Nếu các nhà thầu viện một hay tất cả lý dó trên đều không thể thuyết phục, vì khi “A - B” đã đặt bút ký hợp đồng thì phải thực hiện. Sai thì phải phạt, phải cho dừng hợp đồng.
Khó “cán đích” giữa năm 2020?
Ít ngày sau khi diễn ra lễ ký cam kết phát động thi đua thi công, xây lắp công trình đường dây 500 kV mạch 3 tại Quảng Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - ông Trần Đình Nhân và ông Nguyễn Tuấn Tùng - Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã bay ngay vào Đà Nẵng gặp đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia thi công để điều hành dự án.
Tại đây, những khó khăn, tồn tại sau 9 tháng khởi công công trình đã được mổ xẻ. Đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung cũng thừa nhận, đến cuối tháng 9/2019, công trình này bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, vì thế dự kiến “cán đích”, đóng điện công trình vào giữa năm sau là điều hết sức khó khăn.
Cụ thể, tới thời điểm này, công tác bàn giao mặt bằng mới chỉ đạt hơn 85% so với kế hoạch. Công tác cung cấp cột thép của một số lô thầu cũng bàn giao chậm hơn so với nội dung cam kết, làm ảnh hưởng tới tiến độ dựng cột trên thực địa. Riêng phần thi công, đúc móng mới thực hiện xấp xỉ 77%...
Theo tìm hiểu của PLVN, khoảng 40% cột thép do Công ty CP Xây lắp điện 1 (PCC1) sản xuất có thể đảm bảo bàn giao đúng tiến độ, nhưng 60% khối lượng còn lại do một số nhà thầu khác sản xuất, cung cấp cũng đang có nguy cơ chậm trễ.
Điều đáng nói, trên hiện trường, có nơi vẫn có tình trạng một số nhà thầu xây lắp chưa chủ động tập trung lực lượng để phối hợp cùng với chủ đầu tư, các địa phương vận động bàn giao móng phục vụ thi công trong khi chờ phê duyệt phương án bồi thường. Thậm chí, có đơn vị sau khi nhận bàn giao mặt bằng vẫn chưa tập trung nhân lực, xe, máy… để phục vụ thi công, khiến tiến độ dự án rất “lai rai”.
Chủ đầu tư cần căn cứ điều khoản hợp đồng để xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng. |
Phải mạnh tay!
Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng thi công ì ạch tại một số vị trí trên tuyến đường dây 500 kV mạch 3 là do đơn giá định mức xây lắp ngành Điện đang tồn tại nhiều bất cập và lạc hậu dẫn tới giá thầu xây lắp thấp - khiến một số đơn vị sau khi trúng thầu, “vào trận” mới lâm cảnh “hụt hơi”, thiếu nguồn lực để triển khai…
“Có lời ít, nhà thầu ăn ít đi rồi dùng khoản đó bù vào khâu giải phóng mặt bằng thì may ra còn đảm bảo được tiến độ để mà lấy công làm lãi. Đằng này làm mà lỗ, mà dưới mức giá thành sản phẩm thì lấy gì để bù nên chuyện một số nhà thầu chậm tiến độ là điều có thể nhìn thấy trước”, đại diện một nhà thầu nói với PLVN.
Không những thế, thực trạng trên còn tác động “dây chuyền” tới các đơn vị xây lắp, khi một số doanh nghiệp gần đây do gặp khó về tài chính, lao động đã bỏ đi, dẫn tới thiếu hụt về nhân lực và không đủ người để bố trí các mũi thi công…
Rõ ràng, những bất cập về chính sách đơn giá, định mức là điều cần kiến nghị để tháo gỡ, sửa đổi dần. Nhưng với các nhà thầu, khi đã chấp nhận ký kết hợp đồng tham gia dự án với chủ đầu tư, thì phải có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ quy định về tiến độ, chất lượng không thể vì những lý do trên mà để “rùa bò” trên thực địa.
Để dứt điểm tình trạng này, chủ đầu tư cần mạnh tay hơn với các nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị như cắt chuyển khối lượng, phạt hợp đồng, thậm chí “bêu” tên và cấm đầu thầu các công trình liên quan nếu vi phạm, như cách làm của một số đại diện chủ đầu tư ngành Giao thông khi xử lý các nhà thầu tiêu cực, chậm tiến độ… tại các công trình dự án cầu, đường trọng điểm thuộc ngành này.