Đừng “đánh đố” chúng em!

(PLO) - Mới đây, trong chuyên mục Tiêu điểm của chương trình Chuyển động 24h của VTV phát sóng phóng sự “Báo động tình trạng thiếu hiểu biết kiến thức lịch sử của học sinh hiện nay”. Dư luận đồng loạt lên tiếng “sốc” và rầu lòng về thế hệ trẻ. Nhưng đó là câu chuyện không có gì mới, và cơn cớ thì từ lâu đã được chỉ rõ, chỉ có điều, lỗi không thuộc về những đứa trẻ…
Học sinh giỏi sử quốc gia ở Văn Miếu năm 2015
Học sinh giỏi sử quốc gia ở Văn Miếu năm 2015
Sự vô cảm của người lớn
Đành rằng, chỉ với một câu hỏi đơn giản về vị Vua Quang Trung, Nguyễn Huệ đặt ra cho 7 em học sinh ở các độ tuổi, cấp học khác nhau đều nhận được những câu trả lời không như mong đợi nhưng cũng không có gì đáng bất ngờ. Các phóng viên thực hiện đã tiến hành phỏng vấn ngay trên hai tuyến phố Tây Sơn và Đặng Tiến Đông, đoạn đường trước mặt khu di tích Gò Đống Đa. 
Khi được hỏi câu “Vua Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?”, có em ngay lập tức lắc đầu, có em lại nói rằng Quang Trung- Nguyễn Huệ là hai bố con, là bạn chiến đấu. Có em hồn nhiên khẳng định “Quang Trung là nhà vua, còn là nhà thơ nữa. Con đang học trường của ông ấy. Con học Trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung”.
Dẫu mùng 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nơi này đều tổ chức lễ ăn tết muộn của Vua Quang Trung khao quân chiến thắng  quân Thanh. Năm 1788, trước khi xuất quân tiêu diệt quân Thanh, Nguyễn Huệ chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Trận chiến đại phá quân Thanh của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tại Gò Đống Đa là trận chiến lịch sử, được nhắc đến rất nhiều trong chương trình giảng dạy từ cấp 1 đến cấp 3. 
Và từ khi có quy định về chọn môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây và kỳ thi THPT quốc gia năm nay, rất nhiều người chờ đợi kết quả thống kê số lượng học sinh chọn các môn như thế nào, với sự tò mò không khó cưỡng về việc xem môn Lịch sử được bao nhiêu thí sinh.
Số liệu thống kê của hai năm gần đây nhất cho thấy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, toàn quốc có 910.831 học sinh đăng ký dự thi, có số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất trong 4 môn thi tự chọn là môn Lịch sử với 104.959, chiếm 11,52%.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, môn Lịch sử cũng có số lượng thí sinh chọn thi thấp nhất, với 153.688 em đăng ký (chiếm 15,3% trong tổng số gần 960 nghìn thí sinh đăng ký dự thi). Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) chỉ có 1 học sinh chọn môn Lịch sử. Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) có 3%. Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có 6% học sinh đăng ký thi môn này… 
Và tại nhiều điểm thi trên toàn quốc, có hội đồng thi trên 60 người trông chỉ có duy nhất 1 thí sinh thi môn Lịch sử...
Không những trong thi cử, rất nhiều sân chơi truyền hình và những cuộc thi trắc nghiệm khác, thế hệ trẻ đã thể hiện sự mơ hồ khi bắt gặp các câu hỏi liên quan đến tri thức lịch sử, những địa danh, di tích, danh nhân, anh hùng lịch sử…
Nhưng tại sao chúng ta lại trách học sinh dốt sử bởi suy cho cùng, các em cũng chỉ là hệ lụy, là những nạn nhân của chương trình và nội dung sách giáo khoa môn Lịch sử từ THCS đến THPT hiện hành với những sự kiện khô khan, ghi nhớ dài vô tận. Những kiến thức lịch sử mang tính “hàn lâm” của người lớn đem nhồi nhét, bắt học sinh phải học, phải thi.
Thêm nữa, cấu trúc sách giáo khoa phổ thông hiện hành theo chương trình “đồng tâm kết hợp với đường thẳng” từ tiểu học đến THPT nên kiến thức lịch sử lặp đi lặp lại, người dạy lẫn người học dễ nhàm chán. Các em đã phải đối mặt với nhiều thuật ngữ trừu tượng như hội nghị, chủ trương, nghị quyết, đường lối, chiến lược, sách lược… 
Bên cạnh đó, suốt một thời gian dài, ngành sư phạm cùng chung số phận hẩm hiu của khối xã hội nhân văn, khi mà “ chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” … Điều đó phản ánh việc học và thi thực dụng của học sinh với kiểu “ứng thí” đã quyết định thái độ học tập trong môn Lịch sử. Có thi thì học, không thi thì học đối phó, thậm chí không học. Thầy không giỏi, không yêu môn Lịch sử làm sao có thể thổi hồn vào mỗi bài giảng, dù là nhỏ nhất?
Thế nên, với phóng sự trên, những câu trả lời đó chúng ta đã biết là điều hiển nhiên, là hệ luỵ, vậy thì sao phải sốc? Và có một điều đáng nói, khi các em còn là những đứa trẻ, muốn phỏng vấn các em, đưa lên truyền thông về những vấn đề nhạy cảm tới vậy, cần có sự đồng ý của thầy cô và phụ huynh. Hoặc nếu có dùng làm tư liệu, các em cũng cần được bảo vệ, làm mờ hình chứ không phải để các em rõ nét trong sự vô cảm của người lớn như vậy. Không thầy cô nào không thấy tổn thương khi trò công khai “chê” thầy. Và các em sẽ bị “nhìn” ra sao trong ngôi trường của em khi mà các em vẫn chỉ là những đứa trẻ…? 
Điều này cũng tương tự như clip phóng sự về học sinh hút shisha cuối tháng 4 vừa qua. Phóng viên đã nhờ các em “diễn” và công khai hình ảnh, trường lớp của các em, gây phiền toái, rắc rối và mất niềm tin không đáng có cho các em…
Không thể lấy khô khan áp đặt cho sự rung cảm 
Từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn nói về sự quan trọng của môn Lịch sử. Nhưng trong một xã hội mà mối quan tâm lớn là vật chất và địa vị, tương lai thì làm sao các em có thể một mình một hướng. Theo ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ở một số nước họ đặt sử và địa lý là một. 
Văn cũng là môn có thể chuyển tải sử rất nhiều. Vì vậy sử là môn học đặc thù, đòi hỏi phải có những ứng xử phù hợp. Ông cho rằng, nếu nơi nào trả lương 2-3.000 USD/tháng cho người làm sử thì chắc chắn các em sẽ có động lực để lựa chọn môn này.
Còn GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: “Bảo lỗi này do học sinh, do giáo viên, hay do cách dạy đều đúng như chưa đủ. Lâu nay chúng ta mãi loanh quanh với mấy nguyên nhân này rồi nhưng dường như mọi chuyện còn trầm trọng hơn trước. Bây giờ phải là câu hỏi: Lịch sử là một thứ rất hay, dạy cho chúng ta nhiều điều, chứa đầy sự ly kỳ, hấp dẫn, lẽ ra chúng ta phải thích mới đúng, nhưng tại sao lại thành ra không thích?”.
Ông cho rằng, quan niệm hiện nay không đúng từ rất nhiều phía, khi cho rằng Lịch sử chỉ là một môn học mà quên đi nó còn là thứ để nuôi dưỡng tâm hồn, lòng yêu quê hương đất nước. Nếu nhìn nhận như vậy, thái độ của chúng ta đối với môn Lịch sử sẽ khác chứ không phải như chúng ta đang làm hiện nay. Đây là lỗi của nhà quản lý.
“Trong trường học, giáo viên dạy quá nhiều, nhận định có tính áp đặt, hoặc để truyền tải một sự kiện lịch sử, giáo viên đưa quá nhiều thông tin khiến học sinh “sợ hãi”, không thể nhớ nổi, hoặc chính các em sẽ có những suy nghĩ phản kháng “tại sao lại phải chắc chắn là như thế?”, đâm ra chán học sử.  Dù gì thì lịch sử cũng là một ngành khoa học, mà khoa học là sáng tạo, và đòi hỏi sự khách quan. Vậy chúng ta đã khách quan với lịch sử chưa?”.
Giáo viên phải hướng học sinh thấy được học sử là ngành khoa học không phải nhất thành bất biến. Lịch sử là thực thể khách quan, không thay đổi nhưng học sinh có nhiều hướng tiếp cận, đối chiếu sẽ thấy lịch sử lý thú. “Tôi chỉ còn lòng tin ở chỗ lịch sử có những cái hay, và khi nào khám phá ra được cái hay đó, người ta sẽ say mê nó”,  ông Giang khẳng định.
Ở một góc độ khác, trên trang cá nhân của tác giả Vũ Quốc Vương bày tỏ chính kiến: “Từ lâu nay, cách thức ra đề thi chú trọng vào kiểm tra “tri thức” lịch sử với những thông tin về nhân vật, sự kiện gắn liền với địa danh và ngày tháng chính là sự thử thách khả năng ghi nhớ của chúng con. Tiếc thay não bộ con người không phải là ổ cứng của máy tính. 
Những gì muốn lưu giữ lâu trong não phải là những thứ có tác động lớn tới tình cảm, cảm xúc hoặc được lưu vào theo một lôgic khoa học, gắn bó với thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa ở đây lại là việc học - thứ cần đến cả sự rung cảm của tâm hồn và sự tập trung của trí tuệ.
Và con hầu như chưa thấy thầy cô hay người lớn nào trả lời câu hỏi “học lịch sử để làm gì?” một cách thuyết phục. Đại để, người lớn sẽ diễn giải rằng học lịch sử để có lòng tự hào dân tộc, để yêu nước, để rút ra bài học quá khứ… Nhưng thực tế thì sao? Một vài cuốn sách của người Nhật, người Mỹ viết về giáo dục lịch sử. 
Ở đó họ nói rằng giáo dục lịch sử trước hết phải nhắm tới mục tiêu là tạo ra những người công dân có khả năng xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn và bảo vệ các giá trị tốt đẹp đó. Để làm được điều đó thì giáo viên thông qua giáo dục lịch sử phải hình thành cho học sinh “nhận thức lịch sử khoa học” và “phẩm chất công dân”. 
Có nó, người học sinh và sau này là người trưởng thành sẽ biết dùng tư duy lịch sử và các phương pháp của sử học để giải thích hiện tại một cách lôgic, khoa học, từ đó quyết định xem mình phải làm gì, mình sống như thế nào trong tư thế của người công dân.
Trở lại câu chuyện Quang Trung - Nguyễn Huệ, những người bình luận trên diễn đàn có thể trả lời được câu hỏi về Nguyễn Huệ - Quang Trung… Nhưng sẽ mấy ai trả lời được những câu hỏi sâu hơn về lịch sử như: Tại sao Bin- Laden lại đánh bom nước Mỹ? Vậy thì có gì phải sốc đâu?...”. 
Một em học sinh giỏi sử quốc gia cũng cho rằng, với em, môn Lịch sử không chỉ là tình yêu Tổ quốc, những giá trị nhân văn, mà việc học sử, yêu môn Lịch sử rất đỗi tự nhiên, khi em làm một bài sử cũng giống như một bài văn đầy cảm xúc. Bởi thầy cô đã đưa em tới sự đam mê để nhìn thấy những vẻ đẹp tuyệt vời đó…

Đọc thêm