Bộ trưởng Lê Thành Long đã chỉ đạo Hội nghị cùng với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học.
Nhiều đóng góp thiết thực vào công tác xây dựng pháp luật
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ: Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 với nhiều điểm mới cơ bản như tách bạch quy trình xây dựng chính sách, bỏ bớt được một số hình thức văn bản, cấm quy định thủ tục hành chính trong một số VBQPPL… Sau gần 3 năm thực hiện, Luật đã có những đóng góp cụ thể, thiết thực vào công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, đã thiết kế được quá trình xây dựng luật dân chủ, có sự đóng góp nhiều hơn của các tầng lớp trong xã hội; thiết lập kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt hơn nguyên tắc pháp chế, đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, quá trình thực thi Luật cũng phát sinh một số bất cập. Chẳng hạn: Quy trình đánh giá tác động, lập đề nghị xây dựng chính sách đối với một số văn bản cấp địa phương nếu cứ máy móc áp dụng sẽ không đáp ứng được yêu cầu phải ban hành ngay và mang tính hình thức. Việc cấm tuyệt đối ban hành thủ tục hành chính trong các văn bản dưới luật trong một số trường hợp sẽ không xử lý được những vấn đề đặc thù. Chất lượng một số văn bản chưa cao, sự phối hợp trong quá trình xây dựng luật chưa hiệu quả…
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, từ những bất cập này, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Dự án Luật đã được Chính phủ đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhấn mạnh việc đánh giá 3 năm thi hành Luật là cơ sở quan trọng xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, Bộ trưởng đề nghị, các đại biểu tập trung xem xét, đánh giá tổng thể việc thực hiện; làm rõ những mặt được và chưa được; phân tích những mặt chưa được là do quy định của pháp luật hay do tổ chức thi hành… Từ đó đưa ra giải pháp khả thi nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan nhà nướ, đặc biệt là của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật và tất cả những ý kiến đều sẽ được Bộ Tư pháp ghi nhận, nghiên cứu.
Cần tổ chức cho tốt quy trình xây dựng chính sách
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, các đại biểu đã sôi nổi, thẳng thắn trao đổi những đánh giá của mình. Đề cập đến quy trình lập đề nghị xây dựng chính sách trong luật hiện hành, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Phước Thọ đánh giá, đây là nội dung cải cách quan trọng nhất về quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL nhằm tạo bước đột phá, góp phần bảo đảm chất lượng, tính khả thi, hiệu quả của VBQPPL. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn lúng túng, bị động trong xác định, phân tích các chính sách của dự án, dự thảo VBQPPL; nội dung đánh giá tác động chính sách còn rất hình thức, chưa đầy đủ, toàn diện, chưa kỹ lưỡng, thiếu sâu sắc; kinh phí bảo đảm lập đề nghị xây dựng VBQPPL hạn chế… Một trong những giải pháp được ông Thọ đưa ra là Bộ Tư pháp cần có thông tư hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất, hiệu quả quy định này.
Trước ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy trình chính sách, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ lại nhấn mạnh, phân tích xây dựng chính sách là một cải cách của Luật và được coi là điểm sáng, mang tính cách mạng của Luật Ban hành VBQPPL hiện hành. “Nếu làm tốt quy trình xây dựng chính sách thì rất có lợi cho quá trình làm luật” – ông Sỹ khẳng định. Vì vậy, theo ông, mặc dù có phát sinh tồn tại, hạn chế nhưng không nên nhìn vào việc làm chưa tốt, làm chưa quen mà bỏ quy trình này, “đừng vì mới làm chưa quen, đừng vì đường cày chưa thẳng mà đã bỏ”. Ông Sỹ quả quyết, “nên duy trì, thực hiện chưa tốt thì phải tổ chức thế nào để làm cho tốt”.
Cũng quan tâm đến quy trình chính sách, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn quan niệm, đây là một quy định tiến bộ, cập nhật xu hướng xây dựng pháp luật tiên tiến. Tuy nhiên, quy định thì mới mà việc hướng dẫn trong Nghị định số 34/2016/NĐ-CP còn chung chung khiến địa phương khó thực hiện. Chia sẻ về kinh phí, ông Tuấn phản ánh, do không quy định và chưa có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng kinh phí cho hoạt động này nên không bố trí được kinh phí để thực hiện việc xây dựng và đánh giá tác động của chính sách một cách bài bản, có chất lượng.
Để tháo gỡ, ông Tuấn phân tích Luật và Nghị định quy định 5 tiêu chí đánh giá như tác động về kinh tế, tác động về xã hội, tác động về giới (nếu có), tác động của thủ tục hành chính (nếu có) và tác động đối với hệ thống pháp luật; đồng thời quy định 2 phương pháp đánh giá tác động theo phương pháp định tính, định lượng. Tới đây cần hướng dẫn cụ thể hơn thế nào là đánh giá tác động chính sách của mỗi tiêu chí trên; đâu là những nội dung mang tính bắt buộc, những nội dung nào có thể không cần thiết đánh giá; trường hợp nào đánh giá bằng phương pháp định lượng, trường hợp nào đánh giá bằng phương pháp định tính…