Đừng biến người đồng tính thành anh hề

Bỏ mặc một thực tại những bi kịch và các vấn đề nhân văn, các đạo diễn và biên kịch đang dựng nên một lớp nhân vật thiểu số đầy màu sắc giễu nhại, khi chỉ thấy họ là những “bóng hồng” để gây cười cho người xem, là thứ “gia vị” để nêm vào thực đơn chứ chưa thực sự là món ăn chính.

Nhan nhản những bộ phim truyền hình và điện ảnh Việt gần đây có sự xuất hiện của các nhân vật đồng tính. Nhưng trớ trêu thay, bỏ mặc một thực tại những bi kịch và các vấn đề nhân văn, các đạo diễn và biên kịch đang dựng nên một lớp nhân vật thiểu số đầy màu sắc giễu nhại, khi chỉ thấy họ là những “bóng hồng” để gây cười cho người xem, là thứ “gia vị” để nêm vào thực đơn chứ chưa thực sự là món ăn chính.

 

Poster phim “Núi Yên Ngựa” - bộ phim kể về  hành trình đến với nhau đầy cảm động của hai người đàn ông và những diễn biến đằng sau cuộc hội ngộ đầy duyên phận đó
Poster phim “Núi Yên Ngựa", bộ phim kể về hành trình đến với nhau đầy cảm động của hai người đàn ông.

Những hình nhân thiếu nét trong phim ảnh

Với những ai theo dõi màn ảnh nhỏ thời gian vừa qua, dù chỉ thoáng qua thôi, cũng đủ để nhận thấy những bộ phim về đề tài đồng tính đang ngày càng được các đạo diễn khai thác triệt để.

Chẳng hạn như “Bước chân hoàn vũ” nói về hậu trường các cuộc thi nhan sắc, xuất hiện nhân vật đồng tính John Phạm, “Cổng mặt trời” nói về cuộc sống của giới sinh viên xa nhà, cũng thêm vị “đồng tính” với mối tình giữa con trai của Giám đốc hãng phim với một nhân viên trong hãng. Hàng loạt phim truyền hình khác cũng “cố” chen vào một, hai nhân vật “bóng” như một chiêu câu khách và mang tính trào lưu: “Ngôi nhà có nhiều cửa sổ”, “Xúc xắc tình yêu”, “Chạy án”...

Mẫu số chung của các nhân vật đồng tính là thường có tần số xuất hiện không nhiều, chỉ phơn phớt như một thứ “gia vị”, thỉnh thoảng “lượn” qua màn ảnh để thay đổi không khí cho bộ phim. Nhiều khi họ xuất hiện một cách vô thưởng vô phạt, ít có lý do chính đáng, cốt chỉ mua tiếng cười của khán giả hoặc vì muốn cho phim thức thời, hợp “mốt”.

Màu sắc đồng tính chỉ dừng lại ở mức “lưng chừng” như một vài điệu bộ, cung cách ăn mặc, nói năng “khác thường” nhân vật đồng tính. Đa số nhân vật đồng tính trên phim truyền hình đều thiếu chiều sâu tâm lý, xuất hiện hời hợt, đôi khi trở thành cực đoan, hoàn toàn không phản ánh được những nỗi niềm khắc khoải, những giằng xé nội tâm của những người thuộc “thế giới thứ ba”.

Phải chăng các nhà biên kịch, đạo diễn quá ít quan sát hay quá ít tưởng tượng nên đã “giẫm chân lên nhau” khi “bày trò” cho khán giả với những hình nhân thiếu nét như vậy? Đó là chưa kể tới những chi tiết đơn điệu, thậm chí là những tình huống dễ dãi và bằng phẳng trong những bộ phim truyền hình (kéo) dài tập.

Điện ảnh cũng... không chịu thua kém. Có thể nói, xu hướng khai thác đề tài đồng tính trên màn ảnh rộng bắt đầu nở rộ từ sau “phát pháo” mở đầu của đạo diễn Lê Hoàng với “Gái nhảy”, “Lọ lem hè phố”, “Trai nhảy”. Hàng loạt phim ra đời sau đó ít nhiều chen nhân vật đồng tính vào để tạo sự tò mò nơi khán giả như: “Những cô gái chân dài”, “Những nụ hôn rực rỡ”, “Để Mai tính”, “Em hiền như ma-sơ”... Thậm chí, phim chiếu tết vừa qua - “Thiên sứ 99” cũng lồng vào nhân vật thần mây, thần gió tính cách ẻo lả, đồng bóng - một kiểu mẫu đồng tính đã được các phim xưa cũ mài dũa thành “công thức”.

Phạm Hương Hội (Thái Hòa) trong “Để Mai tính” là một trong số ít nhân vật đồng tính được khán giả yêu thích. Nhưng yêu thích chỉ do nét diễn xuất hài hước, đạt yêu cầu của một chàng “bóng” thời hiện đại chứ khán giả vẫn thấy điều gì đó chua chát cho nhân vật này, hoàn toàn chưa đạt đến sự đồng cảm hay chạm đến cảm xúc bên trong.

Trấn Thành (vai bầu sô Trần Hàn Vi) trong phim “Em hiền như ma-sơ” đẩy nhân vật đồng tính sang một thái cực khác mang tính phản diện cộng với cách diễn quá cường điệu bằng những ngôn từ rất vô văn hóa của anh khiến “người trong cuộc” thấy khó chịu còn người ngoài lại phản cảm.

Khi nghệ thuật vô tình xúc phạm con người

Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, trước đây đề tài đồng tính luôn bị né tránh một cách triệt để. Chẳng hạn, thời kì phim “mì ăn liền” đầu những năm 90, đồng tính được đề cập thoáng qua nhưng chỉ để gây sốc hoặc làm trò cười, một điều mà điện ảnh Mỹ đã làm trước đó 60 năm nhưng đã đủ nhạy cảm dừng lại để không xúc phạm những người đồng tính nữa.

Các nhà làm phim Việt xây dựng hình ảnh nhân vật đồng tính tương phản, khác người, kệch cỡm và đầy méo mó. Họ mặc váy đầm diêm dúa, tô son môi đỏ choét, lúc nói năng ỏn ẻn, khi lại thô lỗ, dùng những từ “chợ búa” cho “xôm trò”, đôi khi bị lạm dụng dẫn đến phản cảm. Bối cảnh để nhân vật đồng tính xuất hiện trong phim nếu không là vũ trường, quán bar, nhà nghỉ thì cũng là chốn ăn chơi, hiếm khi là một nơi nghiêm túc để tỏ chút xót xa, thông cảm.

Những nhân vật như vậy dễ khiến người xem nghĩ rằng người đồng tính chỉ là những người “uốn éo”, bệnh hoạn từ cách ăn mặc đến lối sống. Trong khi thực tế có không ít người tài năng, vị thế cao trong xã hội, họ sống rất kín đáo, nghiêm túc và ít phô diễn; cũng có những người từng trải qua mối tình lãng mạn, có những giận hờn ghen tuông rất thường tình nhưng hầu nhưng chưa có bộ phim nào tận dụng để khai thác hòng giúp người xem có cái nhìn thấu đáo hơn về người đồng tính. Nếu các nhà làm phim có được cái tầm và cái tâm để đầu tư cho những nhân vật đặc biệt này sao cho có chiều sâu thì đó cũng là những nhân vật điện ảnh hấp dẫn, bởi đồng tính là hiện tượng, một phần có thực của đời sống xã hội.

Khán giả không thể không nhớ tới những bộ phim nổi tiếng thế giới “Tất cả về mẹ tôi”; “Giờ khắc”; “Núi Yên Ngựa” (bộ phim đã đoạt giải Quả Cầu vàng và Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất)... Trong những phim đó, vì sao các nhân vật đồng tính đã hiện lên đáng thương và đáng mến, trong những tình cảm, những chi tiết rất Người? Vì sao người xem phải suy ngẫm và cảm thông nhiều hơn về giới này, chứ không phải là những tiếng cười vô bổ? Tất cả xuất phát từ cái nhìn thương yêu trân trọng con người; với những diễn viên thể hiện “tới bến” những cung bậc cảm xúc đó.

Tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của giới đồng tính được khai thác khá thành công trên phim nước ngoài. Còn ở Việt Nam thì đến bao giờ mới có thể nhìn đề tài này một cách đồng cảm nếu như các bộ phim chỉ dừng lại ở việc mượn “yếu tố đồng tính” để tăng thêm gia vị và câu khách? Đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn từng trăn trở: “Tôi muốn chạm đến “phần người” khi khai thác những nhân vật này bên cạnh những yếu tố hài hước cho thể loại phim đã định trước. Nếu sử dụng yếu tố đồng tính chỉ để gây cười thì thật thiếu sự tử tế”.

Thu Hồng