Dựng 'màn kịch' ôm 3 con nhảy cầu Đông Trù, người phụ nữ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) -  Theo Luật sư, hành vi người vợ dừng xe ô tô trên cầu, để lại thư tuyệt mệnh cũng như 4 đôi dép trên cầu là những thông tin giả, có thể bị xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe.

Hình ảnh chiếc ô tô cùng 4 đôi dép để trên cầu Đông Trù - Ảnh: Người dân cung cấp.
Hình ảnh chiếc ô tô cùng 4 đôi dép để trên cầu Đông Trù - Ảnh: Người dân cung cấp.

Ngày 2/3, Công an thành phố Hà Nội thông tin chính thức về việc tạo hiện trường giả nhảy cầu Đông Trù của một phụ nữ ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, vào sáng sớm ngày 1/3, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an Thành phố tiếp nhận tin báo từ quần chúng nhân dân (qua Tổng đài 113) về việc có 1 xe ô tô biển kiểm soát 88A-178.xx đỗ trên cầu Đông Trù, quận Long Biên không thấy người bên trong hoặc trông giữ xe, nghi vấn có người nhảy cầu tự tử.

Trung tâm thông tin chỉ huy đã điều động lực lượng cứu nạn cứu hộ và lực lượng Cảnh sát 113 Long Biên tổ chức xác minh thông tin và tìm kiếm.

Đến 11h cùng ngày, lực lượng chức năng xác định chị N.T.T.H (SN 1990, ở xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là người điều khiển chiếc xe ô tô trên, chở 3 con trai đến cầu Đông Trù, sau đó 4 mẹ con xuống xe bỏ đi, mục đích để dọa chồng chứ không có ý định nhảy cầu tự tử. Chị H đã gọi điện báo cho gia đình chồng biết 4 mẹ con vẫn an toàn. Công an quận Long Biên lập hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định.

Trong vụ việc này, Công an thành phố đã huy động nhiều lực lượng cứu nạn, cứu hộ làm nhiệm vụ tìm kiếm, rà soát trên sông, trên cầu Đông Trù và xung quanh khu vực xảy ra vụ việc. Đồng thời nhanh chóng đưa thông tin chính xác, kịp thời tránh gây hoang mang trong dư luận.

Tuy nhiên, theo các quy định của pháp luật về hành vi của người phụ nữ, đầu tiên là không thỏa mãn dấu hiệu tội Gây rối trật tự công cộng. Thứ hai về hành vi tạo dựng màn kịch, đưa thông tin giả không được quy định trong Bộ luật hình sự. Như vậy, vụ việc chỉ có thể xem xét dưới góc độ pháp luật do luật hành chính điều chỉnh. Nếu mâu thuẫn trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được thì có thể xin ly hôn. Người vợ tạo ra màn kịch như vậy đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động tìm kiếm cứu nạn cứu hộ của các cơ quan chức năng và người dân.

Dưới góc độ pháp lý, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi của người vợ điều khiển xe ô tô dừng đỗ trên cầu, để lại thư tuyệt mệnh cũng như 4 đôi dép trên cầu là những thông tin giả. Hành vi của người vợ đã vi phạm điểm c, khoản 3 Điều Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, người vợ có thể bị bị xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi "Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền".

Ngoài ra, người vợ còn có thể bị xử phạt về hành vi dừng đỗ xe ô tô trên cầu phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo điểm d khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm c và điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Bên cạnh đó người có hành vi đỗ xe ô tô trên cầu còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Đọc thêm