Dự án “Thu gom vỏ mì tôm gói” bắt đầu hoạt động từ những ngày đầu tháng 4 khi cả nước tiến hành giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây nhiễm Covid-19. Nhận thấy tâm lý tích trữ lương thực, mì tôm, gạo, đồ hộp… sẽ thải ra môi trường các thứ vỏ bao mì, bì gạo, lon nước ngọt, giấy báo các loại, nhóm đã nảy sinh ý tưởng thu gom và tái chế.
Theo Cao Thị Sao Mai, sáng lập viên dự án “Dũng sĩ tái chế”, ban đầu nhóm thu gom vỏ mì tôm và gửi đến 23 Võ Thị Sáu, thành phố Huế để các em nhỏ khiếm thính làm thủ công các sản phẩm túi xách, rổ, rá… Số tiền thu được từ những sản phẩm này sẽ đóng góp phần hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho các bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh.
Dự án thu gom vỏ mì tôm gói. |
Ở nhà chống dịch Covid -19 nhưng không quên trách nhiệm với môi trường. Sau hơn 1 tháng phát động chương trình, đến nay nhóm đã tái chế thành công nhiều mặt hàng “handmade” khác nhau như túi, gối, ví, khăn, thậm chí cả quần áo từ vải cũ, các chai lọ có thể biến hóa thành bình hoa, hộp đựng bút, vỏ mì tôm gói có thể làm làn đi chợ…. Các sản phẩm được bán gây quỹ bảo vệ môi trường. Qũy này dùng để trồng cây, duy trì hoạt động tái chế, tổ chức các buổi tọa đàm, sự kiện về môi trường và truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng.
Một số sản phẩm làm từ vỏ mì tôm gói. |
Sản phẩm được làm từ vỏ mì tôm gói rất nhưng rất hữu dụng. |
Những chiếc túi xách xinh xắn được làm từ vải cũ. |
Những sản phẩm tái chế rất hữu ích và thời trang của dự án |
Trước đó, góp phần đẩy lùi Covid-19, các bạn trẻ của dự án "Dũng sĩ Tái chế" đã lên chương trình thu gom chai lọ đã qua sử dụng để đựng nước rửa tay sát khuẩn tặng khu vực biên phòng và các trường học khó khăn ở các tỉnh biên giới phía Bắc.
Các chai lọ được thu gom và làm sạch để đựng nước rửa tay sát khuẩn |
Dù mới hoạt động chưa lâu nhưng dự án đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người ủng hộ lối sống xanh. Điều bất ngờ là trong những ngày cả nước thực hiện giãn cách xã hội, rất nhiều người quan tâm chương trình đã gửi nhiều vật liệu sau khi sử dụng qua các hãng chuyển phát để quyên góp. Hiện tại các hoạt động kêu gọi quyên góp, truyền thông tới bán hàng đều được thực hiện trên mạng, thông qua trang Fanpage “Dũng sĩ tái chế - Việt Nam”, hay các kênh cá nhân.
"Với phương châm hình thành lối sống xanh, sau khi dịch Covid-19 đi qua, dự án dự định sẽ đào tạo “10.000 đại sứ môi trường”, đồng thời tiếp tục tái chế rác thải (từ vỏ mì tôm, chai nhựa, quần áo cũ…) để tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống" - Sao Mai cho biết
Bên cạnh đó, thay vì đến tận nhà thu gom thì ở Hà Nội, nhóm dự án dự kiến tổ chức hoạt động quyên góp định kì hàng tháng để kêu gọi mọi người cùng tham gia, vừa góp phần nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, vừa tập trung nguyên liệu tăng hiệu quả tái chế.
Cùng với các chuỗi sự kiện, tọa đàm về chủ đề môi trường, biến đổi khí hậu, sống xanh… dự án kì vọng góp phần lan tỏa, kết nối và phát triển mạng lưới bảo vệ môi trường ngày một lớn mạnh.