Công an Đồng Nai cảnh báo thủ đoạn đặt mua hàng để lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tục xảy ra tình trạng một số cơ sở kinh doanh bị các đối tượng sử dụng thủ đoạn nhờ đặt mua hàng với số lượng lớn rồi lừa chiếm đoạt tài sản. Đã có nhiều nạn nhân “sập bẫy”, mất đến hàng trăm triệu đồng.

Chủ một cơ sở kinh doanh suất ăn công nghiệp tại xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) phản ánh, ngày 21/2, có một người đàn ông giới thiệu tên Hoàng Văn Tùng là cán bộ hậu cần của một đơn vị bộ đội đóng tại phường Long Bình, TP Biên Hòa gọi điện nói hiện căng tin đơn vị đang sửa chữa nên cần đặt 650 phần cơm, mỗi phần giá 55 ngàn đồng. Chủ cơ sở đề nghị chuyển tiền đặt cọc trước thì Tùng không đồng ý, nhưng lại kết bạn zalo rồi gửi hình giấy chứng minh quân nhân chuyên nghiệp qua để làm tin. Sau đó, Tùng gửi vị trí và đề nghị chủ cơ sở giao hàng đến rồi trả tiền luôn.

Trong lúc chủ cơ sở đang chuẩn bị hàng để đi giao, Tùng lại gọi điện nói muốn đặt thêm thịt hộp. Tùng gửi hình ảnh loại thịt hộp do nước ngoài sản xuất qua và nhờ đặt mua 500 phần. Sau khi xem hình ảnh loại thịt hộp Tùng gửi, chủ cơ sở cho biết chỗ mình không bán. Nghe vậy, Tùng liền gửi số điện thoại của một người đàn ông tên Lê Đình Vinh và giới thiệu là nhân viên kinh doanh của Cty có trụ sở chính ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và chi nhánh ở Bình Dương chuyên nhập khẩu các loại thịt hộp nước ngoài sản xuất, nói chủ cơ sở gọi Vinh để hỏi mua hàng giúp mình.

Chủ cơ sở gọi điện cho Vinh thì người này cho biết ở kho Bình Dương đang có sẵn loại thịt hộp anh cần; yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng, sẽ giảm giá 15%; cam kết trong 90 phút có xe giao đến tận nơi. Chủ cơ sở đồng ý và chuyển 42 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng do Vinh chỉ định để trả tiền 500 hộp thịt.

Vài phút sau, Tùng tiếp tục gọi điện đề nghị chủ cơ sở mua thêm 1.700 hộp thịt. Chủ cơ sở gọi điện cho Vinh đặt mua thêm số lượng trên, chuyển khoản thêm hơn 142 triệu đồng.

Chưa dừng lại, Tùng lần nữa gọi điện, cho biết đơn vị đặt thêm 5.000 phần cá hộp và cũng đề nghị liên hệ với Vinh để mua hàng. Chủ cơ sở gọi điện cho Vinh, được yêu cầu chuyển thêm 425 triệu đồng vào tài khoản.

Theo xác minh ban đầu, thông tin Cty ghi trên hóa đơn không trùng khớp với thực tế, nghi vấn đây là hóa đơn làm giả. (Ảnh: Công an cung cấp)

Theo xác minh ban đầu, thông tin Cty ghi trên hóa đơn không trùng khớp với thực tế, nghi vấn đây là hóa đơn làm giả. (Ảnh: Công an cung cấp)

Sau khi chuyển xong, bất ngờ Vinh liên hệ lại, nói chủ cơ sở “chuyển sai cú pháp” nên Cty không nhận được và yêu cầu chuyển lại 609 triệu đồng. Vinh nói “trong vòng 2 phút sau khi nhận được tiền thì bên Cty sẽ chuyển hoàn lại số tiền mà anh đã chuyển sai cú pháp”. Lúc này, nghi ngờ mình bị lừa, chủ cơ sở yêu cầu Vinh hoàn trả số tiền đã chuyển sai trước. Tùng, Vinh liền xóa zalo, chặn liên lạc. Chủ cơ sở lập tức cho người đến các địa chỉ ghi trên hóa đơn mà Vinh đã gửi, phát hiện đây đều là những địa chỉ “ma”.

Ngoài trường hợp trên, một số cơ sở kinh doanh hải sản trên địa bàn Đồng Nai cũng nhận được đơn đặt hàng với hình thức như trên, nhưng nhờ tinh thần cảnh giác nên một số cơ sở không bị chiếm đoạt tài sản; như trường hợp người phụ nữ ở phường Long Bình (TP Biên Hòa).

Theo đó, sau Tết, chị được một phụ nữ nhắn tin đặt mua một số loại hải sản gồm cá mú, cá hồi, ốc hương, cá tầm... và yêu cầu giao đến nhà hàng ở phường Hố Nai, nơi chồng của người này đang làm đầu bếp.

Chiều cùng ngày, người phụ nữ tiếp tục nhắn tin và gửi hình ảnh một loại thịt hộp nước ngoài sản xuất và nhờ chị mua 60 hộp, giao cùng hải sản xuống nhà hàng rồi lấy tiền luôn. Người phụ nữ giới thiệu 1 Cty chuyên nhập khẩu thịt hộp ở Bình Dương và đề nghị chị gọi điện mua giúp. Nghi ngờ bị lừa, chị không đồng ý. Tiếp đó, chị cho người đến nhà hàng hỏi xem thì được biết ở đây không có người đầu bếp nào đặt hàng như người phụ nữ đã nói.

Lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an Đồng Nai cho biết, đây là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới nhưng vẫn có một số người trở thành nạn nhân. Cụ thể, bằng cách dùng các số điện thoại “rác” hoặc các tài khoản mạng xã hội, đối tượng liên hệ với các cơ sở kinh doanh để đặt hàng với số lượng lớn, thậm chí chuyển trước tiền cọc để tạo niềm tin.

Sau đó, đối tượng đưa ra yêu cầu đặt thêm một số mặt hàng khác mà cơ sở không có hoặc có nhưng đối tượng cho rằng chất lượng không đạt yêu cầu. Lúc này, đối tượng sẽ giới thiệu cho chủ cơ sở một cơ sở khác và đề nghị liên hệ để đặt mua hàng rồi giao lại cho đối tượng với giá cao hơn. Sau đó, các đối tượng sẽ lừa để chiếm đoạt tiền.

Theo PA05, để tránh bị lừa đảo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước số điện thoại lạ gọi đến, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, cẩn trọng trước những hướng dẫn, đề nghị mua hàng, chuyển khoản... Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để không mắc lừa đối tượng xấu và thông báo ngay cơ quan công an nơi gần nhất để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Đọc thêm