|
DS Nguyễn Xuân Hoàng luôn trăn trở “con đường đi” cho các doanh nghiệp trong thời đại COVID-19 |
Chuyển đổi số & COVID-19
“Chuyển đổi số” là từ khóa được nhắc đến khá nhiều trên các diễn đàn, hội thảo hay trên nhiều mặt báo. Cuối năm 2021, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng đã tổ chức một Diễn đàn khoa học mang tên “Đại dịch COVID-19 và chuyển đổi số ở Việt Nam”.
Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định chuyển đổi số sẽ như là một cứu cánh, là “chìa khóa” để các quốc gia vượt qua những khó khăn, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại, là yếu tố quan trọng để đất nước ta thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Những mất mát và đau thương mà đại dịch Covid gây ra vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nhằm thực hiện mục tiêu kép: vừa thích ứng an toàn, kiểm soát hậu quả vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong các đợt dịch bùng phát mạnh, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, giao thông vận tải và các dịch vụ logistics bị đứt gãy, gián đoạn, giao thương trong nước và quốc tế đình trệ… thì chuyển đổi số tất yếu đã trở thành cứu cánh.
Chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên 4.0 của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Dược phẩm, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi khi đại dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay.
Tuy vậy, theo Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng, kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn Y Dược Quốc Tế (IMC): Chuyển đổi số vẫn còn là khái niệm mơ hồ và nhiều doanh nghiệp loay hoay không biết phải bắt đầu từ đâu và thay đổi như thế nào.
|
DS Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ về cách thực hiện chuyển đổi số |
Muốn chuyển đổi số, cần…?
Chuyển đổi số không phải đơn thuần là thay đổi cách thực hiện công việc từ thủ công truyền thống (ghi chép trong sổ sách, họp trực tiếp,...) sang vận dụng công nghệ. Cần hiểu rõ chuyển đổi số đóng vai trò thay đổi tư duy kinh doanh, phương thức điều hành, văn hóa tổ chức.
Chuyển đổi số được hiểu là ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số vào mọi hoạt động của doanh nghiệp, mục đích là đem lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu.
Để chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần phải nắm rõ và thực hiện một số biện pháp, điển hình như:
- Xác định mục đích chuyển đổi số là gì
- Thời gian dự kiến bắt đầu và cả quá trình chuyển đổi số
- Lập chiến lược và thực hiện đồng bộ với chủ trương của Nhà nước
- Chuyển đổi số liệu giấy tờ hữu hình sang điện tử, số hóa và mọi hình thức truyền tải thông tin đều trên nền tảng online
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đảm nhiệm quá trình chuyển đổi số
- Đầu tư công nghệ, chọn lựa đối tác và giải pháp chuyển đổi số phù hợp
Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng cho biết: “Tại Công ty TNHH Tư vấn Y Dược Quốc Tế (IMC), chuyển đổi số đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Chính vì vậy, khi đại dịch bùng phát và kéo dài, ban lãnh đạo cũng như toàn bộ đội ngũ nhân viên không bị “sốc”, cũng không quá hoang mang, lo lắng. Hội họp hay đào tạo chuyển sang online, bộ phận nào có thể làm việc từ xa thì tiến hành. Bộ phận cần làm việc tại chỗ thì thực hiện 3 tại chỗ khi giãn cách xã hội. Mọi dữ liệu đều được số hóa. Chính vì thế, việc sản xuất, phân phối cũng như tư vấn sản xuất của tập đoàn vẫn diễn ra suôn sẻ”.
Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng cũng nhấn mạnh, ngoài chuyển đổi số, để phục hồi và phát triển vững mạnh, cần phải chú trọng mô hình Kinh tế chia sẻ.
Kinh tế chia sẻ - xu hướng tất yếu của nhân loại
Kinh tế chia sẻ hay còn gọi là nền kinh tế ngang hàng, nền kinh tế mắt lưới, nền kinh tế cộng tác, tiêu dùng hợp tác là một hệ thống kinh tế - xã hội được xây dựng dựa trên việc chia sẻ của con người và các nguồn lực vật chất.
Điều này bao gồm chia sẻ trong sự tạo lập, sản xuất, phân phối, thương mại và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ bởi các cá nhân, tổ chức khác nhau. Các hình thái này sử dụng sức mạnh của công nghệ thông tin để mang lại lợi ích cho các cá nhân, công ty, các tổ chức.
Mục đích của nền kinh tế chia sẻ chính là khi thông tin được chia sẻ, giá trị của điều chia sẻ sẽ tăng lên, cho cả cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng. Như vậy, kinh tế chia sẻ chính là sự kết hợp giữa sở hữu và chia sẻ, vai trò ngang hàng của các bên tham gia, nhằm gia tăng lợi ích cho các bên.
|
Kinh tế chia sẻ là xu hướng tất yếu |
Kinh tế chia sẻ là khi đôi bên cùng hưởng lợi
Theo Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng: Qua sự càn quét của các làn sóng COVID-19 gây ra trên toàn cầu và tại Việt Nam, tôi nhận thấy, có những yếu tố sau giúp cho doanh nghiệp cần nhìn nhận và vững tin hơn vào kinh tế chia sẻ:
(1) Là hành vi của người tiêu hóa thay đổi, từ sự sở hữu đến chia sẻ. Chia sẻ về kiến thức về hàng hóa phòng ngừa dịch bệnh;
(2) Là liên kết mạng lưới người tiêu dùng qua các mạng xã hội trực tuyến và các trang thương mại điện tử dễ dàng hơn;
(3) Các ứng dụng công nghệ thông tin qua thiết bị di động và dịch vụ điện tử giúp việc sử dụng và chia sẻ hàng hóa, dịch vụ thuận tiện hơn;
(4) Tình trạng ngăn sông cấm chợ ở một số địa phương nên việc mua bán online là cần thiết và dần trở thành thói quen.
Thông qua các trang thương mại điện tử, các website, các nền tảng trực tuyến, người tiêu dùng và người bán nhanh chóng “tìm được nhau”, tương tác và chia sẻ với nhau, tiết kiệm được thời gian, chi phí và công sức. Kết quả là, hiệu quả kinh doanh tăng lên và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi, thỏa mãn.
“Hiện tại, Viện Thực phẩm chức năng và Công ty Tư vấn Y Dược Quốc Tế (IMC) đang từng bước đổi mới, chuyển dịch và thực hiện theo mô hình kinh tế chia sẻ. Mô hình này cũng là xu hướng tất yếu trên thế giới. Tôi cho rằng, để sớm khắc phục khó khăn và phát triển bền vững trong đại dịch COVID-19 hay bất cứ đại dịch nào đi nữa, thay đổi để thích ứng là điều bắt buộc! Tôi tin chắc rằng, muốn thành công, không thể đi chệch đường ray của chuyển đổi số và mô hình kinh tế chia sẻ”, Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng nhấn mạnh.