Trước phiên xử phúc thẩm, các luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng đã sang Singapore thu thập thêm chứng cứ về việc mua ụ nổi 83M và gửi giá 1,666 USD là hành vi liên quan đến tội “Tham ô” mà Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị kết án tử hình. Liệu chứng cứ mới này có cứu được Dương Chí Dũng bước qua cửa tử?
Liên quan đến tình tiết “gửi giá” và “lại quả” của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, Luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho bị cáo Dũng cho biết: “Tại phiên tòa phúc thẩm, tôi sẽ cung cấp thêm một số chứng cứ để làm rõ có hay không việc bị cáo Dũng và Phúc bàn bạc với ông Goh- Giám đốc Cty AP Singapore về việc mua ụ nổi 83M và gửi giá 1,666 triệu USD.
Một trong những chứng cứ quan trọng là lời khai của ông Goh do tôi mới thu thập được tại Singapore (ông Goh tuyên thệ trước pháp luật và khai trước Công chứng viên, có xác nhận của Viện Pháp luật Singapore).
Tài liệu này đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự, tức là đã được công nhận và sử dụng tại Việt Nam”.
Luật sư Triển cũng cho hay, ông Goh đã khẳng định: “Chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp và gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc về việc bán ụ nổi 83M này… Trước khi tôi tham gia vào việc bán ụ nổi 83M thì Cty Global Success đã từng đàm phán với Vinalines…
Khi đàm phán đến chỗ bế tắc thì Cty Global Success đề nghị Cty AP làm trung gian giúp thực hiện giao dịch mua bán… Tôi cũng chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,666 triệu USD”.
Theo chúng tôi được biết thì nội dung khai báo trên cũng khá phù hợp với tài liệu thông qua tương trợ tư pháp xác minh tại Singapore trong quá trình điều tra vụ án, được thể hiện tại bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội.
Theo đó, Cty AP của ông Goh chỉ là bên trung gian, Cty này ký hợp đồng bán ụ nổi cho Vinalines theo chỉ định của Cty Globel Success của Nga và mức giá 9 triệu USD là do ông A.Prikhodko - đại diện của Cty Globel Success quyết định. Cty Globel Success đã đứng ra lo thủ tục, hướng dẫn ông Goh đến cơ quan đăng kiểm tàu biển của Cộng hòa Panama tại Nga để làm Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển, đáp ứng theo yêu cầu của Vinalines nhằm bán được ụ nổi.
Trước đó, giữa Cty AP và Cty Globel Success đã ký thỏa thuận về việc ăn chia ụ nổi theo mức Cty Globel Success được hưởng 4,334 triệu USD, chuyển cho một bên thứ ba “do Cty Globel Success chỉ định” 1,666 triệu USD bằng thư tín dụng.
Và sau khi nhận 9 triệu USD từ Vinalines, Cty AP đã được ông A.Prikhodko yêu cầu chuyển 1,666 triệu USD cho Cty Phú Hà (do em gái bị cáo Trần Hải Sơn làm chủ). Ông Goh không biết gì về Cty Phú Hà, nội dung giấy chuyển tiền thì được viết theo yêu cầu của Cty Globel Success…
Trong khi đó thì bị cáo Sơn luôn cho rằng, giữa Dũng, Phúc và ông Goh đã có thỏa thuận ngầm để tạo điều kiện cho Cty AP bán được ụ nổi 83M với giá cao và ông Goh phải chuyển số tiền lại quả cho Dũng, Phúc 1,666 triệu USD.
Trước lời khai này, một số luật sư đã đề nghị phải thực hiện tương trợ tư pháp với phía Nga để làm rõ vai trò dàn xếp của Cty Globel Success trong việc Vinalines mua ụ nổi 83M? Khoản tiền “lại quả” 1,666 triệu USD được Cty Globel Success chỉ định Cty AP chuyển về Việt Nam như thế nào? Liệu các luật sư có tiếp tục đề nghị này trong phiên tòa phúc thẩm bắt đầu từ hôm nay?
Hoãn xử một vụ liên quan đến hành vi tham ô của bị cáo Trần Hải Sơn
Hôm qua (21/4), TAND tỉnh Khánh Hòa đã hoãn phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ “tham ô” tại Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (đơn vị thành viên của TCty Hàng hải Việt Nam- Vinalines).
Trao đổi với Báo PLVN, ông Trần Hữu Viên, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Khánh Hòa cho hay, do bị cáo Sơn phải tham gia tố tụng trong phiên tòa phúc thẩm tại Hà Nội vào ngày 22/4 nên cơ quan chức năng không di lý bị cáo này vào Khánh Hòa để tiến hành phiên xử vào ngày 21/4 được nên phải hoãn phiên tòa này.
Được biết, trong vụ án tại Khánh Hòa, Sơn bị cáo buộc tội tham ô tài sản do có hành vi đã thông đồng với một số bị cáo trong việc ký hợp đồng sửa chữa ụ nổi 83M rồi tiến hành “gửi giá”, nâng khống khối lượng vật tư thi công để tham ô 3,6 tỷ đồng (riêng Sơn chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng).
Tại đại án Vinalines, Trần Hải Sơn đồng phạm với Dương Chí Dũng bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và 8 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu qủa nghiêm trọng”.