Đừng coi thường chuyện hạt cát

(PLVN) - Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng, trong đó có cát: Đất nước có 3.260km bờ biển, có các hệ thống sông ngòi dày đặc. Xưa kia, nhu cầu xây dựng ít, chuyện hạt cát bị coi thường, ví von “nhỏ như hạt cát”. Nhưng nay, cuộc sống hiện đại, công trình xây cất đâu đâu cũng mọc lên, thì hạt cát đã không phải là chuyện nhỏ. Cát từ chỗ là vật liệu xây dựng thông thường, đã được gọi là tài nguyên, khoáng sản.
Ảnh minh họa.

Theo Điều 64 Luật Khoáng sản 2010, cát và một số loại đất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam là khoáng sản. Chính phủ cũng có chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Nghị định về quy hoạch, thăm dò, khai thác cát, sỏi... Đất nước đã và đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhu cầu cát cho công nghiệp, xây dựng hạ tầng, xây dựng dân sinh ngày càng lớn. Từ đó, sinh ra thực tế thiếu cát.

Thông tin từ cuộc làm việc về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam tổ chức mới đây, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì, thì tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án này khoảng 70 triệu m3. Đến nay đã xác định được nguồn cung 37 triệu m3, còn thiếu 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn. Trong đó, đủ điều kiện khai thác là 18,3 triệu m3.

Do quy hoạch và quản lý quy hoạch một số nơi chưa được tốt nên mỏ cát ở nhiều khu vực sông, suối đã và đang trở thành “miếng mồi” béo bở, cạnh tranh quyết liệt. Ví dụ gần đây nhất là vụ đấu giá 3 mỏ cát 1.700 tỉ đồng, cao bất thường ở Hà Nội, chính UBND TP Hà Nội nhận định, có thể tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội, nên đã đưa ra hướng hủy kết quả cuộc đấu giá theo đúng quy định pháp luật.

Ở một số nơi, vấn nạn “cát tặc” vẫn hoành hành, chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Từ “cát tặc” sinh ra nhiều hệ lụy về xói lở, tụt nước ngầm, ô nhiễm môi trường sinh thái.

Thiếu cát ở các dòng sông (cát nước ngọt), phải tính đến khai thác cát biển (cát nước mặn). Tín hiệu vui là tại cuộc họp nói trên, thông tin là Bộ TN&MT cho biết đã hoàn thành dự án có thể khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu khu vực ĐBSCL đăng ký nhu cầu cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp bù đắp cho nguồn cát sông còn thiếu.

Thực tế trên cho thấy một số vấn đề. Trước hết, cầu về cát đang lớn hơn cung; chuyện hạt cát không nhỏ như hạt cát; và nguồn khoáng sản này không phải là vô tận. Quản lý tài nguyên cát sỏi là vấn đề cần tính toán, quản lý chặt chẽ hơn nữa; không chỉ hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thăm dò, khai thác khoáng sản; mà còn cần thiết điều chỉnh hành vi tập kết, mua bán, vận chuyển, sử dụng khoáng sản cho hợp lý.

Đọc thêm