Đường dây nóng về ô nhiễm môi trường tại các địa phương hoạt động thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tổng cục Môi trường và 100% các địa phương trên cả nước đã thiết lập đường dây nóng về ô nhiễm môi trường, tuy nhiên lại chưa đảm bảo tính đồng bộ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, từ khi được thiết lập đến hết tháng 6 năm 2021, đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của Tổng cục Môi trường và của Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiếp nhận 4.149 thông tin từ các tổ chức, cá nhân phản ánh đối với 3.918 vụ việc về ô nhiễm môi trường.

Đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại Trung ương và địa phương đã tiến hành xác minh đối với 3.843/3.918 vụ việc (chiếm tỷ lệ 98%); xử lý 3.675/3.918 vụ việc (chiếm tỷ lệ 93%) và thực hiện phản hồi thông tin 3.328/3.918 vụ việc (chiếm tỷ lệ 85%).

Kể từ khi đi vào hoạt động, hệ thống đường dây nóng trở thành kênh thông tin hữu ích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phản ánh kịp thời về các hành vi gây ô nhiễm môi trường, các điểm “nóng” môi trường trên địa bàn đến các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nắm bắt, phát hiện kịp thời các vấn đề, điểm nóng về môi trường để có giải pháp xử lý các hành vi, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các điểm “nóng” về môi trường phát sinh trên địa bàn. Từ đó, huy động được sự quan tâm, vào cuộc, tạo bước chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp, từ trung ương đến địa phương; phát huy hơn nữa vai trò người dân đối với công tác bảo vệ môi trường, nhất là các vấn đề môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân như rác thải, nước thải, khí thải, tiếng ồn.

Qua công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý các vụ việc ô nhiễm môi trường được phản ánh thông qua đường dây nóng và qua phương tiện truyền thông, báo chí, ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên.

Tỷ lệ các vụ việc được xác minh, xử lý tăng dần theo thời gian, cụ thể: năm 2018, tỷ lệ vụ việc được xác minh là 54%, xử lý 43%; đến năm 2020, tỷ lệ này đã được nâng lên lần lượt là 79% và 71%; đến nay tỷ lệ vụ việc được xác minh đạt 98%​, xử lý là 93%.

Bên cạnh đó, hoạt động của đường dây nóng cũng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở, hộ gia đình sản xuất được phản ánh qua đường dây nóng (tỷ lệ các vụ việc được phản ánh và phản ánh nhiều lần qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường giảm dần theo các năm).

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc tổ chức thực hiện đường dây nóng còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Việc thiết lập đường dây nóng tại các địa phương chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đầu mối. Do vậy, cần thiết phải thực hiện tiếp tục kiện toàn, mở rộng phạm vi hoạt động của đường dây nóng tối thiểu đến cấp huyện.

Căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, có thể thiết lập đường dây nóng đến cấp xã; nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động, vận hành đường dây nóng (Thống nhất cách thức, trình tự thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng. Bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện, thiết bị và kinh phí thường xuyên để phục vụ hoạt động của đường dây nóng, đảm bảo tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng thông suốt, thống nhất và hiệu quả).

Đọc thêm