Đừng chủ quan trước dịch sốt xuất huyết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 40.000 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới, nhất là khi nhiều người dân chủ quan trong phòng, chống dịch.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang tăng nhanh trong những tuần gần đây trên địa bàn Hà Nội. Trong tuần từ ngày 7 - 14/7, Hà Nội đã ghi nhận 291 ca mắc mới SXH, tăng gần 2 lần so với những tuần trước; ghi nhận thêm 22 ổ dịch SXH tại 10 quận, huyện. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca bệnh SXH như: Thạch Thất (47 ca), Hoàng Mai (31 ca), Bắc Từ Liêm (29 ca), Thanh Trì (16 ca), Phú Xuyên (15 ca), Thường Tín (14 ca), Cầu Giấy (13 ca), Hà Đông (12 ca)… Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 1.114 ca mắc SXH, ghi nhận 72 ổ dịch, hiện còn 27 ổ dịch đang hoạt động.

Đặc biệt, theo kết quả giám sát trong tuần vừa qua tại nhiều điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều nơi có chỉ số muỗi, bọ gậy (chỉ số BI) cao vượt ngưỡng như: Thôn Bàn, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (BI=35); thôn Văn Hội, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên (BI=40)… Chỉ số BI từ 30 trở lên là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng bùng phát dịch bệnh SXH.

Một trong những nguyên nhân gây ra sự biến động của SXH là điều kiện thời tiết. Hiện thời tiết tại khu vực phía Bắc và Hà Nội đang diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa kéo dài khiến chu kỳ của muỗi phát triển rất nhanh. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn còn lơ là, không chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

Tại những ổ dịch và vùng nguy cơ cho thấy nhận thức của người dân trong việc tuân thủ quy định về phòng, chống dịch còn hạn chế. Tại nhiều hộ gia đình vẫn còn nhiều vật dụng chứa nước để trong các vườn cây không sử dụng. Đây là nơi cho muỗi vằn sinh sống, đẻ trứng, phát tán mầm bệnh trong cộng đồng. Do đó, mỗi người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết” bằng cách dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để tồn tại các vật dụng chứa nước, hoặc để nước đọng trong các xô chậu, chum vại, chai, lọ…

Đặc biệt, vẫn còn nhiều người dân có tâm lý chủ quan khi mắc SXH, dễ nhầm bệnh khác. Nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị muộn, dẫn tới biến chứng nặng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của bệnh nhân. Các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã liên tiếp tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân mắc SXH được đưa vào viện muộn trong tình trạng nặng, sốc.

Khi bị SXH, người bệnh thường bắt đầu hạ sốt từ ngày thứ 3, dẫn tới tâm lý chủ quan nghĩ rằng đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, khoảng thời gian ngày 3 đến ngày thứ 7 mới là lúc bệnh chuyển biến nặng, dẫn đến các hậu quả rất nghiêm trọng như sốc, tụt huyết áp, SXH nặng hoặc suy đa cơ quan, thậm chí có thể tử vong.

Hiện SXH là bệnh chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả người lớn. Do vậy, việc phòng SXH vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt bọ gậy. Đồng thời, người dân không được chủ quan khi có những bất thường về sức khỏe cần tới cơ sở y tế, điều trị.

Ngày 21/7, WHO cảnh báo số ca mắc SXH đang gia tăng trên thế giới và có thể đạt gần mức cao kỷ lục trong năm nay. Một phần do hiện tượng nóng lên toàn cầu đã tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi, nảy nở. Tỷ lệ mắc SXH đang gia tăng trên toàn cầu, số ca được WHO ghi nhận đã lên đến 4,2 triệu ca, tăng 8 lần so với năm 2000. Trong năm nay, số ca SXH tăng mạnh ở châu Âu, trong khi Peru phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở hầu hết các khu vực.