồn.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai cho biết: “Hiện nay, Khu bảo tồn đã có Vườn bảo tồn nguồn gen cây thuốc diện tích 10ha và đã thu thập được 500 nguồn gen cây thuốc đặc hữu quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ và đã trồng, lưu giữ an toàn bằng các hình thức phù hợp 300 nguồn gen.

Khu bảo tồn là địa điểm có tiềm năng vô cùng lớn trong lĩnh vực phát triển dược liệu dưới tán rừng. Nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc gắn với cộng đồng, Khu bảo tồn kêu gọi hỗ trợ đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước trong hợp tác và liên kết để phát triển dược liệu dưới tán rừng”.

Sử dụng dược liệu trong điều trị và phòng ngừa bệnh

Thông tin từ Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Nai cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, thuốc cổ truyền rất lớn chiếm trên 80% so với tổng giá trị thuốc sử dụng điều trị. Khối lượng dược liệu sử dụng hàng năm tại bệnh viện Y học cổ truyền trên 13 tấn/năm, trong đó số lượng dược liệu trong nước chiếm 57%, dược liệu nhập khẩu 43%.

Tổng số nhóm thuốc điều trị theo danh mục của Bảo hiểm y tế là 28 nhóm. Trong đó các nhóm thuốc: nhóm phát tán phong thấp, nhóm thuốc bổ huyết, âm, dương, khí, nhóm thuốc chỉ khái bình suyễn, nhóm thuốc an thần, nhóm thuốc hoạt huyết, khứ ứ chiếm tỷ trọng rất lớn trên 70%.

Bào chế thuốc tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai

Bào chế thuốc tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai

Kết quả khảo sát cho thấy có 209 dược liệu/vị thuốc được sử dụng trong kinh doanh tại tỉnh Đồng Nai với khối lượng khoảng 174 tấn trị giá 31,5 tỷ đồng. Dược liệu/vị thuốc sử dụng và kinh doanh ngoài hệ thống công lập tại các huyện thị của tỉnh Đồng Nai có xuất xứ trong nước chiếm khối lượng lớn (151 tấn, trị giá 25,2 tỷ đồng). Trong đó có 60 vị có khối lượng sử dụng trên 1 tấn/năm (chiếm 53,9 tổng khối lượng kinh doanh). Một số vị thuốc được sử dụng nhiều nhất như: Đại táo, Bạch truật, Hoắc hương, Đỗ trọng, Cốt toái bổ.

Khó khăn trong bào chế thuốc từ dược liệu

Việc đánh giá tác dụng sinh học của các dược chất trong dược liệu là công đoạn quan trọng trong quá trình sử dụng khoa học công nghệ để làm sáng tỏ các tri thức dân gian trong các bài thuốc y học cổ truyền. Các mô hình in vitro, in vivo, ex vivo, mô hình động vật thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng đã được triển khai thực hiện rộng khắp ở các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để đánh giá tác dụng chữa bệnh của các dược liệu và bài thuốc dân gian.

Ông Nguyễn Đức Thu – Phó Giám đốc Bệnh viện Y Dược Cổ Truyền Đồng Nai cho biết: “Mặc dù các dược chất và dược liệu có nhiều hoạt tính sinh học tốt có thể ứng dụng trong y học. Tuy nhiên nhiều hoạt chất trong dược liệu có sinh khả dụng kém: khả năng hấp thụ thấp, dễ bị chuyển hóa và nhanh chóng bị đào thải ra ngoài. Điều đó đặt ra thách thức lớn đối với việc bào chế các sản phẩm thuốc từ dược liệu”.

Ngoài việc sử dụng công nghệ bào chế truyền thống như sắc nước uống, sử dụng cao tổng hợp hoặc bào chế viên nén, nhiều công nghệ mới trong bào chế thuốc từ dược liệu đã và đang được nghiên cứu và ứng dụng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai công nghệ chiết xuất chủ yếu bằng các phương pháp chiết truyền thống như chiết xuất bằng phương pháp ngấm kiệt, cao cô đặc, viên nén.

Bào chế thuốc tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai

Bào chế thuốc tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai

Khoa học công nghệ là yếu tố then chốt

Mặc dù chính phủ, các bộ ngành địa phương đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển dược liệu. Sự liên kết, phối hợp giữa các nhà khoa học, người nông dân, nhà sản xuất và nhà nước đã được thực hiện và thu được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, ngành dược liệu Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng còn tồn tại nhiều vấn đề cần tiếp tục khắc phục và hoàn thiện.

Khoa học công nghệ đã góp phần làm phong phú thêm những hiểu biết của con người về hệ sinh thái dược liệu, những giá trị y học của dược liệu. Đặc biệt, những công nghệ mới hiện nay đã góp phần tạo ra những giống cây dược liệu có năng suất và chất lượng tốt, các quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến góp phần làm tăng giá trị y học và giá trị kinh tế cho dược liệu.

Theo ông Nguyễn Đức Thu, Phó Giám đốc bênh viện Y học Cổ truyền Đồng Nai cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền, tập trung vào các nhiệm vụ như: Nghiên cứu về tính vị và tác dụng theo y học cổ truyền của các vị thuốc nam, thuốc dân gian, bài thuốc kinh nghiệm được xác định theo y học cổ truyền và y học hiện đại có tác dụng trong điều trị một số bệnh, chứng bệnh; nghiên cứu khoa học chứng minh an toàn, hiệu qua sử dụng thuốc cổ truyền kết hợp với thuốc hóa dược theo giai đoạn bệnh; chứng minh khoa học và thương mại hóa thuốc/bài thuốc cổ truyền; khuyến khích sử dụng thuốc/bài thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu được nuôi trồng trong nước trong khám chữa bệnh.

PGS.TS Phạm Thanh Huyền, Viện Dược liệu – Bộ Y tế nhấn mạnh: mở rộng và triển khai thường xuyên các hoạt động tập huấn, đào tạo tại chỗ cho bà con nông dân, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất dược liệu, đào tạo kết hợp chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dược liệu. Để đánh giá giá trị y học của nguồn tài nguyên dược liệu Đồng Nai, cần thực hiện các nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong chiết xuất, xác định thành phần dược chất, bào chế các dạng sản phẩm thuốc từ dược liệu. Tập trung vào các công nghệ tiên tiến, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Theo ông Lại Thế Thông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai ngành khoa học và công nghệ phối hợp với các Bộ ngành, các đơn vị nghiên cứu, tổ chức liên quan ở Trung ương và của tỉnh trong nghiên cứu, chuyển giao quy trình công nghệ; thực hiện lồng ghép với các nhiệm vụ khoa học công nghệ do tỉnh quản lý, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ và nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ ủy quyền cho địa phương quản lý thực hiện với các dự án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai các đề tài, chương trình nghiên cứu bảo tồn nguồn gen dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về cây thuốc và khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao vào sản xuất trồng và chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO.

Đọc thêm