Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống: Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí

(PLVN) -Bên cạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn trong giai đoạn hiện nay. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Đẩy mạnh hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao… Tuy nhiên, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Trên cơ sở những kết quả, bài học kinh nghiệm trong công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực trong thời gian qua, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Về các giải pháp thực hiện, ngoài việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác trong cán bộ, đảng viên - nhất là người đứng đầu, Đại hội XIII cũng xác định phải đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội, về kiểm tra, giám sát và PCTN, lãng phí. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; kịp thời thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí…

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ (11/8), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”. Cùng với đó, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh PCTN, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm “cầm chừng”, “phòng thủ”… trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đánh giá về công tác này, nhiều chuyên gia nhận định, mức độ quan trọng của việc phòng, chống lãng phí không thua kém gì nhiệm vụ PCTN, nhưng dường như chưa được quan tâm đúng mức, nhất là trong việc xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm tăng cường trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu. Do đó, các chuyên gia đề nghị cần tăng cường hơn nữa các giải pháp phát hiện, xử lý lãng phí, trong đó quan tâm đến việc xử lý trách nhiệm khi ban hành quyết định, chủ trương trong đầu tư, phát triển, hoạch định chính sách không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn lực quốc gia; trong việc sử dụng quản lý ngân sách nhà nước, tài sản, tài nguyên của đất nước; trong sử dụng lao động, thời gian lao động.

Quan tâm đúng mức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Vấn đề chống lãng phí cũng được các đại biểu Quốc hội (QH) quan tâm, thảo luận sôi nổi tại nghị trường. Tại các phiên họp của Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV diễn ra vào tháng 7 vừa qua, các đại biểu cho rằng, để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào chiều sâu, chúng ta cần phải tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngoài ra, phải có thể chế chặt chẽ, đồng bộ, khả thi; phân công, phân cấp phải rõ ràng, cụ thể.

Theo các đại biểu, quan trọng hơn hết trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là ý thức của mỗi ngành, mỗi cấp và mỗi người dân, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên. “Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành quốc sách. Để tiết kiệm, chống lãng phí trở thành quốc sách chúng ta phải bắt đầu từ giáo dục… Chúng ta phải có biện pháp, có những chương trình, kế hoạch để giáo dục, để làm cho tiết kiệm và chống lãng phí trở thành đức tính”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề xuất.

Đặc biệt, trong các loại lãng phí thì lãng phí về thời gian tiêu tốn nhiều tiền bạc nhất. Bởi vậy, để tiết kiệm thời gian phải khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các địa phương. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, quy định về giãn cách làm hạn chế việc đi lại thì việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương triệt để sẽ giảm đi nhiều khâu trung gian, nhiều thủ tục. Tại nhiều phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân rõ ràng hơn, phải căn cứ thực tiễn tình hình địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” linh hoạt, sáng tạo, đúng hướng, hiệu quả; chống dịch tốt thì mới phát triển kinh tế - xã hội tốt. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền phải trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài” và Chính phủ không làm thay cho tỉnh, huyện, xã; qua đó nâng cao năng lực, khả năng thực hiện của cấp dưới, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Cũng tại Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ trước đến nay chưa được thực sự quan tâm đúng mức. Do đó lần này, QH quyết tâm đưa ra thảo luận tại hội trường và tiến hành giám sát nhằm đánh giá đúng tình hình, từ đó có giải pháp thực hiện hiệu quả, tạo ra nguồn lực phát triển. Với nhận định, “đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lấy dẫn chứng, chỉ tính riêng các dự án treo nếu các địa phương tiến hành rà soát và tập trung giải quyết dứt điểm sẽ tạo chuyển biến lớn, tạo được nguồn lực hết sức lớn.

“Quốc hội lựa chọn giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí, mỗi năm chọn một lĩnh vực, tập trung vấn đề trọng điểm, từ đó để đi vào nền nếp, cải thiện được tình hình, không chỉ ở lĩnh vực công mà cả ở lĩnh vực tư, huy động được toàn bộ nhân lực, vật lực, tài lực của đất nước cho phát triển” - Chủ tịch QH nêu rõ.

Những quan điểm, chỉ đạo trên cho thấy tầm quan trọng của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn mà Đảng, Nhà nước đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, không để lãng phí trở thành một vấn đề cản trở sự phát triển, gây bức xúc cho nhân dân.

Đọc thêm