Dừng "yêu" giữa chừng để "lách luật"

(PLO) - Nguyễn Thanh Vân kể rằng: “Thập niên 1940, trong điện ảnh Mỹ có quy định mỗi cảnh hôn không được quá 3 giây nhưng các nhà làm phim đã lách luật là cho diễn viên hôn nhau 2 giây 59 rồi tách nhau ra, nhìn nhau, rồi lại hôn tiếp.
Một cảnh trong phim 16+ của Việt Nam.
Một cảnh trong phim 16+ của Việt Nam.
Một phim không được “nóng” quá 3 lần
Dự thảo "Thông tư sửa đổi Quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ở Việt Nam" - quy chế này vốn được xây dựng từ khá lâu với 9 lần soạn thảo, tham khảo ý kiến rộng rãi từ phía công chúng, các nhà chuyên môn.
Đây là điều cả giới làm phim cũng như khán giả chờ đợi vì việc phân loại phim lâu nay ngoài dành cho mọi đối tượng thì chỉ có dạng phim bị dán nhãn 16+. Việc phân loại này được cho là đã rất lạc hậu khi không phân loại được chính xác đối tượng khán giả đến rạp. Trong khi ở các nước có nền điện ảnh phát triển, đặc biệt là Mỹ, có tới 5 cấp phân loại.
Trong dự thảo mới đưa ra ngày 18/9, Cục Điện ảnh đã giới thiệu bảng phân loại phim ở 4 cấp độ khác nhau theo từng lứa tuổi: Phim dành cho mọi lứa tuổi (dán nhãn là P), Phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi (C13), Phim không dành cho người dưới 16 tuổi (C16) và Phim cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18). Việc phân loại phim được dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ tục và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh. 
Cụ thể, với các phim bị dán nhãn C18, nội dung “khỏa thân và tình dục” được quy định như sau: “Khỏa thân”: Chấp nhận hình ảnh khỏa thân toàn phần, nhưng phải phù hợp với nội dung phim, không miêu tả cận cảnh các bộ phận sinh dục, không diễn ra thường xuyên (miêu tả quá 3 lần) và không kéo dài thời lượng (vượt quá 5 giây).
“Tình dục”: Chấp nhận các hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện hoạt động tình dục phù hợp với nội dung phim nhưng không được miêu tả chi tiết, không diễn ra thường xuyên và không kéo dài thời lượng; miêu tả hoạt động tình dục của người đồng tính ở mức độ nhẹ như ôm, hôn nhưng phải phù hợp với nội dung phim, không kéo dài thời lượng.
Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh cho biết, bảng phân loại phim trong Dự thảo mới này được tham khảo từ Singapore. Do mô hình phân loại phim của Singapore vừa cặn kẽ, vừa nghiêm, vừa mang tính chất Á Đông mà lại phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đồng thời, Cục Điện ảnh cũng tham khảo các bảng phân loại của Mỹ, Anh và Australia để hoàn thiện. 
Cùng với dự thảo phân loại phim mới này một khi được áp dụng thì các phim 18+ trước khi nhận giấy phép phổ biến ngoài rạp phải chịu 3 lớp 'kiểm duyệt', tức là không những chịu sự kiểm soát của Điều 11 - Luật Điện ảnh và Nghị định 54 về "Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh" mà còn phải đáp ứng được tiêu chí phân loại của các phim dành cho người lớn. 
Do vậy, cho dù có được dán nhãn C18 thì các phim ra rạp (dù là Việt Nam hay nước ngoài) hoàn toàn có thể bị cắt những cảnh không phù hợp hoặc bị cho là kéo dài thời lượng hay diễn ra thường xuyên.
Định lượng “cứng nhắc”?
Tuy nhiên, nhiều nhà làm phim, phát hành, sản xuất phim có mặt tại hội thảo đều cho rằng cần phải xem lại nội dung dự thảo. Đặc biệt là quy định “5 giây và ba lần 5 giây” đối với cảnh “nóng” phim 18+ được đánh giá là “cứng nhắc”, có thể ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật và nội dung truyền tải của bộ phim.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho rằng 5 giây trên phim chỉ như một cái chớp mắt và vừa một khuôn hình đặc tả đồ vật như gạt tàn có khói bay hoặc một bông hoa. Còn đạo diễn Phan Đăng Di nhận định cảnh khỏa thân và cảnh tình dục là chủ đề cực kỳ đa dạng, phức tạp và sống động trên hình, khó thể gói gọn trong thời lượng như thế.
Hình minh họa
 Hình minh họa
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng dù chủ yếu thực hiện các phim chính thống, chủ yếu là các phim chiến tranh nhưng tỏ rõ sự không đồng tình với dự thảo quy định này. Anh nói: "Quy định như vậy là cứng nhắc và ngớ ngẩn. Không ai để cảnh nóng lại quy định về thời gian như vậy. Nếu quy định là không quá 5 giây thì người ta có thể để cảnh đó kéo dài 4,5 giây, chuyển cảnh rồi lại tiếp tục để những cảnh như vậy xuất hiện từ đầu đến cuối phim thì sao?".
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn và Nguyễn Thanh Vân chỉ ra thời lượng 5 giây là quá ít cho cảnh tình dục có thẩm mỹ cao nhưng lại quá nhiều cho cảnh tình dục phản cảm. Theo Vinh Sơn, việc giới hạn thời gian chỉ là biện pháp mang tính kỹ thuật, hơi lý tính, có thể gây ảnh hưởng đến phong cách, thẩm mỹ của nhà làm phim. 
Cùng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói: “Là một nhà sản xuất phim, tôi thấy rằng ngay cả một giây mà cảnh đó phản cảm thì cũng không ai chịu nổi. Nhưng nếu cảnh đó truyền tải ngôn ngữ nghệ thuật lớn, có tính thẩm mỹ cao thì năm giây không thể đủ được. Điện ảnh là nghệ thuật, không thể định lượng thẩm mỹ bằng con số cụ thể như vậy”.
Nguyễn Thanh Vân kể rằng: “Thập niên 1940, trong điện ảnh Mỹ có quy định mỗi cảnh hôn không được quá 3 giây nhưng các nhà làm phim đã lách luật là cho diễn viên hôn nhau 2 giây 59 rồi tách nhau ra, nhìn nhau, rồi lại hôn tiếp. Về sau, các nhà kiểm duyệt Mỹ phải bỏ quy định phản nghệ thuật này. Chúng ta nên đi theo chuẩn mực của quốc tế”.
Trước những băn khoăn này, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia cho rằng việc quy định thời gian và định lượng cảnh khỏa thân cũng như tình dục trong phim là rất khó bởi điện ảnh là cảm nhận và cảm xúc. Tuy nhiên, ông cho biết đây là công việc xây dựng luật nên cần con số cụ thể để lấy đó làm căn cứ áp dụng.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: “Hiện nay, chúng tôi cũng đang phân vân có nên đưa định lượng cụ thể về thời lượng và tần suất cảnh khỏa thân hay cảnh tình dục vào phim hay không. Việc này sẽ được ủy thác cho hội đồng xây dựng dự thảo cuối cùng trước khi trình lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa”, bà Lan nói.
Bên cạnh những tranh cãi về tiêu chí “5 giây và 3 lần 5 giây”, một số nội dung khác liên quan đến quy định về cảnh “nóng” trên phim cũng được đề cập. 
Đạo diễn Vũ Xuân Hưng băn khoăn: “Chúng ta có quy định khỏa thân nữ toàn phần cơ thể, nhưng lại chưa nhắc đến khỏa thân nam”. Còn đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thì cho rằng: “Ở Việt Nam, những hình ảnh khỏa thân thường bị cho nhạy cảm, nên nói rõ như khỏa thân phía trước, phía sau như thế nào. Vì nếu không sẽ rất dễ gây tranh cãi”. 
Ngôn ngữ trong phim cũng là vấn đề được quan tâm. Trong dự thảo, phim 18+ chấp nhận một số từ chửi thề, tiếng lóng trong lời thoại, chữ viết mạnh hơn so phim 16+ (không tục tĩu, thiếu văn hóa...). Có ý kiến đưa ra là nên quy định cụ thể các từ không được sử dụng.
Sau khi lấy ý kiến, bản dự thảo mới về phân loại phim theo lứa tuổi sẽ được trình lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phê duyệt trước khi áp dụng vào thực tế./.