Đường dây 500kV - mấy mươi năm vẫn còn chuyện kể...

(PLO) - Đường dây 500kV Bắc Nam chuẩn bị bước vào năm thứ 25 thực hiện nhiệm vụ lịch sử: tải điện từ Bắc vào Nam. Những con người từng đặt nền móng làm nên kỳ tích thế kỷ 20 giờ chẳng còn nhiều… Nhưng những hồi ức về những ngày “rầm rập vào chiến dịch” thì chỉ cần nhắc một tiếng thôi, cả ngàn kỷ niệm, cảm xúc vẫn đong đầy, ùa về như vừa mới hôm qua.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trường đường dây 500kV đầu tiên của Việt Nam
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trường đường dây 500kV đầu tiên của Việt Nam

Bảy ngày tìm lời giải cho “bài toán” lịch sử

Nhắc tới đường dây 500kV mạch 1 là nhắc đến Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải, Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long - cố vấn công trình và Kỹ sư Trần Viết Ngãi - Phó Ban Chỉ huy Công trình đường dây 500kV, người dày dặn kinh nghiệm “trận mạc” khi lãnh trách nhiệm thi công đoạn tuyến “xương” nhất của công trình. 

Dù đã hơn 20 năm, nhưng những ký ức về những ngày lịch sử ấy vẫn vẹn nguyên trong đầu ông Ngãi - “sếp” trẻ nhất thời ấy nhưng lại bị… phân công nhiệm vụ khó “nhằn” nhất trong quá trình thực hiện công trình lịch sử. 

Còn nhớ, những năm đầu thập niên 1990, miền Nam thiếu điện trầm trọng, cứ 1 ngày có điện thì sẽ bị “cúp” 2 - 3 ngày sau đó. Điện thiếu đến mức dù có cũng không đủ để các gia đình đồng loạt thắp sáng... 1 bóng đèn chứ chưa nói đến những điều to tát.

Làm cách nào để miền Nam không “đói” điện, để đảm bảo thực hiện được công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội là trăn trở của Bộ Chính trị lúc bấy giờ. 

Nói chuyện với PLVN, ông Ngãi nhớ như in, hồi Tết Mậu Thân (1991), tại Công ty Điện lực 2 (TP. Hồ Chí Minh), Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy đã tổ chức gặp một số lãnh đạo Bộ Năng lượng và một số cán bộ chủ chốt để đặt vấn đề tìm cách đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam. 

Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải ngay thời điểm ấy đã trả lời, trên thế giới đã dùng các đường dây siêu cao áp 400 kV nhưng chỉ truyền tải điện được trong khoảng 700 km. Còn ở Việt Nam, dự kiến đi từ Bắc vào Nam, đường dây sẽ kéo dài khoảng 1.500km, chỉ có thể tải bằng đường dây 500kV.

Sau đó, Bộ trưởng Hải xin phép Thủ tướng cho ông 1 tuần để nghiên cứu, rồi chính thức báo cáo trả lời. Bảy ngày sau đó, một nhóm bao gồm Giám đốc các công ty xây lắp điện được Bộ trưởng Hải triệu tập đến để bàn bạc  thực hiện đường dây 500kV Bắc - Nam. Cũng trong thời gian đó, cả nhóm đã tìm kiếm được đơn vị tư vấn giỏi về các công trình tương tự, đó là Công ty Tư vấn PPI (Úc) có tiếng trong lĩnh vực tư vấn đường dây siêu cao áp. 

Ngay lập tức, nhóm nghiên cứu kết nối với PPI, với đề nghị giải đáp câu hỏi có thể triển khai, vận hành đường dây 500kV trong điều kiện của Việt Nam? Và một câu trả lời đầy mong đợi đã được đưa ra là: Có! Thế là không lâu sau, Công hàm mời PPI sang làm việc đã được phía Việt Nam gửi đi.

Kết quả, khi xem bản đồ 1/1000 của dải đất hình chữ S, PPI có liền 3 phương án cho đường dây siêu cao áp đầu tiên của Việt Nam: đi trên núi, đi đồng bằng hoặc đi ven đường bờ biển. 

Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, việc thi công đường dây 500kV ngày ấy phải dùng nhiều sức người
Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, việc thi công đường dây 500kV ngày ấy phải dùng nhiều sức người

Mệnh lệnh “không tưởng”: thực hiện trong... 2 năm!

Sau rất nhiều tính toán kĩ lưởng, cuối cùng phương án đi trên núi đã được lựa chọn, dù biết chiều dài có thể lớn hơn, thi công có phức tạp hơn nhưng điều quan trọng là không gây ảnh hưởng đến đất đai, sản xuất nông nghiệp của người dân, mặt khác chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cũng tiết kiệm đáng kể. 

Tổ nghiên cứu đã báo cáo Thủ tướng Võ Văn Kiệt về tính khả thi thực hiện đường dây 500kV. Tuy nhiên, điều mà không ai dám nghĩ đến ở thời điểm ấy là việc Thủ tướng đề nghị thi công công trình chỉ trong vòng... 2 năm, trong khi trên thế giới, những đường dây tương tự, với chiều dài bằng  nửa của Việt Nam mà phải mất tới 7 - 8 năm trời.

 “Thời điểm đó, nghe Thủ tướng nói như vậy không ai dám có ý kiến gì, dù tất cả mọi người đều biết, làm trong 2 năm là điều không tưởng”, ông Trần Viết Ngãi hồi ức chuyện mấy mươi năm trước.

Cũng theo ông kỹ sư, lúc đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã láy đi láy lại rằng, miền Nam thiếu điện 1 giờ thì đất nước mất hàng trăm tỉ; thiếu điện 1 ngày mất hàng ngàn tỉ; thiếu một năm thì Việt Nam sẽ mất biết bao nhiêu tiền... Và tất cả dường như đều hiểu được nỗi trăn trở đó.

 “Tôi tính từng giờ, từng phút đấy chứ không phải tính bằng đơn vị năm nên các anh phải làm được, tôi cho phép huy động toàn dân”, ông Ngãi nhắc lại lời Thủ tướng và hiểu đó như một mệnh lệnh khiến ai cũng phải nghĩ cách để thực hiện được đường dây chỉ trong 2 năm. 

Đến  khi, mọi công tác chuẩn bị tưởng như đã ổn, thì ít ai ngờ rằng, sau đó, trong nhiều cuộc họp, thành viên Bộ Chính trị và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có ý kiến phản đối. Thậm chí, có nhà khoa học, giáo sư người Việt đang công tác ở nước ngoài có thư gửi về Bộ Chính trị để phản đối.

Ông Ngãi kể lại, ngày đó, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn đã biên thư từ Pháp về với ý không đồng tình xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam, vì cho rằng: Đường dây này có chiều dài 1/4 bước sóng dẫn tới cuối đường dây, điện áp không ổn định,  không vận hành được; đường dây triển khai trên một không gian quá dài, đa phần đi qua đồi núi thì khó mà an toàn; lý do cuối cùng theo vị này là thời gian thi công 2 năm là quá ít, không thể hoàn thành, kèm theo dẫn chứng trên thế giới chưa có quốc gia nào làm được với tốc độ “chóng mặt” như thế.

Những lập luận của ông Giáo sư ở Pháp đã được Công ty PPI hóa giải, nhưng nhiều thành viên của Bộ Chính trị khi ấy vẫn lo lắng trước những lý lẽ này. Thậm chí, trong một số cuộc họp sau đó cùng còn nhiều ý kiến khác nhau về tính khả thi dự án. Tới mức, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phải cứng rắn tuyên bố rằng: “Ai đồng tình đứng vào hàng ngũ sẽ cùng đi, ai không đồng tình thì đứng ra ngoài, không được gây cản trở”.

Liên kết hệ thống điện 3 miền thành một khối thống nhất

Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 là công trình đường dây truyền tải điện năng (điện xoay chiều) siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam có tổng chiều dài 1.487 km, kéo dài từ Hòa Bình đến TP.Hồ Chí Minh. 

Mục tiêu xây dựng công trình là nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa từ  miền Bắc  (cụm các Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà; Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình) để cung cấp cho miền Nam  và miền Trung  lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ của ba miền thành một khối thống nhất.

Đọc thêm