Quyết không để lọt hành vi bạo lực gia đình
Cụ thể trong Điều 3 của Luật PCBLGĐ năm 2022 có nhóm quy định về các hành vi BLGĐ, có đề cập đến những hành vi tưởng như rất “riêng tư” như: cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi…
Còn nhớ, trước đây, trong một cuộc hội thảo góp ý cho dự thảo Luật PCBLGĐ, nhiều đại biểu đã lên tiếng trước con số cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục theo điều tra bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020.
Dư luận xã hội đã từng rúng động trước vụ án L.V.Q (thường trú tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) hiếp dâm chính người vợ của mình vào năm 2019. Do mâu thuẫn gia đình, vợ của Q. viết đơn ly hôn gửi tòa án huyện và về nhà bố mẹ đẻ sinh sống. Để vợ từ bỏ ý định ly hôn và quay về chung sống, L.V.Q đã nhiều lần đến nhà bố mẹ vợ để níu kéo nhưng bất thành.
Trong một lần đến nhà, thấy chị này ở nhà một mình, L.V.Q đã dùng dao đe dọa và dùng vũ lực khống chế giao cấu trái ý muốn với chị. Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của gia đình bị hại, công an địa phương đã xác minh làm rõ và ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam L.V.Q.
Sau sự việc này, có không ít quan điểm phản bác cho rằng với nền văn hóa Á Đông truyền thống thì khi thực thi pháp luật, những quy định về tội danh hiếp dâm, cưỡng dâm ở nhiều trường hợp “mặc nhiên” được hiểu là không bao gồm trường hợp hiếp dâm hoặc cưỡng dâm trong quan hệ hôn nhân. Người Việt Nam thường soi chiếu người phụ nữ bằng thuyết “tam tòng, tứ đức”, người vợ trong gia đình phải phục tùng người chồng tuyệt đối “thuyền theo lái, gái theo chồng” ở rất nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh về tình dục như: đã là vợ chồng thì phải có nghĩa vụ quan hệ tình dục, phải phục vụ nhu cầu tình dục của nhau, phải sinh con dù muốn hay không…
Ở góc độ pháp luật, Luật PCBLGĐ năm 2007 tại mục đ khoản 1 Điều 2 quy định về các nhóm hành vi BLGĐ chỉ có khái niệm chung là “cưỡng ép quan hệ tình dục” nên vô hình trung cùng nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau của các chủ thể, cá nhân khi thực thi luật đã tạo ra “khoảng trống” của pháp luật và là một trong những nguyên nhân làm cho các vụ bạo lực tình dục trong quan hệ vợ chồng chưa được xử lý nghiêm.
Cũng từ thực tế này mà trước đây khi góp ý dự thảo Luật PCBLGĐ các đại biểu đều đồng thuận quan điểm phải “chỉ mặt, đặt tên rõ ràng” cho hành vi “cưỡng bức tình dục trong hôn nhân”. Các đại biểu mong muốn hành vi “cưỡng ép quan hệ tình dục, cưỡng ép thực hiện hành vi tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng” phải là BLGĐ.
Việc giải thích chưa rõ ràng về khái niệm bạo lực giới trong Luật PCBLGĐ đã dẫn đến việc luật bỏ qua nhiều hình thức bạo lực phổ biến ở Việt Nam, bao gồm bạo lực tình dục, cưỡng hiếp trong hôn nhân, nên cần đưa ra các định nghĩa rõ ràng về bạo lực giới và bảo đảm các quy định về bạo lực tình dục phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, hoặc tối thiểu là với các hành vi tội phạm bị truy tố theo Bộ luật Hình sự.
Về cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với quan điểm “trọng nam, khinh nữ”. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Trên phạm vi cả nước, thành thị/nông thôn và các vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ phụ nữ 15 - 49 tuổi sinh con biết giới tính thai nhi thông qua siêu âm đạt gần 99%.
Và “con đường” từ chỗ biết giới tính thai nhi đến việc ép lựa chọn giới tính thai nhi là rất ngắn, dù rằng lựa chọn giới tính thai nhi hoặc cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Pháp lệnh Dân số và Luật Bình đẳng giới và phải chịu chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Mất cân bằng giới tính khi sinh và lựa chọn giới tính khi sinh đã và đang gây ra những hậu quả trầm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cả cộng đồng.
Ngày 16/4/2022, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật PCBLGĐ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị bổ sung thêm hành vi ép lựa chọn giới tính thai nhi vào nhóm hành được coi là BLGĐ trong luật. Theo lãnh đạo Quốc hội, đây là một loại bạo lực về giới. Nhiều phụ nữ có thai nhưng giới tính thai nhi không theo ý muốn phải chịu những định kiến rất khủng khiếp, nhất là từ phía người chồng, người thân trong gia đình. “Ép lựa chọn giới tính thai nhi xâm phạm đến sức khỏe, tinh thần phụ nữ, cần được quy định là hành vi BLGĐ”, theo Chủ tịch Quốc hội…
Vì sao không nên “gói gọn” bạo lực gia đình trong nội bộ gia đình?
Điều 3 Luật PCBLGĐ năm 2022 quy định nhóm hành vi BLGĐ nếu thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau thì cũng được xác định là hành vi BLGĐ theo quy định của Chính phủ.
Trước đó, Luật PCBLGĐ năm 2007 có quy định “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng”. Khi tiến hành xây dựng Luật PCBLGĐ năm 2022, có nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là thừa và nên bỏ vì đã là PCBLGĐ thì chỉ nên “gói gọn” trong phạm vi gia đình được pháp luật thừa nhận.
Tại một cuộc trao đổi về vấn đề phụ nữ bị bạo lực sau ly hôn diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5/2016, đại diện của Ngôi nhà Bình yên - Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPNVN cho biết, tình trạng phụ nữ bị chồng cũ tìm đến quấy rối, bạo lực sau ly hôn là rất phổ biến. Điển hình 50% số người tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên vẫn bị chồng cũ quấy rối bằng các hình thức bạo lực tinh thần, kinh tế, thể chất, tình dục.
Là chuyên gia lâu năm về lĩnh vực gia đình, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL phát biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật PCBLGĐ do Hội LHPNVN phối hợp cùng Cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) tổ chức ngày 17/3/2022 các vụ việc BLGĐ từ trước đến nay xảy ra rất nhiều ở các mối quan hệ hậu ly hôn và ở những cặp vợ chồng chung sống không có đăng ký kết hôn.
“Ngay từ khi soạn thảo Luật PCBLGĐ năm 2007 vấn đề này đã được cân nhắc rất nhiều và ban soạn thảo khi đó đã quyết định đưa vào để bảo vệ những nạn nhân của bạo lực trong các mối quan hệ thực tế đã và đang tồn tại trong xã hội như vậy”, theo ông Vân.
Cùng quan điểm, Luật sư Lê Thị Ngân Giang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu dẫn chứng về những vụ việc đau lòng gần đây như vụ bé gái 8 tuổi ở TP HCM bị người phụ nữ sống cùng bố đánh tử vong, vụ bé gái 3 tuổi bị người đàn ông sống chung với mẹ bắn đinh vào đầu, một số vụ chồng cũ giết chết, hành hung vợ cũ sau hôn nhân…
“Cần phải hiểu rằng, Luật PCBLGĐ khác Luật Hôn nhân và Gia đình ở chỗ chỉ điều chỉnh những “gia đình có bệnh” và những nạn nhân của “chứng bệnh bạo lực” đó cần được bảo vệ khẩn cấp. Nếu chúng ta không có quy định bao trùm như vậy thì họ sẽ được bảo vệ theo quy trình nào” - theo Luật sư Ngân Giang…
Nhắc lại tiến trình xây dựng Luật PCBLGĐ năm 2022 để thấy, sự bạo hành trong xã hội diễn ra ở nhiều mức độ và hình thái khác nhau, mà trong đó bạo hành gia đình là một tệ nạn, hệ lụy của nó khủng khiếp và khó có thể lường trước. Thế nên, để PCBLGĐ có hiệu quả thì không gì hơn việc có một công cụ pháp lý chi tiết và bao trùm nhất với nguyên tắc xuyên suốt là “lấy người BLGĐ là trung tâm” để có thể để ngăn chặn BLGĐ từ trong trứng nước.
Chủ động phòng ngừa bạo lực gia đình Là một trong những điểm mới của Luật PCBLGĐ năm 2022 theo nguyên tắc trong phòng có chống, trong chống có phòng. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong PCBLGĐ. Sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi BLGĐ; bổ sung Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.