Sáng 17/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, đã dự, chỉ đạo Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn tới năm 2025.
Quan tâm, ưu tiên tốt nhất có thể cho nhiệm vụ nhân văn cao cả, sâu sắc này
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia, trước khi ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (năm 2010), mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha đất đai, chiếm 18,82% diện tích đất đai của cả nước.
Các báo cáo và ý kiến phát biểu tại Hội nghị nhận định, sau 10 năm thực hiện Chương trình, những kết quả tích cực đạt được đã mang lại cuộc sống an toàn hơn cho người dân, đồng thời góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Chúng ta nỗ lực hành động hết sức mình để ngăn chặn chiến tranh, xung đột vũ trang, để các dân tộc trên thế giới không bao giờ còn phải gánh chịu hậu quả nặng nề, đau thương do chiến tranh và xung đột vũ trang gây ra, như đã từng xảy ra tại Việt Nam trong thế kỷ XX
Ngân sách nhà nước đã quan tâm, ưu tiên tốt nhất có thể, trong điều kiện còn khó khăn nhưng vẫn bố trí nguồn lực khá lớn cho nhiệm vụ nhân văn sâu sắc, cao cả này. Việt Nam cũng đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội và đặc biệt là huy động sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế. Nhiều dự án về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Chính phủ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Na Uy, Đức, Australia, Nga… và các tổ chức quốc tế của Liên Hợp Quốc như UNDP, UNICEF… và nhiều tổ chức, nhà tài trợ quốc tế khác, các cá nhân đã thực hiện thành công ở Việt Nam.
Giai đoạn 2010-2020, tổng kinh phí cho công tác này là hơn 12 nghìn tỷ đồng, gồm ngân sách trong nước hơn 10 nghìn tỷ đồng và viện trợ không hoàn lại của nước ngoài hơn 2 nghìn tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).
Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã khảo sát và rà phá được gần 500.000 ha đất đai ô nhiễm và phá hủy được hàng trăm nghìn quả bom mìn, vật nổ. Nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước được xây dựng trên nhiều vùng đất đã được làm sạch bom mìn, vật nổ.
Hơn 5.000 trường hợp nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác đã được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế với số tiền hơn 50 tỷ đồng. Hàng trăm nghìn người, đặc biệt là trẻ em và người dân ở những vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng được tiếp cận với các phương pháp phòng tránh tai nạn bom mìn. Số vụ tai nạn bom mìn giảm đáng kể, nhiều địa phương trong nhiều năm không còn xảy ra tai nạn do bom mìn sau chiến tranh.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên cán bộ Trung tâm hành động phòng chống bom mìn tỉnh Quảng Trị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại sứ Hoa Kỳ Marc Evans Knapper đánh giá cao những thành tựu khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam với nhiều bài học hay, kinh nghiệm tốt mà Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, đối tác quốc tế. Ông khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam phát triển vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, đánh giá việc phối hợp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong công tác này là "phi thường".
Ông cũng nhận định Việt Nam luôn tích cực tham gia, dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu để loại bỏ bom mìn sau chiến tranh, góp phần thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới, vì một tương lai mà "người nông dân có thể canh tác trên cánh đồng, các bậc cha mẹ có thể con chơi ngoài trời mà không phải lo lắng".
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các tổ chức quốc tế về chương trình hành động phòng chống bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hiểm họa hằng ngày đối với người dân, vấn đề nhức nhối của đất nước
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị có ý nghĩa quan trọng và nhân văn sâu sắc này, Thủ tướng nêu rõ, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả bom mìn, chất độc da cam nói riêng. Việc ban hành Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504) có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ổn định cuộc sống người dân, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, trách nhiệm và sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước nhằm sớm loại bỏ sự nguy hiểm bởi bom mìn do chiến tranh để lại ở Việt Nam, hàn gắn vết thương chiến tranh để lại.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình 504, công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh nói chung, trong đó có khắc phục hậu quả bom mìn đã được triển khai thực hiện hiệu quả và thu được một số kết quả quan trọng.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày các tài liệu về phòng tránh bom mìn tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Báo cáo của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về công tác khắc phục hậu quả bom mìn toàn cầu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76 năm 2021 đã đánh giá cao kết quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam trong thời gian qua. Chương trình hành động bom mìn của Việt Nam đã thí điểm xây dựng dựa trên các tiêu chí về nhân đạo và phát triển phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và Luật Nhân đạo quốc tế.
Việt Nam thực hiện đầy đủ các điều ước, thỏa thuận quốc tế đã ký kết, đồng thời tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về khắc phục hậu quả bom mìn do Việt Nam khởi xướng và chủ trì đã được đánh giá rất cao.
Từ những kết quả đạt được nêu trên, Thủ tướng nêu rõ những kinh nghiệm quý. Theo đó, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh luôn được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn xã hội. Nhưng kết quả đạt được còn nhờ kịp thời xây dựng hành lang pháp lý và kế hoạch một cách đồng bộ nhằm tổ chức thực hiện thống nhất, đồng thời quản lý và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả và tiết kiệm.
Hệ thống tổ chức quản lý khắc phục hậu quả bom mìn từ Trung ương đến địa phương được hình thành, tạo sự gắn kết đồng bộ, tổng thể, liên thông đồng thời phối hợp chặt chẽ trong hành động. Cùng với đó, hoạt động hợp tác quốc tế và hoạt động vận động tài trợ khắc phục hậu quả bom mìn được triển khai hiệu quả, nhất là với những nước có quan hệ đối tác toàn diện, những nước có trách nhiệm với Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh.
Thay mặt Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia Khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh, Thủ tướng biểu dương và chúc mừng những thành công trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh hơn 10 năm qua.
Thủ tướng cũng bày tỏ lòng cảm ơn chân thành, sâu sắc đến Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đã đồng hành cùng Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng. Thủ tướng gửi lời chia sẻ, thăm hỏi sâu sắc nhất tới các địa phương, gia đình phải chịu hậu quả do chiến tranh để lại và nhất là do bom mìn gây ra sau chiến tranh.
|
Đại biểu các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị theo dõi những hình ảnh trong phim tài liệu về hậu quả bom mìn tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đưa Việt Nam sớm không còn bom mìn sau chiến tranh
Bên cạnh kết quả quan trọng, công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn những khó khăn, hạn chế, kết quả còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Theo Thủ tướng, hiện nay, diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam vẫn còn rất lớn (khoảng 5 triệu ha, chiếm hơn 17% diện tích đất đai cả nước), công việc nhiều, phức tạp, yêu cầu cao nhưng thời gian có hạn, nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn còn hạn chế.
"Tôi đề nghị chúng ta với tinh thần nhân văn và trách nhiệm cao nhất, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, có giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại để công tác khắc phục hậu quả bom mìn đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Làm việc gì cũng cần nguồn lực, nhưng cùng với đó là sự an ủi, chia sẻ, đồng cảm, cộng đồng trách nhiệm của bạn bè, đối tác quốc tế, như phát biểu của Đại sứ Mỹ, của Giám đốc KOICA Hàn Quốc tại Hội nghị hôm nay, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để những tình cảm này mang lại kết quả, sản phẩm cụ thể nhiều hơn, thiết thực hơn", Thủ tướng phát biểu.
Trong thời gian tới, yêu cầu nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là rất nặng nề, phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là kế hoạch sử dụng đất đai tại các địa phương, nhanh chóng xử lý ô nhiễm bom mìn làm sạch đất đai để tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, xây dựng chính sách hỗ trợ tối đa cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn.
|
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn sau chiến tranh, không còn người dân vô tội bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh gây ra, Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm và nhấn mạnh, "Từ thực tế Việt Nam sau chiến tranh, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lòng tin, chung tay gìn giữ hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đem lại sự an toàn, hạnh phúc cho mọi người dân trên Trái Đất, chung tay xây dựng, bảo vệ hòa bình, an ninh và hợp tác, phát triển, vì một thế giới xanh, sạch, phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn hơn.
Chúng ta nỗ lực hành động hết sức mình để ngăn chặn chiến tranh, xung đột vũ trang, để các dân tộc trên thế giới không bao giờ còn phải gánh chịu hậu quả nặng nề, đau thương do chiến tranh và xung đột vũ trang gây ra, như đã từng xảy ra tại Việt Nam trong thế kỷ XX", Thủ tướng nhấn mạnh.