Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Lắng nghe nhân dân để tăng cường đồng thuận xã hội

(PLVN) - Để nắm được nhiều nhất tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan dân cử phải bám sát, “theo đến cùng” những sự việc có ảnh hưởng sâu rộng trong phạm vi lớn, phấn đấu thực hiện cho được phương châm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Cần lắng nghe ý kiến nhân dân để tạo đồng thuận xã hội trong các vấn đề có ảnh hưởng lớn.
Cần lắng nghe ý kiến nhân dân để tạo đồng thuận xã hội trong các vấn đề có ảnh hưởng lớn.

Đổi mới nội dung, phương thức hành động

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng không chỉ là thông qua được Nghị quyết hay bầu ra Ban Chấp hành mới mà quan trọng hơn là phải đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, thể chế hóa, cụ thể hóa thành chủ trương, chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống, làm sao nước giàu, dân mạnh. Theo đó, từ Nghị quyết của Đại hội, phải tạo ra của cải vật chất, nước phải giàu, dân phải mạnh. Đó mới là mục tiêu quan trọng nhất.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Lê Tiến Châu, nét mới trong việc triển khai xây dựng Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là nội dung của chương trình đã được cụ thể hóa phù hợp với đặc thù và gắn kết chặt chẽ với vai trò, nhiệm vụ của từng tổ chức. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.

Nhằm triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ đề ra, giải pháp chủ yếu là tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng hướng tới việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tập hợp quần chúng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, đoàn viên, cử tri và nhân dân để tổng hợp, phản ánh đến các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết, đáp ứng mong đợi của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.

Gần dân, sát dân, lắng nghe dân

Để thực hiện nhiệm vụ này, ông Lê Tiến Châu khẳng định, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam luôn chủ động phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát, đánh giá các quy định về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, để nắm được nhiều nhất tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Kịp thời kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đồng thời bám sát, “theo đến cùng” những sự việc có ảnh hưởng sâu rộng trong phạm vi lớn, phấn đấu thực hiện cho được phương châm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Trên tinh thần đó, các tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, bám sát thực tiễn, lắng nghe “hơi thở cuộc sống”, tổng hợp ý kiến của hội viên, đoàn viên của tổ chức mình, thông qua Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam để tập hợp gửi đến các kỳ họp của Quốc hội, HĐND các cấp để kiến nghị giải quyết một cách trung thực, thẳng thắn, không né tránh, không “xoa dịu” tình hình, xa rời thực tiễn đời sống của nhân dân. Đặc biệt, “Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm và triển khai thực hiện có trọng điểm, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, chống bệnh hình thức, né tránh, ngại va chạm” - ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, điều đầu tiên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ là chúng ta không chỉ hiểu vai trò của nhân dân mà chúng ta phải hiểu nhân dân hơn về điều kiện, hoàn cảnh, khó khăn, thuận lợi của từng gia đình trong bối cảnh hiện nay ở tại tổ chức được phân công phụ trách để kịp thời động viên, giúp đỡ họ.

MTTQ được giao giữ vai trò nòng cốt chính trị trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm của dân; thành công hay không chính là ở chỗ xử lý tốt mối quan hệ với dân trên cơ sở hiểu dân, đảm bảo dân chủ, công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của dân để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, vận động, tập hợp nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua, lao động sáng tạo nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng vững mạnh, đất nước ngày càng phát triển phồn thịnh.

Theo bà Nguyễn Thị Doan, với bản chất tốt đẹp, nhân dân đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm công dân, tinh thần công dân, quyền công dân và ý thức công dân đối với cộng đồng và đất nước. Chỉ khi chúng ta hiểu sâu sắc điều đó mới có thể thực hiện được nhiệm vụ của MTTQ, được Đảng và nhân dân tin tưởng giao cho.

Đọc thêm