Đường đi của hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tinh vi hơn

0:00 / 0:00
0:00
Các hành vi lưu thông hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng tinh vi và khó nhận biết. Điều này đòi hỏi việc phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp (DN) - chủ sở hữu thương hiệu và lực lượng quản lý thị trường (QLTT) để công tác kiểm tra hàng hóa vi phạm thuận lợi hơn...
Hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. (Nguồn: https://cand.com.vn)
Hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. (Nguồn: https://cand.com.vn)

Tiếp tục diễn biến phức tạp

Báo cáo mới nhất của Tổng cục QLTT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cơ bản đã được kiểm soát do các lực lượng chức năng hai bên biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong thị trường nội địa, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền (HXPQ) SHTT, hàng không rõ nguồn gốc... vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Đáng chú ý, hàng giả, HXPQ SHTT không bày bán tràn lan như trước đây mà hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc tại nhà riêng, sau đó các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh. Sau đó hàng hóa được vận chuyển qua các công ty bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận tay người tiêu dùng (NTD).

Theo đại diện chủ thể quyền của Abbott tại Việt Nam, việc buôn bán hàng giả, HXPQ SHTT các nhãn hiệu của Abbott tại Việt Nam thật sự tinh vi. Thay vì buôn bán tại các thành phố lớn, hiện nay, các sản phẩm xâm phạm được đưa về tiêu thụ tại khu vực nông thôn, các tỉnh, thành nhỏ. Các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng vi phạm thường đưa hàng về các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ; hoặc bán hàng thông qua các sàn TMĐT; các kênh mạng xã hội, trang thông tin như facebook, zalo, icheck.vn...

Trong thời gian qua, Abbott đã chủ động phối hợp với các sàn TMĐT để rà soát và tháo gỡ các đường dẫn có chứa sản phẩm xâm phạm, giả mạo. Trong quý I/2023, đại diện của Abbott tại Việt Nam đã gửi 105 thư khuyến cáo đến các DN, công ty sản xuất sữa giả mạo, xâm phạm và đã loại bỏ được 179 dòng sản phẩm xâm phạm, giả mạo.

“Những nỗ lực của chúng tôi đã góp phần ngăn chặn nhiều danh mục sản phẩm bị làm giả, xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu của Abbott. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ” - đại diện chủ thể quyền Abbott tại Việt Nam khẳng định và kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của lực lượng QLTT trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, HXPQ SHTT, nhất là đối với các thương hiệu, sản phẩm của các DN nước ngoài đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Sẽ xử lý dứt điểm các tụ điểm, địa bàn vi phạm nổi cộm

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Nguyễn Thanh Bình cho biết, phòng, chống và ngăn chặn hàng giả, HXPQ SHTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT trong những năm qua và công tác này tiếp tục là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của lực lượng trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới.

Tổng cục QLTT đã ban hành Quyết định 888/QĐ-TCQLTT từ tháng 3/2021 về việc thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và HXPQ SHTT giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, Kế hoạch này đã mang lại nhiều kết quả, góp phần vào thành công chung của công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả, HXPQ SHTT.

Phó Tổng cục trưởng Bình khẳng định, lực lượng QLTT cả nước sẽ tiếp tục tập trung và xử lý dứt điểm các tụ điểm, địa bàn vi phạm nổi cộm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; giao trách nhiệm quản lý địa bàn đến từng vị trí công chức, lãnh đạo để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả, HXPQ SHTT.

Bên cạnh công tác tăng cường kiểm tra các vi phạm trên thị trường, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, Tổng cục vẫn tiếp tục việc xây dựng và hoàn thiện các đề án, kế hoạch để thực hiện các công tác chuyên môn, nghiệp vụ thuận lợi hơn. Tổng cục đang dự thảo Kế hoạch triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ NTD trên TMĐT đến năm 2025 sau khi Đề án được Chính phủ phê duyệt vào ngày 29/3/2023 và Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1450/QĐ-BCT ngày 16/6/2023 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án. Song song với đó, Tổng cục QLTT cũng đã và đang gấp rút hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ Đề án nâng cao năng lực của cơ quan QLTT trong xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính...

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục QLTT cho rằng, việc phòng, chống hàng giả, đặc biệt là HXPQ SHTT, lực lượng QLTT không thể làm một mình mà cần sự đồng hành của DN. DN cần phải chủ động, ít nhất trong việc có bộ hồ sơ phân biệt hàng thật - hàng giả để vừa giúp NTD nhận diện được hàng hóa vừa có cơ sở thực hiện kiểm tra cho lực lượng QLTT.