Câu chuyện về ông Mikhail Timofeevich Kalashnikov và khẩu AK-47 lại được dư luận và giới chuyên môn đề cập khi chính quyền thành phố Moskva công bố (19-9) bức tượng của “cha đẻ” loại súng được ưa dùng nhất trong lịch sử thế giới (được ghi danh vào Guinness).
Theo giới truyền thông, mọi trẻ em đi học ở Nga đều được dạy cách tháo lắp súng AK-47 trong một số buổi học về tính tiện dụng của AK-47. Giới chuyên môn cho rằng, dễ lắp ráp và sử dụng cùng sự đơn giản nhưng lại nổi tiếng với tính chính xác, trọng lượng nhẹ, và tốc độ đạn nhanh nên AK-47 được sử dụng rộng rãi trên thế giới từ thập niên 1960. Và hiện vẫn là loại vũ khí cầm tay chủ lực của nhiều lực lượng trên thế giới, cả lính chuyên nghiệp lẫn dân nghiệp dư.
Vì được thiết kế năm 1947, nên loại súng do ông Mikhail Timofeevich Kalashnikov sáng chế được mặc định là AK-47 cho dù đến nay nó đã được cải tiến nhiều lần. Ngoài ra, “cha đẻ” AK-47 còn là tác giả của dòng súng bộ binh tự động với gần 150 mẫu được đánh giá là “vô song” trong hơn nửa thế kỷ qua.
Và sự nổi tiếng của ông Mikhail Timofeevich Kalashnikov (sinh ngày 10-11-1919) được thể hiện qua việc Bảo tàng của CIA ở Langley, bang Virginia, Mỹ hiện đang lưu giữ khẩu AK-47 của Osama bin Laden, sau khi người ta tiêu diệt hắn hôm 1-5-2011. Theo bà Toni Hiley, quản lý bảo tàng kể trên cho biết, khẩu AK-47 của Osama bin Laden do Trung Quốc làm nhái.
Về phần mình, Tổng thống Putin, Thủ tướng Medvedev và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cùng nhiều nhà lãnh đạo Nga đều bày tỏ sự tiếc thương và gửi lời chia buồn tới gia quyến ngay sau khi biết tin “cha đẻ” AK-47 qua đời. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tôn vinh ông Mikhail Timofeevich Kalashnikov là “một công dân, một người yêu nước nổi bật và là một biểu tượng của nước Nga”.
Bởi với những cống hiến xuất sắc, ông Mikhail Timofeevich Kalashnikov đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Nga và 2 lần được phong danh hiệu Anh hùng Lao động XHCN Liên Xô. Ngoài ra, để vinh danh “cha đẻ” AK-47, tên của ông Mikhail Timofeevich Kalashnikov còn được đặt cho tập đoàn vũ khí Kalashnikov, được hợp nhất từ 2 tập đoàn Izmash và IMZ của Nga.
|
Bức tượng ông Kalashnikov ôm khẩu AK-47 |
Sự nổi tiếng của AK-47 đạt tới mức, trong thập niên 1970 thế giới từng lưu truyền câu: “Mỹ xuất Coca Cola, Nhật có Sony, còn Liên Xô xuất AK-47”. Phó Thủ tướng phụ trách Quốc phòng Nga Dmitry Rogozin khi còn làm Đại sứ của Nga tại NATO từng nghe các đồng nghiệp phương Tây nhiều lần nói rằng: Những người lạc quan học tiếng Anh, còn những người thực tế phải học cách sử dụng AK-47.
Gần 14 năm trước (tháng 11-2003), Tổng thống Putin đã yêu cầu các cơ quan hữu quan phải nhanh chóng luật hoá việc bảo hộ bản quyền trí tuệ trong lĩnh vực quân sự, trong đó có AK-47. Giới quân sự Nga cho biết, từ năm 1997 chỉ có duy nhất Rosoboronexport, hãng xuất khẩu vũ khí độc quyền của Nga là người sở hữu bản quyền về AK-47. Nhưng theo ước tính, có trên 30 quốc gia đã "phục chế" AK-47 với số lượng hơn 100 triệu khẩu và đây là một khoản thu nhập đáng kể.
Được biết, trên thị trường vũ khí, trung bình có hơn 1 triệu khẩu AK-47 được bán ra mỗi năm, nhưng chỉ 10% trong số này được sản xuất trong khuôn khổ pháp luật, số còn lại là “sao chép”, khiến Nga mỗi năm thiệt hại tới 2 tỉ USD vì chuyện này.
Mặc dù là “cha đẻ” của loại vũ khí được bán chạy nhất thế giới, nhưng cách sống giản dị của ông Mikhail Timofeevich Kalachniov đã khiến nhiều khách nước ngoài phải ngạc nhiên, nhất là đối với ông Eugene Stoner, “cha đẻ” loại máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Bởi “cha đẻ” AK-47 chỉ hưởng mức lương hưu gần 600 USD/tháng, không nhận được bất cứ khoản lợi nhuận nào từ việc kinh doanh, buôn bán AK-47 trên thế giới.../.
Sau khi nhận thấy tính năng ưu việt của loại súng do ông Mikhail Timofeevich Kalashnikov sáng chế nên trong năm 1944, Stalin đã quyết định cho sản xuất thử. Sau đó sản xuất hàng loạt loại súng với tên gọi Avtamat Kalachniov Obrazets 1947 (Automatic Kalashnikov 1947), viết tắt là AK-47.
Và từ năm 1949, AK-47 bắt đầu được trang bị cho quân đội Liên Xô. Cũng trong năm 1949, ông Mikhail Timofeevich Kalashnikov được tặng thưởng Huân hương Stalin hạng I cùng số tiền thưởng 150.000 rub, đủ mua 9 chiếc Pabeda thời điểm đó./.