“Kỹ sư” nông dân
Hai tuần sau khi anh Phan Công Sỹ (SN 1969, ngụ xóm 7, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) “trình diễn” màn cày, phay đất trên cánh đồng làng, nhiều người từ khắp nơi đã tìm về để tận mắt chứng kiến và đặt hàng.
Hôm người viết tìm đến, tại xưởng cơ khí của anh Sỹ có hai vị khách ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn đang đặt cọc tiền mua máy. Theo chia sẻ của họ, cả hai biết đến chiếc máy cày, bừa đa năng của anh Sỹ thông qua kênh thông tin truyền miệng.
“Thấy nhiều người tấm tắc khen chiếc máy này nên chúng tôi tò mò tìm đến. Để kiểm chứng, chúng tôi yêu cầu gia chủ tiến hành chạy thử trên đồng ruộng. Vừa nhìn chiếc máy hoạt động những người trong nghề như chúng tôi rất ưng nên quyết định đặt mua”, ông Thảo, một trong hai vị khách đặt hàng nói.
Chia sẻ về quá trình chế tạo ra chiếc máy hữu ích, “kỹ sư” Sỹ cho biết, tháng 11/2016 (AL) sau khi vay mượn gần 100 triệu đồng, anh bắt tay vào làm việc. Ý tưởng ban đầu của anh là làm máy cày, bừa đa chức năng sau đó lắp ráp thêm các thiết bị của máy xúc và máy trộn bê tông.
Chiếc máy cày, bừa được anh chế tạo bằng động cơ Diesel với 28 mã lực. Hộp số được chế từ máy gặt liên hợp. Sắt phế liệu được anh tận dụng hàn nối thành khung sườn, ca bin được lắp ghế ngồi, có bộ phận tăng tốc, giảm tốc.
Anh Sỹ cho biết: “Tất cả quy trình hoạt động của máy, việc lắp ráp các thiết bị lại với nhau được tôi tự nghiên cứu, tìm tòi chứ không có biểu mẫu nào. Tôi sáng tạo trên tiêu chí tiết kiệm nhiên liệu và dễ dàng cho việc sửa chữa, thay thế phụ tùng”.
Sau hơn 3 tháng miệt mài chế tạo với nhiều lần thay đổi, điều chỉnh các bộ phận trên chiếc máy, cuối cùng sản phẩm đã ra đời. Hiện, máy nông nghiệp của anh có 4 chức năng gồm: cày, bừa, trộn bê tông, và xúc đất.
Mới đầu nghe anh Sỹ quảng cáo về các ưu thế của chiếc máy cày bừa, nhiều người không tin. Để chứng tỏ cho lời nói của mình, anh Sỹ quyết định tổ chức buổi “trình diễn” cày bừa ruộng công khai.
Giữa tháng 3 tận dụng thửa ruộng bỏ hoang 4 năm, cỏ mọc um tùm, anh thuê người máy nước ngập đất. Sau đó, trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền thôn xóm và người dân anh tiến hành cày, bừa đất.
“Chứng kiến chiếc máy quay di chuyển gọn nhẹ trên ruộng nhưng đào xới lớp đất cứng đã bỏ hoang nhiều năm, mọi người rất ngạc nhiên. Những đoạn video người dân quay được trong buổi hôm đó được đưa lên mạng nên nhiều người ở nơi khác xem được, tìm đến đặt hàng”, anh Sỹ tâm sự.
Hiện nay, anh Sỹ đã nhận được gần 20 đơn đặt hàng trên mọi miền đất nước. Mối chiếc máy được anh bán với giá 75 triệu đồng.
Những ưu thế nổi trội của chiếc máy do anh Sỹ sáng chế là tiết kiệm nhiên liệu. Trung bình một sào đất Bắc bộ, chiếc máy này chỉ tiêu thụ từ 0,8 đến 0,9/lít dầu, trong khi các máy khác gấp 3 lần số nhiên liệu đó. Do nhẹ nên chiếc máy cày, bừa có tốc nhanh. Với một sào đất, chỉ mất chừng 20 phút, trong khi các loại máy khác tối thiểu là 45 phút.
Một ưu thế nữa đây là chiếc máy cua góc sát bờ nên dễ dàng áp dụng với những thửa đất nhỏ, không vuông vắn. Nhờ dễ vận hành, di chuyển trên mọi địa hình, dễ sửa chữa nên dù chưa có bằng chứng nhận của cơ quan chức năng, nhưng chiếc máy đã được người dân đón nhận.
Chiếc máy cày bừa đa năng do anh Sỹ chế tạo |
Đam mê sáng chế
Dù chế tạo thành công nhiều loại máy nông nghiệp, là chủ xưởng cơ khí tại địa phương, nhưng anh Sỹ chưa qua trường lớp đào tạo nào, thậm chí chưa tốt nghiệp cấp 3. Tất cả kinh nghiệm được anh tự đúc rút trong quá trình làm việc, tìm tòi, sáng tạo.
Được biết, anh Sỹ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có đến 9 anh chị em. Chưa kể, bố mẹ của anh còn nhận nuôi một người con nên nhân khẩu trong gia đình “cán mốc” 12 người. Dù gia đình làm nông, không có ai dính dáng đến việc sửa chữa máy móc, nhưng Sỹ lại có niềm đam mê đặc biệt với công việc này.
Anh kể, đang học dở cấp 3 thấy gia đình túng thiếu quá nên quyết định nghỉ học. Ở nhà, anh tự mày mò, lôi các bộ phận máy móc ra tìm hiểu. Năm 1990, anh khiến người thân trong gia đình bất ngờ khi một thân một mình bắt xe ra Hà Nội mua phụ tùng máy móc cũ.
Sau đó, anh đã chế chiếc xe bò thành máy cày để thay thế sức kéo của con trâu bò. “Đó là sản phẩm đầu tiên do tôi sáng chế ra. Thành công bước đầu giúp tôi có thêm động lực theo đuổi đam mê của mình”, anh nói.
Vài năm sau, thấy tay nghề đã vững chắc, anh quyết định vay 6 chỉ vàng, 4 tấn lúa để làm vốn mở cửa hàng chuyên sửa chữa cơ khí nhỏ tại địa phương. Công việc thuận lợi nên càng ngày địa chỉ của anh được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến.
Năm 1998, anh mạnh dạn mở thêm hạng mục kinh doanh về vận tải, kiêm sửa chữa máy móc. Sau đó một thời gian, người đàn ông này chỉ tập trung vào việc sửa chữa và chế tạo các loại máy trong ngành nông nghiệp.
Chia sẻ thêm về đam mê của mình, anh Sỹ nói: “Gia đình tôi vốn thuần nông, cha mẹ, anh chị đều bám trụ vào những cánh đồng trong khi mọi nông cụ dùng trong nghề nông đều thô sơ. Họ muốn sắm sảa máy móc thiết bị để đỡ vất vả hơn nhưng do giá thành quá cao nên vượt quá khả năng...Thấy mọi người trong gia đình vất vả với ruộng đồng, nhưng năng suất lao động lại thấp, từ đó tôi luôn ấp ủ muốn làm một điều gì đó để không chỉ bố mẹ, anh em đỡ vất vả mà còn cả những người nông dân khác...”.
Anh bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp đa năng. Song song với đó, anh Sỹ còn có khả năng sửa chữa các loại xe tải, máy cày bừa, máy cắt lúa của người dân. Nhờ sự nhạy bén, chịu khó nên xưởng cơ khí càng ăn nên làm ra.
Tuy nhiên, một biến cố bất ngờ ập đến. Năm 2011, trong một lần làm việc, anh không may bị máy cắt lúa cắt đứt 3 ngón tay ở bàn tay phải. “Dù rất đau đớn, nhưng tôi xác định còn ngón trỏ là còn khả năng làm việc nên xốc lại tinh thần”, anh kể.
Khi nỗi đau về thể xác chưa kịp nguôi ngoai người đàn ông này tiếp tục chịu cú sốc về tinh thần. Sau thời gian sống trong cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” anh và người vợ quyết định đường ai nấy đi. Chán nản, năm 2014 anh quyết định từ bỏ tất cả, đi xuất khẩu lao động ở Angola.
Tại xứ người, anh vẫn giữ đam mê sửa chữa máy móc. Nhờ sự giúp đỡ của một số đồng hương, anh thuê đất, mở xưởng sửa chữa máy móc ở đất nước bạn. Nhờ tài năng, nên chỉ trong thời gian ngắn, anh kiếm được khoản tiền kha khá. Cũng tại xứ người, anh đã tìm được người bạn đời mới là chị Nguyễn Thị Xoan (SN 1978). Vợ anh cũng là lao động đang làm việc tại đây, đồng cảm trước cuộc hôn nhân từng một lần đổ vỡ nên cả hai quyết định đến với nhau.
Chung sống chưa được bao lâu thì anh Sỹ nhận được tin mẹ ở quê nhà lâm trọng bệnh. Vội vứt bỏ tất cả, anh quyết định đưa gia đình nhỏ về quê chăm nuôi mẹ và làm lại từ đầu. Anh Sỹ cho hay, tất cả máy móc ở nước bạn, anh chỉ kịp gửi tại xưởng người bạn, hiện chưa thanh lý được.
Chiếc máy cày bừa đa năng do anh Sỹ chế tạo |
Về quê với hai bàn tay trắng, anh vay mượn 600 triệu đồng đầu tư xưởng sửa chữa và chế tạo máy móc. Thành quả cho những nỗ lực của anh là chế tạo thành công máy cày, bừa đa chức năng vừa mới ra mắt.
Anh tâm sự: “Dù chiếc máy đã hoàn thiện, nhưng một số bộ phận tôi còn phải nghiên cứu để thay đổi thêm để nó càng tiện ích hơn, có thể giúp đỡ cho người nông dân nhiều hơn. Tôi hy vọng, chiếc máy cày đa năng này sẽ hoạt động tốt hơn nữa. Thời gian tới tôi sẽ đăng ký bản quyền sáng chế và gửi sản phẩm đi dự thi sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Nghệ An…”.