Rất nhiều nông dân cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói một điều khiến họ “hả lòng hả dạ” tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” tổ chức mới đây: “Phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống. Qua một số ngày lộn xộn vừa rồi, có thể thấy có tiền chưa chắc mua được lương thực”.
Kinh nghiệm “nhất sỹ, nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông, nhì sỹ” lại trở thành vấn đề “nóng” mang tính toàn cầu, khi dịch Covid-19 hoành hành. Vẫn biết có thể cả trăm năm thế giới mới một lần lao đao vì đại dịch như vậy; vẫn biết Việt Nam là nước có nền nông nghiệp mạnh, rất khó xảy ra khả năng đói khát; nhưng điều Thủ tướng nhấn mạnh nêu trên đã đưa đến cho những nông dân nhiều kỳ vọng mới.
Một trong những điều khiến đồng ruộng nhức nhối bấy lâu nay, là Tình, đặc biệt ở miền Bắc. Đất ruộng hóa “đất chết” ở nhiều huyện ngoại thành Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định… khi hàng loạt những khu công nghiệp, nhà máy mọc lên; thêm tâm lý không ít nhà phải cho con đi học, lên thành phố, thoát cảnh “chân lấm tay bùn” bằng mọi giá; nhà nhà, người người bỏ nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đi làm công nhân...
Với những nguyên nhân rất tự nhiên ấy, tình trạng ruộng đồng bị bỏ hoang lan ra như một xu thế. Thậm chí không ít người còn có tâm lý “khấn trời” cho nhà máy xí nghiệp nào đó mọc lên đúng ruộng nhà mình để “kiếm ít tiền đền bù”.
Trên lý thuyết, khi ruộng bị bỏ hoang một thời gian nhất định, chính quyền có thể căn cứ Luật Đất đai để thu hồi. Nhưng xét thực tế, ai cũng biết với những thửa ruộng nhỏ lẻ, tiền công cày cấy phun thuốc sâu chăm bón thu hoạch, có khi lớn hơn… số tiền thóc lúa thu được. Nếu chính quyền thu hồi, có khi rồi lại để hoang vì không biết giao cho ai cấy lúa tiếp? Với thực tế này, nhiều nông dân không bỏ ruộng mới là chuyện lạ.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng chắc chắn đã nhìn ra những điều bất cập này, nên hội nghị vừa qua mới một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của những hạt lúa, củ khoai.
Tin tưởng rồi Nhà nước sẽ sớm có những chính sách, phương án quyết liệt để hiện đại hóa nông nghiệp, xóa bỏ diện tích manh mún, nhỏ lẻ, quy hoạch cây – con rõ ràng, để nông dân Việt Nam thành những “doanh nhân – nông dân”, làm giàu trên mảnh đất đã gắn bó bao đời nay; để ruộng đất tiếp tục sinh sôi, nảy nở chứ không còn phải mang nỗi buồn bị bỏ hoang, hóa “đất chết”.