Được chỉ định thầu với gói thầu "chìa khóa trao tay" xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu "chìa khóa trao tay" xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế nhằm triển khai xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Các lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết
Các lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết

Sáng 19/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo đó, Dự án được áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt. Cụ thể, triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng cho thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.

Về lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu, Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện các dự án; áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế; áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án…

Về phương án tài chính và thu xếp vốn, được đàm phán với Chính phủ các đối tác thực hiện để thu xếp vốn cho Dự án theo nhu cầu vốn của Dự án và theo cam kết của nhà tài trợ nước ngoài; được phép áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài; chủ đầu tư được vay và đủ điều kiện vay lại theo phương thức cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng, không phải thực hiện thủ tục lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho Dự án trong trường hợp đàm phán hiệp định vay không thành công hoặc quy mô khoản vay không đủ.

Chủ đầu tư được phép thu xếp vốn đối ứng từ nguồn vốn vay, vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn vay lại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình do Chính phủ phát hành, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với các điều kiện vay lại theo điều kiện vay của khoản phát hành trái phiếu, khả năng trả nợ của Dự án và Luật Quản lý nợ công.

Quốc hội cũng cho phép chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để thông qua, phê duyệt nội dung liên quan đến dự án đầu tư, phương án huy động vốn, thế chấp tài sản để vay vốn theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng phải bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là rừng tự nhiên.

Tỉnh Ninh Thuận được vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất để xây dựng Dự án ở mức cao nhất theo quy định nhân (x) với 1,5 lần; được phép triển khai đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư song song với việc điều chỉnh dự án đầu tư dự án di dân, tái định cư của Dự án…

Đọc thêm