Đức Khuê “biết mình là ai”

 Anh luôn tâm niệm, nghề diễn cũng như một đứa trẻ, phải trải qua những bước chập chững đầu tiên trong đời, phải học bò, rồi mới tập đi, biết chạy. Và với Đức Khuê, trên đời này làm gì có sẵn “của rơi” để nhặt, mà tất cả đều phải do mình tạo ra.

Anh luôn tâm niệm, nghề diễn cũng như một đứa trẻ, phải trải qua những bước chập chững đầu tiên trong đời, phải học bò, rồi mới tập đi, biết chạy. Và với Đức Khuê, trên đời này làm gì có sẵn “của rơi” để nhặt, mà tất cả đều phải do mình tạo ra.

Vừa làm ông già, vừa làm trẻ con

Tốt nghiệp đại học Thương Mại hệ chính quy năm 1988, sau 6 tháng chuyển tới chuyển lui nhiều công ty nhưng nghiệp thương mại không giữ chân được Đức Khuê. “Vậy nghề gì mới tạo cảm hứng cho mày làm việc hả?” - ông cụ thân sinh ra anh đã phải đập bàn, quát vào mặt cậu con trai duy nhất của mình như vậy.

Câu nói “Ở đời phải biết mình là ai” mà Khuê diễn trên sân khấu đã trở nên thông dụng ngoài đời.

Học và học, để suốt đời phải mang cặp kính dày cộp trên khuôn mặt vốn lúc nào cũng ưu tư của mình. Song, “biết làm thế nào được khi tâm hồn luôn hướng về nghệ thuật”. Sẵn có người bà con công tác ở Nhà hát Tuổi trẻ, anh xin vào làm chân soát vé. Gia đình, bạn bè, không ít người bảo anh là kẻ “thả mồi bắt bóng”.

Những lúc rảnh việc, anh chàng lại mon men đến bên cánh gà, say sưa xem các anh chị diễn viên diễn kịch. Cuối năm 1990, Nhà hát Tuổi trẻ tuyển lớp Diễn viên khoá II (1990-1994), đạo diễn Lê Hùng gọi anh lại và bảo: “Cậu chuẩn bị tiểu phẩm, bài hát hoặc ngâm thơ rồi lên thử tuyển làm diễn viên xem có được không?”. Một “phát” trúng ngay, không vì lý do năng khiếu, cũng không phải ngoại hình, mà chỉ là vì “thấy nó nhiệt tình với nghề diễn quá, thôi thì cho nó một cơ hội” như giám khảo lúc đó đã nói.

Vì lý do ấy, anh cả của lớp diễn viên khóa II không được nhiều người kỳ vọng. Suốt 4 năm học ở Nhà hát Tuổi trẻ, anh thường được giao những vai ít ấn tượng với khán giả như trong “Ông già và trẻ con”. Kể cả khi tốt nghiệp khóa học, Đức Khuê vẫn chỉ là “ông già” và “trẻ con”. Nhưng Đức Khuê không kén chọn. Dáng người hơi lọ mọ, gương mặt không lấy gì làm đẹp trai - cũng chẳng cho anh cơ hội để kén chọn. Cứ được giao vai là anh nhận, dù chỉ để làm nền cho người khác, ở điện ảnh, truyền hình hay sân khấu.

“Không tài năng, cũng chẳng lợi thế về hình thức, thôi thì mình bù đắp bằng sự cần cù” - Đức Khuê nói. Anh tự an ủi mình, mỗi người một số phận và lại miệt mài với từng vai diễn, cho dù là những vai cực ngắn chỉ xuất hiện dăm ba phút, không kịp ghi lại trong trí nhớ của người xem. Nhận kịch bản, anh đọc rất kỹ, kể cả những phần không phải đất của mình.

Để nhuyễn lời thoại - đương nhiên, nhưng còn là để hiểu thật sâu những điều mà tác phẩm muốn thể hiện, để ăn khớp với cả ê-kíp sáng tạo. Câu hỏi: “Nhân vật này là ai, tại sao lại có mặt, sự xuất hiện của nhân vật ấy đòi hỏi mình phải thể hiện như thế nào?” luôn thường trực trong Đức Khuê. Không sĩ diện, không ngần ngại, anh nhờ tất cả những người xung quanh, từ tác giả đến đạo diễn, diễn viên, quay phim... giải đáp điều mình còn thắc mắc.

Hạnh phúc giản đơn

Dung dị trong nghệ thuật, Đức Khuê cũng là một con người rất phẳng lặng trong cuộc sống. Tự nhận là người chân chất, cổ điển, anh không bao giờ gồng mình lên, khoác cho mình lớp vỏ nghệ sĩ lập dị, khác người. Quan niệm về hạnh phúc của anh thật giản dị: Một công việc yêu thích, một người vợ thảo hiền, những đứa con ngoan...

Khuê rất tin vào luật nhân quả: “Tôi biết mình trong từng hoàn cảnh. Ở nhà hát, tôi là một diễn viên, về nhà là một người cha, một người chồng tận tụy hay có thể xem là một “ô-sin” đảm đang. Tôi nghĩ mình sống thế nào thì con cái cũng sẽ sống thế, như giọt mưa ở trên giọt gianh cùng rơi xuống một chỗ...”

“Bà xã” của anh ở cùng cơ quan, làm công việc hành chính. Căn hộ 35m2 trên tầng bốn khu tập thể Phương Mai của đôi vợ chồng Đức Khuê - Ngọc Lan và hai đứa con nhỏ tuy nhỏ bé, đơn sơ nhưng luôn ngập tràn ấm cúng. Dù người vợ không sắc nước hương trời như nhiều bạn diễn, nhưng chưa bao giờ Đức Khuê nảy ý so sánh hay có những phút xao lòng.

Hạnh phúc, với anh, đơn giản là những bữa cơm ngon chị nấu, là những buổi chiều cùng đón con tan học, là những lần chị nhắc thoại cho anh tập kịch, là những đêm chị chong đèn thức đợi anh đi diễn về khuya... Chỉ vậy thôi, nhưng không phải dễ tìm ở những ai trót đa mang với nghệ thuật. Tổ ấm không sóng gió, biến động ấy chính là nơi giúp Đức Khuê có được sự tĩnh lặng cần thiết để cần mẫn hơn với những vai diễn của mình.

Tránh sao những phút trăn trở

Khán giả cả nước biết Đức Khuê chủ yếu qua các vai hài trong chương trình Gala Cười. Theo anh, công việc phải đặt trên hết, dù là hài kịch hay chính kịch thì người nghệ sĩ cũng phải cố gắng hết mình. Điều áy náy nhất của anh là, hễ anh bước ra sân khấu, khán giả lại cười ồ lên, dù vai diễn của anh lúc đó chẳng có gì đáng cười cả: Một cụ đồ suy tư, một ông bố đầy nỗi niềm... Những lúc như vậy, Đức Khuê phải tự nhắc mình biết chấp nhận phản xạ tự nhiên của khán giả và cố gắng dắt họ dần dần trở lại vở kịch...

Một nỗi khổ nữa của Đức Khuê: Đôi mắt cận 8 đi-ốp khiến anh bao lần khóc dở, mếu dở. Chuyện đi trên đường không nhìn thấy hố cứ lao sầm xuống, dẫm chân lên con chó để chú ta quay lại đớp trả... là thường xuyên. Nhiều lúc trên sân khấu, anh cứ sán lại gần bạn diễn, khiến bạn diễn phải tìm cách ra hiệu để anh giữ khoảng cách. Mỗi khi chuyển cảnh, đèn tắt là anh cứ phải tay khua khoắng đi trước, người mò mẫm theo sau. Đóng phim, nếu phải bỏ kính còn khó khăn hơn. Điều này khiến cơ hội nhận vai của anh bị hạn chế khá nhiều.

Hơn 10 năm lăn lộn với nghề, với ánh đèn sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, không ít lần Khuê ngồi lại và ngẫm xem mình đã lựa chọn hướng đi đúng hay chưa? Tiếp tục sinh nghề, tử nghiệp hay là rẽ sang lối khác để cho vợ con và bố mẹ già được nhờ? Mỗi khi đặt mình xuống giường hoặc những lúc suy tư bâng quơ thì những câu hỏi ấy lại hiển hiện, dường như thách thức bản lĩnh của một diễn viên đang cố sống chết với nghiệp diễn.

Những người bạn học cùng nay đã có chỗ đứng, thành công nhất định trên thương trường, nghĩ lại cũng không tránh khỏi những lúc chạnh lòng: “Giữa thập niên 90, tôi đã thực sự bế tắc trong sự nghiệp, người nghệ sĩ cũng phải đối mặt với cơm, áo, gạo, tiền của đời thường... Chính những lúc khó khăn đã tôi luyện cho người nghệ sĩ phẩm chất cao đẹp, tôi đã từng ngày cố gắng hoàn thành những vai dù là nhỏ nhất để rút ra được kinh nghiệm”.

“Không được nản” là mệnh lệnh Đức Khuê đặt ra cho chính mình. Cặp kính của anh ngày một dày thêm vì tìm hiểu vốn sống qua những trang sách, học hỏi các anh chị lớp trước, đi thực tế để cho những nhân vật mình thể hiện thật hơn, gần với cuộc sống hơn.

Rồi cũng có ngày ngẩng mặt với đời

Và rồi thì trời cũng không phụ lòng người, với hàng loạt vai hài, đặc biệt là trong tiểu phẩm “Bệnh nói nhiều”, cái tên Đức Khuê dần trở nên quen thuộc với khán giả. Thậm chí câu nói “Ở đời phải biết mình là ai” mà Khuê diễn trên sân khấu đã trở thành câu cửa miệng của nhiều khán giả. Xem Đức Khuê diễn hài, nhiều người rất thích, vì cái cười của anh là cười không dung tục, cười nhưng sau đó là nước mắt lặng lẽ chảy vào trong.

Nhưng khuôn mặt củ mỉ củ mì với cặp kính cận dày cộp của Đức Khuê không chỉ đóng đinh với những vai hài mà còn rất nhiều loại vai, đặc biệt là bi kịch. Sau những vai phụ trong “Hà Nội mùa đông” và “Những ngày tháng đẹp”, đạo diễn Vương Đức nhìn thấy sau bản mặt ngơ ngác với cặp kính cận của Đức Khuê một tài năng ẩn khuất.

Vào vai Thắng trong phim “Của rơi” của đạo diễn Vương Đức, Đức Khuê luôn được đánh giá cao bởi sự nghiêm túc, chịu khó tìm tòi đất diễn cho vai của mình. Và bù lại những vất vả trong quá trình làm phim, Đức Khuê đã giành được giải thưởng mà bất cứ diễn viên nào cũng mơ ước: Nam diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 14. “Nhưng tôi tin, mọi chuyện vẫn không chỉ dừng lại ở đây...”, anh bảo vậy.

Trên con đường nghệ thuật, có người phát sáng rất nhanh rồi vụt tắt, song có những nghệ sĩ cần cù, giữ ấn tượng lâu bền trong lòng khán giả, do anh ta sống chính là mình trong nhân vật. Đức Khuê là một người như thế.

Thu Hồng

Đọc thêm