Trung Quốc: Kinh hoàng các trung tâm cai nghiện game gây chết người

(PLO) - “Phát triển khỏe mạnh, trưởng thành vui vẻ, cứu vớt gia đình!” là tôn chỉ thành lập và hoạt động của Trường cai nghiện internet Tế Nam (Sơn Đông, Trung Quốc). Thế nhưng, chỉ trong vòng 10 ngày đã có liên tiếp 2 thiếu niên nối nhau tử vong sau khi tham gia các biện pháp trong các cơ sở cai nghiện kiểu này.
Thi thể Tiểu Ngụy có nhiều vết thương
Thi thể Tiểu Ngụy có nhiều vết thương

Vụ việc đang gây chấn động dư luận. Người ta buộc phải đặt câu hỏi: rốt cuộc, các cơ sở cai nghiện thứ “heroin điện tử” này đang cứu vớt hay “hủy diệt” các gia đình đây?

Học viên cai nghiện game liên tiếp chết bất đắc kỳ tử

Ngày 14/8, Lý Ngao, một thanh niên 18 tuổi quê An Huy bị mắc chứng nghiện mạng bị trọng thương khi đang thực hiện các liệu pháp cai nghiện tại một cơ sở ở địa phương, được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng không thành công. 

Chỉ mấy ngày trước đó, Tiểu Ngụy, một thiếu niên 16 tuổi người Tây An cũng bị chết, nguyên nhân được công bố là cậu bé bị ngã từ trên lầu cao xuống. Hai chàng trai trẻ này đều được cha mẹ chi hàng đống tiền đưa vào cái gọi là “trường cai nghiện game” để học tập.

Mặc dù văn bản chiêu sinh của nhà trường cam kết “không sử dụng hình phạt cơ thể, tận tình dẫn dắt tâm lý, tập luyện thể thao để giúp các học viên cai nghiện”; thế nhưng qua giám định pháp y, các chuyên gia phát hiện cậu bé bị hơn 20 vết thương trên cơ thể và một số nội thương.

Một số trung tâm cai nghiện mạng không cho phép học sinh tiếp xúc với cha mẹ. Tiểu Ngụy trước khi “ngã lầu” chết có để lại bức thư có vẻ như “di chúc” gửi cha mẹ, trong đó viết: “Con rất nhớ bố mẹ, con biết làm thế này bố mẹ sẽ rất đau lòng, sẽ khóc, nhưng con không thể chịu đựng được cái thế giới này nữa rồi!”. Cha mẹ em đã bỏ ra 50 ngàn tệ (165 triệu VND) để gửi đứa con độc nhất vào đây với hy vọng cứu được con thoát khỏi thế giới ảo, nhưng họ không ngờ lại có kết cục này.

Một trung tâm cai nghiện game quản lý kiểu quân sự hóa
Một trung tâm cai nghiện game quản lý kiểu quân sự hóa

Thế nhưng, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Năm 2014, trung tâm Bác Cường ở Trịnh Châu đã sử dụng hình phạt Linh Linh nữ sinh 14 tuổi khiến em bị chết sau 2 giờ chịu phạt. Năm 2009, Đặng Sâm Sơn, một thiếu niên Quảng Tây cũng bị đánh đập đến chết tại “Trung tâm huấn luyện cứu vớt Khởi Hàng Nam Ninh”…Còn có nhiều vụ việc khác đã bị ém nhẹm.

Báo cáo về tình trạng thanh thiếu niên nghiện internet cho biết: toàn Trung Quốc có tới 24 triệu thanh thiếu niên mắc chứng nghiện mạng. Hiện đã có mấy trăm trại tập luyện, trung tâm cai nghiện…và ngày càng có thêm nhiều cơ sở được tiếp tục mở. 

Đủ kiểu cai nghiện

Trong một ngôi làng ở Thông Châu, một toán trẻ em đang tập luyện quân sự trong một ngôi nhà cũ. Chúng tập các động tác đánh đấm, chống đẩy kèm theo những tiếng thét vang dội. Cánh cửa bằng sắt bị khóa chặt, khi thấy có người lạ vào, các em gập người chào, miệng đồng thanh “chào cô, chào chú!”.

Giáo viên nói, đó là quy định lễ nghi của trường. Bên cạnh phòng tập là phòng ăn cửa được khóa chặt. Vào khu ký túc xá, các phòng ở cửa cũng đều bị khóa. Đó là quy định ở đây, cứ có cửa là có khóa, khắp nơi đều đặt camera giám sát, tường vây cắm đầy mảnh chai. Vào phòng ngủ, hơn chục cái giường đều có chăn màn kiểu nhà binh gấp gọn ở đầu, hầu như không có vật dụng nào thừa. Các học viên khi vào đây đều biết rõ trung tâm quản lý kiểu đóng kín, không ai được mang bất cứ thiết bị điện tử nào vào.

Nơi đặt ra quy định này là “Trung tâm tư vấn giáo dục Khải Đức Lệ Chí Bắc Kinh” để “giúp các trẻ bị nghiện chơi game quay trở về trạng thái bình thường”. Theo họ, huấn luyện quân sự là cách giúp cai nghiện căn bản nhất, điều đó có nghĩa là quản lý quân sự hóa là điều không thể thiếu (!).

Dùng biện pháp điện kích cai nghiện là biện pháp sai trái
Dùng biện pháp điện kích cai nghiện là biện pháp sai trái

Không có đại cương giáo dục cố định, cũng chẳng có quy trình phác đồ trị liệu. Các phóng viên đến tìm hiểu ở nhiều nơi cai nghiện mạng thì phát hiện ra đủ kiểu cai khác nhau. Ngoài “quân huấn”, một biện pháp được áp dụng nhiều là trị liệu tâm lý, như Bệnh viện tâm lý Quốc Úc đã sử dụng các bác sĩ chuyên ngành tâm lý để cai nghiện. Có nơi lại sử dụng biện pháp “trung tâm và gia đình kết hợp” thức cha mẹ cũng vào ở trung tâm, hàng ngày tham gia các lớp trị liệu tâm lý hay thảo luận cùng con em.

Ai cũng có thể tham gia cai nghiện

Lực lượng đứng ra tổ chức cai nghiện cũng rất hỗn loạn: có các chuyên gia tư vấn tâm lý, có lính xuất ngũ, có giáo viên văn hóa, giáo viên thể dục và cả bác sĩ. Lính xuất ngũ là thành phần nhiều nhất. Khi phóng viên báo Thanh niên Bắc Kinh đến thăm Trung tâm cai nghiện Khởi Đức Lệ Chí thì người phụ trách giới thiệu mấy vị “quân nhân xuất ngũ có quá khứ vẻ vang”.

Họ đều là người ngoại tỉnh từng tham gia dẹp loạn ở Tân Cương và cứu nạn nhân động đất ở Tứ Xuyên, nay phụ trách việc huấn luyện trẻ bị nghiện game. Một “thày giáo” 24 tuổi khoe anh ta có uy lực lớn, chỉ cần đứng ở đó là tất cả lũ trẻ không ai dám trái lời.

Trung tâm bồi dưỡng tâm lý thanh thiếu niên Trung Quốc tự giới thiệu là cơ sở cai nghiện game chuyên nghiệp, nhưng trong đội ngũ 40 người chỉ có 3 là bác sĩ lâm sàng, số còn lại đều là lính xuất ngũ và nhân viên tư vấn tâm lý. Nhiều trung tâm khác chẳng có bác sĩ nào, cũng không hợp tác với cơ sở y tế, nên khi xảy ra vấn đề gì với học viên trong quá trình cai nghiện đều chỉ có cách đưa đến bệnh viện gần nhất để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Học viên tập quân sự để cai nghiện
Học viên tập quân sự để cai nghiện

Những hình phạt dẫn đến cái chết

Đằng sau các phương thức cai nghiện không quy phạm đó ẩn chứa các  biện pháp bạo lực. Báo chí từng thống kê trong số 12 vụ việc trong các cơ sở cai nghiện game thì có tới 10 vụ liên quan đến hình phạt thân thể (thể phạt). Một người phụ trách trung tâm cai nghiện cho biết: “các học viên đều do cha mẹ đưa đến, chẳng có em nào tự nguyện tới; một số bị cha mẹ ngon ngọt lừa đến, một số do trung tâm phối hợp cha mẹ đưa vào”.

Trong môi trường quản lý kín như nói ở trên, thể phạt rất dễ xảy ra mà không bị giám sát. Đa số cơ sở đều quy định cách ly các em khỏi cha mẹ, phụ huynh chỉ có thể nắm tình hình con cái qua trao đổi điện thoại với cơ sở. Trung tâm Khải Đức Lệ Chí tiết lộ: trong 2 tháng đầu, thường các học viên tỏ thái độ thù địch, trong tình hình các học viên không nghe lời, họ chỉ có cách dùng phương pháp “tăng cường” (hình phạt) để thuần phục.

Một phóng viên đã tìm đến phỏng vấn 3 thiếu niên mới từ trung tâm cai nghiện trở về. Ông phát hiện ra rằng, thứ thường được các cơ sở gọi là “lợi khí” dùng để điều trị cai nghiện thực ra là chích điện (cho điện giật). Qua tìm hiểu, ông thấy một số trung tâm cai nghiện yêu cầu học viên không được ngủ muộn, không cãi nhau, không tức giận, phải tự rửa bát. Ai vi phạm sẽ bị giáo viên phạt bằng cách chích điện khiến các em bị ngất. Sau năm 2014, một số trung tâm đã thay đổi chích điện bằng điện châm, điện mạch xung. Những người được hỏi cho biết các thiết bị mới này còn “gây đau đớn hơn việc bị điện giật trước đây”.

Việc sử dụng thiết bị chích điện hoặc xung điện của các trung tâm cai nghiện này không chỉ gây đau đớn cho cơ thể học viên mà còn gây tổn thương cả về tinh thần. Các thanh thiếu niên bị phạt kiểu này nói họ rất sợ hãi, phản cảm, thậm chí căm hận. Sợ nhất là dù họ đã được về với gia đình, nhưng nếu có biểu hiện không tốt sẽ bị bắt trở lại trung tâm để cải tạo lại.

Trang thông tin điện tử NetEase cho biết, một số trung tâm cai nghiện tuyên truyền sử dụng quản lý kiểu “quân sự hóa” còn sử dụng “liệu pháp thôi miên”. Những người của trung tâm đưa trẻ bị nghiện vào phòng tối, cho nghe những bản nhạc đau buồn, sau đó giáo viên tâm lý kể một số câu chuyện dẫn dắt. Sau 2 giờ đồng hồ thì họ mở cửa cho các em gặp mặt cha mẹ đã bị cách ly suốt 1 tháng, thế là khóc lóc như mưa.

Bị phạt khi phạm lỗi
Bị phạt khi phạm lỗi

Trong các trung tâm này, việc bị phạt thân thể là chuyện cơm bữa; thậm chí 1 em phạm lỗi, cả lớp bị phạt khiến nhiều học viên nảy sinh lòng căm hận lẫn nhau. Trong tình hình đó, khó tránh khỏi việc có học viên không chịu đựng được, không hoàn thành được chương trình tập luyện khép kín kéo dài suốt mấy tháng. Trong bức thư để lại gửi cha mẹ, Tiểu Ngụy người bị nghi là tự sát, viết: “Bố, con chết đây. Con yếu lắm rồi. Con thấy thế giới này quả là chả có ý nghĩa gì”.

Chuyên gia tâm lý người Anh Mark D. Griffiths nói: Trước hết cần thử tìm hiểu trẻ em, nếu chúng chơi game vì lòng tự tôn bị tổn thương thì cha mẹ hãy giúp con cái nâng cao sự tin tưởng vào bản thân. Một thạc sĩ về tâm lý giáo dục ở Đại học Hoa Đông cho rằng: cha mẹ cần biết cách tôn trọng con cái, xem lại bình thường có hay nhận xét quá nhiều về tiêu cực của con khiến lòng tự tôn của chúng bị tổn thương hay không. Cha mẹ cần giành thời gian nhiều hơn bên cạnh con, đưa cúng ra ngoài nhiều để chúng kết bạn…/.