Đức: Khủng hoảng “thử nghiệm phát thải khí”

(PLO) - Ngày 30/1, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng chỉ trích việc 3 hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới của Đức gồm Volkswagen, BMW và Daimler tiến hành các cuộc thí nghiệm thử phản ứng hô hấp của khỉ và người khi tiếp xúc với khí thải từ ô tô. 
Ảnh minh họa

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cho biết, cơ quan này "chấn động" trước thông tin trên, nhấn mạnh các cuộc thử nghiệm kiểu như vậy là "vô đạo đức và không thể chấp nhận được". Ông Schinas đồng thời hối thúc Đức sớm điều tra rõ vụ việc. 

Lại là Volkswagen

Theo tờ New York Times (Mỹ) đưa tin, nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen đã ủy thác cho Viện Nghiên cứu Hô hấp Lovelace (LRRI) tại Mỹ tiến hành các cuộc thử nghiệm trên 10 cá thể khỉ trong năm 2014, bằng cách "nhốt chúng trong một phòng kín" và thử phản ứng khi chúng hít khí thải từ dòng xe Beetle sử dụng nhiên liệu diesel của Volkswagen. Trước thông tin này, Volkswagen ra tuyên bố nhấn mạnh hãng "phản đối mọi hình thức ngược đãi động vật". 

Tuy nhiên, vụ việc càng diễn biến phức tạp khi báo Đức Sueddeutsche Zeitung ngày 29/1 đưa tin "các cuộc thử nghiệm về tác hại của việc hít phải khí độc nitrogen oxit (NOx) cũng đã được tiến hành trên khoảng 25 người khỏe mạnh". Theo tờ báo, các cuộc thử nghiệm được một tổ chức có tên gọi "Nhóm nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe trong lĩnh vực Giao thông châu Âu" (EUGT) tiến hành. Tổ chức này gián tiếp nhận kinh phí hoạt động của Volkswagen cùng 2 hãng sản xuất ô tô danh tiếng khác của Đức là Daimler và BMW khi chấp thuận tiến hành các cuộc thử nghiệm trên theo ủy thác từ LRRI. Tuy nhiên, 3 nhà sản xuất ô tô trên cuối năm 2016 đã quyết định giải thể EUGT và tổ chức này "đóng cửa" hồi cuối năm ngoái. 

Trong khi đó, người phát ngôn Daimler nhấn mạnh hãng này "hoàn toàn không ủng hộ các nghiên cứu trên và phương thức tiến hành của EUGT", đồng thời nêu rõ công ty mẹ Mercedes-Benz của hãng "lên án các thí nghiệm trên với những ngôn từ mạnh mẽ nhất". Hiện BMW chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin trên, song các chính trị gia tại Đức tỏ thái độ bất bình, lên án các cuộc kiểm nghiệm "không thể tha thứ". 

Còn trên cổng thông tin điện tử chính thức, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dẫn "ngày càng nhiều bằng chứng" cho thấy việc hít phải khí độc NOx có thể làm gia tăng các triệu chứng của bệnh viêm phế quản và hen suyễn, cũng như dẫn tới các bệnh truyền nhiễm về hô hấp, từ đó gây suy giảm chức năng của phổi. Thậm chí, còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới các bệnh về tim mạch, gây tử vong sớm ở người. 

Trước đó, “mây đen” đã phủ bóng từ tháng 9/2015 khi Volkswagen thừa nhận lắp đặt phần mềm gian lận khí thải trên 11 triệu ô tô của hãng để có thể vượt qua những cuộc kiểm tra định kỳ, song khi lưu thông trên thực tế lượng phát thải khí độc NOx vượt tiêu chuẩn cho phép.Tính đến tháng 9/2017, vụ bê bối này đã buộc Volkswagen phải chi hơn 22 tỷ euro (tương đương 24,4 tỷ USD) để nộp phạt và đền bù. 

Sai trái và vô đạo đức

Chủ tịch Volkswagen Matthias Mueller ngày 30/1 thông báo đã cho nghỉ việc Thomas Steg, đại diện của Volkswagen phụ trách quan hệ đối ngoại và các vấn đề chính phủ, sau khi ông này nhận trách nhiệm trong vụ bê bối. Cũng theo ông Mueller, Volkswagen đang "kiểm tra lại các hoạt động của EUGT để rút ra tất cả các kết luận cần thiết". EUGT đã ngừng hoạt động vào năm 2017.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo Spiegel Online ngày 29/1, ông Mueller đã gọi các cuộc thí nghiệm trên người và khỉ là "sai trái và vô đạo đức", đồng thời bày tỏ hối hận sâu sắc trên nhật báo Bild về những việc đã xảy ra. Ông thừa nhận có được thông báo về các thí nghiệm trên khỉ song khẳng định đã ngăn chặn một dự án thí nghiệm đối với người. 

Chính phủ Đức ngày 29/1 đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc 3 hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới của nước này gồm Volkswagen, BMW và Daimler tiến hành các cuộc thí nghiệm thử phản ứng hô hấp của khỉ và người khi tiếp xúc với khí thải từ ô tô. 

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Steffen Seibert cho biết các cuộc thử nghiệm kiểu như vậy đối với khỉ và thậm chí với người là "không thể bào chữa được" về mặt đạo đức và vụ việc khiến nhiều người căm phẫn là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Giao thông Đức Christian Schmidt cho biết Chính phủ Đức lên án mạnh mẽ các cuộc thử nghiệm khí thải, đồng thời nhấn mạnh hành động này một lần nữa đã làm xói mòn và suy yếu lòng tin của người tiêu dùng đối với ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Ông khẳng định Chính phủ Đức yêu cầu cả 3 hãng sản xuất ô tô BMW, Volkswagen và Dainler đưa ra lời giải thích về vụ bê bối trên... 

Đọc thêm