Đừng để trẻ trượt khỏi vòng tay bảo vệ của gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Người mẹ có vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ con em phòng, chống vấn nạn xâm hại trẻ em?”. Đây là câu hỏi được nhiều người chú ý trong phần giao lưu giữa đại biểu trẻ em với đại diện các bộ, ngành tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7 vừa qua.
Các em thiếu nhi dự Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7. (Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH)
Các em thiếu nhi dự Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7. (Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH)

Bảo vệ con giai đoạn đầu đời

Vai trò của gia đình, vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em - đây là vấn đề được truyền thông nhấn mạnh rất nhiều, tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa quan tâm.

Theo thông tin từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra gần đây không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn khiến nhiều bậc phụ huynh bàng hoàng, xót xa. Như tháng 9/2022, tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, bé gái 6 tuổi bị hai nam thiếu niên cùng xóm 15 tuổi và 13 tuổi xâm hại tình dục ngay tại nhà; tháng 10/2022, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, hai bé gái 7 tuổi và 8 tuổi bị một người đàn ông 44 tuổi xâm hại tại nhà vệ sinh của trường tiểu học...

Để bảo đảm an toàn cho trẻ em, tránh những nguy cơ bị xâm hại, giúp các em yên tâm học tập và phát triển toàn diện, mỗi gia đình phải tích cực quan tâm hơn nữa tới con em mình; phối hợp với nhà trường, các cơ quan chức năng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ rủi ro bản thân cho trẻ em và các thành viên trong gia đình. Hay nói như bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL, gia đình có vai trò, trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách đối với thế hệ trẻ. Đây cũng là môi trường giáo dục trang bị những kiến thức, kỹ năng sống đầu đời cho trẻ em.

Để giúp trẻ phòng tránh bị xâm hại, cha mẹ cần chủ động trao đổi, cung cấp kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản; các rủi ro tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại như “chat” về các vấn đề nhạy cảm, nghiện trò chơi trực tuyến, bị bạn bè xấu lôi kéo, nghiện các chất kích thích như thuốc lá điện tử, ma túy… Đồng thời, cha mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng cơ bản nhất để phòng, chống xâm hại. Tổng đài 111 cũng nhấn mạnh, các bậc phụ huynh cũng cần quản lý và giáo dục để trẻ không trở thành tội phạm đi xâm hại những trẻ em khác, vì thực tế đã xảy ra các trường hợp này.

Theo Tổng đài 111, hiện vẫn còn nhiều bậc phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của mình và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em. Một bộ phận cha mẹ coi việc giáo dục trẻ là của nhà trường, phó mặc trẻ cho thầy cô. Bản thân họ cũng chưa dành nhiều thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, hạn chế trong trao đổi với trẻ về các nguy cơ bị xâm hại… Thậm chí, nhiều phụ huynh còn chưa hiểu đầy đủ về xâm hại trẻ em, thực trạng và những hậu quả của vấn nạn này gây ra cho trẻ, gia đình và xã hội. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ trượt ra khỏi vòng tay bảo vệ của cha mẹ, trở thành “miếng mồi ngon” cho kẻ xấu xâm hại.

Vun đắp giá trị gia đình

Trở lại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7 vừa qua, trả lời câu hỏi của em Khúc Hải Anh đến từ TP Hải Phòng về vai trò của người mẹ trong việc hỗ trợ con em phòng, chống vấn nạn xâm hại trẻ em, bà Tôn Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã nhấn mạnh, trong gia đình, người mẹ chính là người thầy đầu tiên của trẻ em. Vì thế, vai trò của người mẹ rất quan trọng trong việc lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và bảo vệ con cái. Cùng với các thành viên khác trong gia đình, người mẹ có trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, phòng, chống các tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến mái ấm.

“Để nâng cao vai trò của gia đình nói chung và người mẹ nói riêng trong việc vun đắp giá trị gia đình bền vững, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hành động như chương trình xây dựng gia đình hạnh phúc, chương trình “5 không 3 sạch” (không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp)”, bà Hạnh cho biết.

Được biết, xuất phát từ công tác gia đình và xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, Hội LHPN Việt Nam nhận thấy phải đi vào vấn đề giáo dục con cái thì mới góp phần vun đắp giá trị gia đình bền vững, giáo dục con bằng những phương pháp giáo dục tích cực sẽ góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam. Do đó, Hội đã đưa nội dung giáo dục con tích cực vào chương trình tập huấn để các cấp Hội từng bước có kiến thức, có phương pháp để triển khai để xây dựng giá trị gia đình Việt Nam ở một góc độ rộng mở hơn.

Còn nhớ, tác giả GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền từng nhấn mạnh trong cuốn “Tâm lý học và chuẩn hành vi”: “Không ai có thể gần gũi và đủ thân thiết để tâm sự, để hiểu và giáo dục con tốt như người mẹ, đặc biệt là trong các vấn đề trẻ bị lạm dụng. Các bài học trên lớp hay tại các trung tâm, hội thảo về lạm dụng, về giới tính không có tác dụng sâu sắc bằng chính những lời nói nhẹ nhàng, lời thủ thỉ, tâm tình của người mẹ với con. Vì thế, chính phụ huynh phải là người trang bị kiến thức trước rồi mới truyền đạt cho con”.

Cũng theo GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền, trong trường hợp xấu, khi bị lạm dụng như đánh đập, lăng mạ, xâm hại, trẻ sẽ rơi vào tình trạng hoảng loạn, sợ hãi, luôn sống trong hổ thẹn, đau đớn, tự nghĩ mình thật tồi tệ, xấu hổ không dám gặp ai. Khi đó trẻ cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế để kịp thời chữa lành vết thương thể chất. Cha mẹ nên báo với chính quyền địa phương, công an để không chỉ bảo vệ con mình mà còn bảo vệ những đứa trẻ khác đang trong nguy cơ bị xâm hại. Cha mẹ nên mạnh dạn đấu tranh, lên tiếng, không nên im lặng và để sự việc lặng lẽ trôi qua.

Đọc thêm