Trong bài phát biểu, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã truyền thông điệp: Bình đẳng giới cơ bản là một câu hỏi về quyền lực. Đó là cuộc đấu tranh mà chúng ta phải giành chiến thắng cùng với nhau.
Để đạt được sự thay đổi nhanh chóng và có ý nghĩa mà thế giới này đang cần, hãy bắt đầu bằng việc giải quyết sự bất cân bằng trong mối quan hệ quyền lực. “Bởi vì điều đó tốt cho tất cả chúng ta”- Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.
Cũng theo ôngAntonio Guterres, khi phụ nữ ngồi ở bàn đàm phán, cơ hội hòa bình, bền vững tăng lên. Khi phụ nữ có cơ hội bình đẳng trong thị trường lao động, nền kinh tế được khai phá mạnh mẽ. Khi vấn đề giới được đặt ở vị trí trung tâm, sự trợ giúp sẽ lan tỏa xa hơn và tác động mạnh mẽ hơn tới mọi người: nam giới, phụ nữ, trẻ em gái và trẻ em trai.
Sự công bằng mang lại sự hiệu quả trong bảo đảm hòa bình, tăng cường nhân quyền và đạt các mục tiêu phát triển bền vững. “Nói một cách đơn giản, khi chúng ta loại trừ phụ nữ, mọi người đều phải trả giá. Khi chúng ta đưa phụ nữ vào quá trình phát triển, thế giới sẽ chiến thắng”- Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, nhấn mạnh.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ làm Trưởng đoàn, cùng đại diện Bộ Ngoại giao, đại diện phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, tham dự phiên họp.
Xây dựng và hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới là một trong những trọng tâm mà Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Khoảng cách giới trong cả 8 lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội được quy định tại Luật Bình đẳng giới đã được rút ngắn đáng kể. Nhiều chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt là chỉ tiêu về kinh tế, lao động và việc làm đã đạt được chỉ tiêu của kế hoạch đề ra.
Năm 2018, tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp tại Việt Nam đạt 31,3% trên tổng số chủ doanh nghiệp và xếp thứ 6/57 quốc gia được xếp hạng (năm 2017 chỉ tiêu này đạt 7/54). Việt Nam đang là quốc gia duy nhất của Châu Á có mặt trong top 10 nước cao nhất toàn cầu về chỉ số này và tiếp tục duy trì thứ hạng về chỉ số cơ hội và tham gia vào nền kinh tế của phụ nữ.
Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 27,2%, cao hơn mức trung bình của Châu Á là 19% và mức 21% của toàn cầu. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cũng luôn ở mức cao, khoảng 71,55%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%.
Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.