Đừng vô tư đưa chất độc vào người

(PLO) - Những thông tin gần đây trên báo đài về thực phẩm nhuộm màu làm nhiều người tiêu dùng bối rối khi đứng giữa hàng trăm mặt hàng thực phẩm có màu mà không biết thật giả thế nào. Bởi việc sử dụng phụ gia độc hại hoặc sử dụng quá mức giới hạn phụ gia trong thực phẩm đang là mối nguy không nhỏ đối với sức khỏe người tiêu dùng, gây ra những nguy hại cho sức khỏe như: gây mầm bệnh u não, ung thư bàng quang, dị ứng, hen suyễn,...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực phẩm có màu càng sặc sỡ, càng lo

Các bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) vừa cấp cứu thành công một bệnh nhi bị tan máu cấp do ngộ độc thực phẩm. Từ trường hợp trên, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo với người dân trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm. Theo chia sẻ của các bác sĩ, trung tuần tháng 1, khoa tiếp nhận bệnh nhân 8 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) trong tình trạng thiếu máu cấp, sốt cao, tiểu đỏ.

Khai thác tiểu sử, trẻ không có gì đặc biệt, ngoại trừ thông tin gia đình cung cấp trước đó 3 ngày bé cùng chị họ ăn thịt bò khô có nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc. Sau khi ăn 1 ngày, trẻ bắt đầu có dấu hiệu lạ như đau đầu, chóng mặt, sốt nhẹ. Đến ngày thứ 2 tiểu ra máu đỏ, nôn nhiều dù được uống men tiêu hóa, orezol nhưng tình trạng không thuyên giảm nên được đưa vào viện cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị tan máu do nhiễm độc. Bé được cấp cứu hồi sức và điều trị tích cực, truyền máu. Sau 2 ngày điều trị, bé qua cơn nguy kịch. Hiện bé được ra viện do các chỉ số trở về bình thường tuy nhiên vẫn cần theo dõi biến chứng và khám định kỳ. Đây là một trong rất nhiều trường hợp ngộ độc liên quan đến ăn uống ở nước ta. Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề nóng bởi liên quan đến mọi người và luôn để lại hậu quả nặng nề với sức khỏe người bệnh.

Ở các nước khác trên thế giới để mua được các loại phụ gia như phẩm màu, hương liệu,...thì rất khó nhưng ngược lại tại Việt Nam thì các loại phụ gia này lại được bày bán công khai, việc mua – bán diễn ra quá dễ dàng. Chỉ cần ghé vào bất cứ cửa hàng kinh doanh đồ khô nào thì khách hàng đều có thể mua được các loại phụ gia theo ý của mình, bao gồm cả những loại có nhãn mác xuất xứ, và cũng không ít loại chỉ được đóng trong chiếc túi ni lông màu trắng thậm chí có thể mua được cả những loại theo quy định không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Từ việc mua bán quá dễ dàng nên chủ các cơ sở kinh doanh thực phẩm có không ít trường hợp vì lợi nhuận nên sử dụng phẩm màu vượt giới hạn, đặc biệt là màu tổng hợp, hoặc sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép. Đáng báo động là có nơi dùng cả phẩm màu công nghiệp để chế biến thực phẩm, rất dễ dẫn đến ngộ độc cấp tính, mãn tính vì chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng. Đơn cử như Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì chúng gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến ung thư. Thế nhưng, cơ quan chức năng từng phát hiện loại phẩm màu này được sử dụng trong chế biến hạt dưa, tương ớt, sa tế,...

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, (Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng.

Có phần lỗi xuất phát từ thói quen ăn uống của người dân

Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có mặt ở mọi nơi, chờ cơ hội để len lỏi vào từng gia đình và chúng đặc biệt nguy hiểm hơn đối với trẻ nhỏ. Tại các khu trường học, chẳng khó khăn gì để tìm một xe hàng rong đứng bày bán các loại chả xiên que, xúc xích,... mỗi loại một màu sắc bắt mắt. Hình ảnh những cô cậu học sinh, sinh viên đứng tụm ba, tụm bảy quây quần kín chiếc xe để ăn những viên chả xe lòe loẹt đó đã thành quá đỗi quen thuộc. Nhiều người dù biết chúng bẩn nhưng vẫn vô tư sử dụng.

Nguyễn Ngọc Tân (học sinh trường THCS Lê Lợi) cho biết: “Em cũng nghe nói đồ ăn trên những chiếc xe đó không sạch lắm, nhưng trước ăn nhiều, giờ nghiện chúng rồi nên vẫn ăn, với giờ chẳng tìm được thứ gì là sạch cả, có bẩn chúng cũng ngấm dần dần từ từ vào cơ thể nên không sợ”. 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nhức nhối với cơ quan chức năng và cả người dân. Nhức nhối bởi tình trạng thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên tồn tại và nhức nhối bởi tâm lý tích trữ thức ăn dài ngày trong tủ lạnh là nguyên nhân khiến thực phẩm trở nên không an toàn do bảo quản không đúng cách. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, bác sĩ Tiến cho rằng các bà nội trợ không nên mua quá nhiều thực phẩm, bảo quản đúng cách và đảm bảo an toàn trong chế biến (không để lẫn thực phẩm sống - chín, rửa tay trước khi chế biến thức ăn cũng như cho trẻ ăn, giữ vệ sinh khu chế biến và không sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc...). 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, tốt nhất không nên sử dụng các hóa chất tạo màu, tạo mùi trong chế biến thực phẩm. Khi chế biến thức ăn tại gia đình, nên sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên. Trong trường hợp “bắt buộc” phải sử dụng màu tổng hợp thì phải tìm hiểu kỹ loại phẩm màu đó có được phép sử dụng trong chế biến hay không và dùng bao nhiêu thì không gây hại. Đặc biệt, phải tránh mua các hương liệu tạo màu và tạo mùi bán trôi nổi trên thị trường, phải tìm hiểu kỹ thành phần, nguồn gốc và hạn dùng để tránh gây hại cho cơ thể.

Trước vấn nạn đó, để tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm cũng như bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các địa phương tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm sau Tết Nguyên đán, dịp Lễ hội. Theo đó, các địa phương cần chủ động kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để hạn chế mặt hàng không đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được tung ra thị trường. Các đoàn kiểm tra, phòng xét nghiệm phải sát sao, lấy mẫu khi có nghi ngờ và trả kết quả sớm để có khuyến cáo kịp thời tới người tiêu dùng, đồng thời xử phạt nghiêm cơ sở vi phạm. Với các cơ sở điều trị, phải chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân trong dịp này.