Đường gian nan đến giải quán quân “Hành trình khởi nghiệp”

(PLO) - Để chạm tay đến giải quán quân cuộc thi “Hành trình khởi nghiệp 2017”, chàng trai trẻ Đinh Văn Lương (SN 1991) đã biết bao lần nếm mùi thất bại. 
Busship giành giải nhất cuộc thi Hành trình khởi nghiệp 2017
Busship giành giải nhất cuộc thi Hành trình khởi nghiệp 2017

Đạp xe xuyên Việt tìm trải nghiệm

Lương kể là con trai cả trong gia đình thuần nông ở huyện Quốc Oai, từ lúc đặt chân xuống Hà Nội theo học chuyên ngành công nghệ thông tin, trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, nam sinh viên phải làm thêm nhiều công việc để phần nào tự trang trải cuộc sống.

Tự ý thức xuất phát điểm thấp nên Lương luôn nỗ lực, và luôn tìm cơ hội trải nghiệm. Năm 2011, khi đang là sinh viên năm nhất, chàng trai đem hết 3 triệu đồng tiền làm thêm có được “đầu tư” chuyến đạp xe xuyên Việt.

Có lẽ vì sở thích đạp xe mà Lương gắn bó với công việc làm thêm shipper suốt mấy năm đại học. Hàng ngày giao hàng cho vài chủ cửa hàng, về sau có thêm nhiều mối, Lương kêu gọi bạn bè thành lập đội đạp xe chuyên giao hàng. Sau khi tốt nghiệp, Lương sắm chiếc xe máy cà tàng làm “ship ruột” cho một chủ cửa hàng kinh doanh sữa. 

Gắn bó hơn năm, Lương trăn trở tìm hướng đi mới, xin nghỉ việc, rủ thêm ba người bạn nữa xuyên Việt, lần này bằng xe máy, mục đích thật đơn giản: “Tôi muốn đi các nơi để mở rộng hiểu biết, xem người dân các vùng miền sống thế nào, dự định sau khi trở về làm điều gì đó”. Chuyến đi 1 tháng “ngốn” sạch 10 triệu đồng anh tiết kiệm được.

Trở về Hà Nội, Lương nộp hồ sơ vào một công ty cung cấp dịch vụ sinh trắc vân tay (dựa vào vân tay dự báo thế mạnh mỗi người). Sau 4 tháng thử nghiệm, cả nhân viên lẫn sếp bế tắc: Khách hàng ít, doanh thu vụn vặt. Cả hai quyết định góp vốn mỗi người 10 triệu thử nghiệm bán hàng online, bán từ vòng tay bằng đá, quần áo, linh kiện điện tử… đều “không ăn thua”.

Chàng trai trẻ tiếp tục chuyển sang làm bánh sinh nhật. Lợi nhuận khá hơn song việc giao hàng quá vất vả. Phần lớn shipper từ chối vận chuyển do bánh dễ rơi vỡ. Chính “ông chủ” phải tự chạy xe đi giao hàng. Nhận thấy nhu cầu shipper cao, Lương chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng. Tháng 3/2016, đội “Bồ câu ship” của công ty Comeback ra đời, sau đó đổi tên thành đội “giao vận tận tâm”.

Gần nửa năm hoạt động, Lương nhận thấy mọi người làm việc cật lực nhưng doanh thu chẳng đáng bao nhiêu. Khách hàng thường xuyên phàn nàn về sự chậm trễ bởi nhân viên phải gom nhiều đơn rồi đi giao, một người phụ trách nhiều quận, huyện là quá rộng. Chưa kể trong quá trình giao nhận tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thất lạc đơn hàng, ghi chép nhầm lẫn, đối soát đơn hàng mất nhiều thời gian.

Mô hình vận chuyển như xe buýt 

Lương cùng đồng nghiệp lại họp bàn, nhận định nếu không thay đổi buộc phải phá sản. Họ đặt mục tiêu rút ngắn quãng đường di chuyển của shipper, giảm giá thành tối đa, quyết định ứng dụng khoa học công nghệ cải tiến mô hình giao hàng truyền thống.

Mô hình mới được cho là tiết kiệm 30% chi phí so với giao nhận nhận hàng truyền thống
Mô hình mới được cho là tiết kiệm 30% chi phí so với giao nhận nhận hàng truyền thống

“Thời sinh viên, tôi thường đi xe buýt nên nghĩ rằng tại sao không áp dụng mô hình vận chuyển như xe buýt. Hàng hóa như hành khách, gần điểm nhận nào thì xuống trạm gần đó. Tôi nghĩ ra mô hình Busship. Cũng có ý kiến nên lập các kho hàng ở nhiều vị trí khác nhau nhưng mới khởi nghiệp, lấy tiền đâu để đầu tư? Kho hàng lưu động tiết kiệm hơn rất nhiều”, Lương chia sẻ.

Muốn thay thế hoàn toàn bằng công nghệ phải có phần mềm riêng, website riêng, chưa tính chi phí thuê nhân sự, số tiền rất lớn. Lương làm theo kiểu “con nhà nghèo”, nhờ người quen viết hộ phần mềm mobile, thiết kế website rồi tự cải tiến dần.

Để hoàn thành dự án mất khoảng 200 triệu. Vay mượn tứ tung mới được gần 100 triệu góp vốn. Đó là chưa tính tiền công của nhóm cộng sự bỏ ra, hơn nửa năm nay mọi người làm việc không lương.

Sau 3 tháng chuẩn bị, đến tháng 8/2017, ứng dụng giao nhận hàng điện tử Busship khai trương. Chàng sinh viên nghèo năm xưa nay là Giám đốc điều hành giới thiệu, liên tục trong ngày, kho hàng lưu động di chuyển một vòng tròn quanh Hà Nội. Tại 12 quận trung tâm đều có các shipper phụ trách. Họ nhận hàng từ kho, chuyển đến khách hàng trong khu vực của mình và ngược lại. 

Phương thức giao nhận kiểu mới không cần giấy tờ viết tay, shipper được cập nhật tình trạng đơn hàng liên tục như thay đổi địa điểm, người nhận. Thời gian giao hàng của chỉ từ 2-6 tiếng. Toàn bộ quy trình vận hành đều thực hiện qua phần mềm và điều phối ở trụ sở. Nhờ ứng dụng công nghệ, Busship mỗi ngày giao nhận từ 200- 300 đơn hàng chỉ với tất cả 14 người.

Cách sử dụng cũng hết sức đơn giản. Người dùng chỉ cần tạo tài khoản trên website rồi đăng nhập, điền thông tin điểm nhận, điểm trả hàng kèm các ghi chú như số tiền thu hộ. Hiện Busship tính phí đồng giá với tất cả mặt hàng là 20 ngàn đồng/đơn dưới 5kg, tiết kiệm 30% chi phí so với giao nhận nhận hàng truyền thống.

“Đi chậm mà chắc”

Thời gian đầu đưa vào ứng dụng, Lương cùng đồng nghiệp phải chia nhau đến gặp từng khách hàng vận động, hướng dẫn cách sử dụng. Lương quan điểm khởi nghiệp theo hướng bền vững chứ không phát triển nóng, chụp giật. Với năng lực hiện tại, công ty chọn giải pháp “đi chậm mà chắc”, chưa dám mở rộng mô hình bởi nếu phục vụ không tốt sẽ đánh mất thương hiệu.

Vẫn đầu tư theo kiểu “con nhà nghèo”, Lương cho hay dành 60% lợi nhuận chi trả lương, thưởng nhân viên. 40% còn lại đưa vào tái đầu tư cải tiến công nghệ tối ưu hóa chức năng, mua sắm thùng hàng, túi xách chuyên biệt để nhận dạng thương hiệu. 

Về nhân sự, Lương quan niệm văn hóa ứng xử là chìa khóa để một shipper thành công. Nội quy công ty không cho phép nhân viên nói tục. Chú trọng đạo đức nên ngay từ khâu tuyển chọn, Busship đặt ra 3 tiêu chí cơ bản: Sức khỏe tốt, nhân thân rõ ràng, thái độ giao tiếp tốt.

Nhân viên được đào tạo hướng tới nâng cao năng lực, kỹ năng giao hàng. Chẳng hạn shipper cần biết địa điểm giao hàng là tòa nhà hành chính hay khu dân cư. Nếu tòa nhà công sở cần ưu tiên giao trước trong giờ hành chính nhằm hạn chế lãng phí thời gian của khách. Để tăng cường bổ trợ kĩ năng lẫn nhau, mỗi buổi sáng Lương dành 30 phút họp giao ban để mọi người chia sẻ khó khăn và cùng nhau tháo gỡ. 

Trở lại giải nhất cuộc thi “Hành trình khởi nghiệp 2017”, Lương tâm sự điều quý giá nhất là lời góp ý của các chuyên gia trong ban giám khảo. Ngay sau cuộc thi, một nhà đầu tư đã liên hệ đề nghị hợp tác. Anh cho hay đang cân nhắc trước đề nghị này và tự tin: “Nếu có vốn, hoàn toàn có thể nhân rộng mô hình ra toàn quốc”.

Cuộc thi “Hành trình khởi nghiệp - Startup Journey 2017” dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học & Công nghệ có 7 ý tưởng lựa chọn từ hơn 100 ý tưởng tham gia. Đại diện ban giám khảo cho biết, cuộc thi là bước khởi đầu giúp các thí sinh thể hiện khả năng và ý tưởng nhằm hiện thực hoá sản phẩm phục vụ xã hội.

Đọc thêm