Tìm giải pháp để ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”
Hội nghị có sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) và các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), đại diện cán bộ khoa học trong cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định, đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và trí thức KH&CN nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ trí thức KH&CN thường xuyên tham mưu, tư vấn về việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, tích cực thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào đời sống; tạo dựng hệ sinh thái KH&CN; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài; tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí...
Đánh giá cao những thành tựu đạt được nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của KH&CN nước nhà như: đội ngũ trí thức KH&CN chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, chưa đáp ứng được những mong muốn và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Số cán bộ KH&CN tuy gia tăng về số lượng nhưng thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực tiên phong. Việc ứng dụng KH&CN, kết nối với các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp còn ở mức độ khiêm tốn. Các sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng KH&CN phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân chưa nhiều…
Đồng thời, hệ thống tổ chức, bộ máy của Liên hiệp Hội còn một số bất cập; nội dung, phương thức hoạt động chưa có nhiều đổi mới, chưa tạo được môi trường thuận lợi để khuyến khích, truyền cảm hứng cho đội ngũ trí thức tích cực đổi mới, sáng tạo và có nhiều đóng góp vào những vấn đề lớn của đất nước.
Thủ tướng đặc biệt băn khoăn về tình trạng “chảy máu chất xám” hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước. Do đó, Liên hiệp Hội cần nghiên cứu cụ thể nguyên nhân, tồn tại, gợi ý giải pháp thiết thực cho Chính phủ để giải quyết từng bước tình trạng này.
Xây dựng hành lang pháp lý để khoa học và công nghệ phát triển
Thủ tướng cho biết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu, đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đại hội XIII của Đảng xác định 6 trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ chủ yếu, đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, tư duy khoa học mới gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống, để KH&CN trở thành động lực phát triển, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Nghị quyết Đại hội xác định, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn kết hài hòa, hiệu quả với phát triển KH&CN và đội ngũ trí thức tâm huyết, đam mê, yêu khoa học, yêu đất nước và con người Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động phát triển về KH&CN, trong đó gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, gắn với chuyển đổi số, nền kinh tế số, xã hội số để mang lại giá trị, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chính phủ đang và tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý để tạo điều kiện phát triển KH&CN, đặc biệt là các lĩnh vực tác động trực tiếp đến cuộc sống nhân dân như lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, viễn thông, công nghệ tài chính, dịch vụ... để nhân dân được hưởng thành tựu KH&CN tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới…
Thủ tướng yêu cầu Liên hiệp Hội cần coi trọng và tăng cường vai trò của đội ngũ trí thức trong khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - tri thức; tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, có thể còn kéo dài với biển chủng mới, đội ngũ trí thức cần tích cực nghiên cứu, phát triển các biện pháp, các sản phẩm KH&CN, chống dịch, phát huy hơn nữa vai trò, uy tín của mình trong hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông để phổ biến rộng rãi, giải thích rõ ràng với nhân dân về khía cạnh, góc nhìn khoa học của những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu một số vấn đề mang tính chiến lược của đất nước như tổ chức tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận về “xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”, “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”; vấn đề khai thác nguồn lực từ sức mạnh đoàn kết dân tộc, lịch sử văn hóa; đặc biệt là những vấn đề bấp bách, bất ngờ trước mắt như phòng, chống dịch COVID-19, phát triển vaccine, công nghiệp dược...