Đường Hồ Chí Minh trên biển - Con đường bất tử

(PLVN) - Để vận chuyển, bảo vệ và giao vũ khí thành công, các chiến sĩ trên tàu không số đã vô cùng mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này. Những sự tích anh hùng, những huyền thoại của Đoàn tàu không số, xâu chuỗi thành con đường bất tử - Đường Hồ Chí Minh trên biển, mãi mãi lưu truyền trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Bảo vật quốc gia HQ 671 thời kháng chiến chống Mỹ mang số hiệu 641.

Bảo vật quốc gia HQ 671 thời kháng chiến chống Mỹ mang số hiệu 641.

Chiến thắng từ lòng quả cảm

Đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng Khởi Bến Tre, cách mạng của các tỉnh Đồng bằng Nam bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào Đồng Khởi rộng khắp. Yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng vận chuyển vũ khí, hàng hóa để chi viện cho chiến trường Nam bộ. Lúc này, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn đã mở và hoạt động có hiệu quả nhưng chưa vươn tới các địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng.

Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP do Thứ trưởng Hoàng Văn Thái ký thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, do đồng chí Đoàn Hồng Phước làm đoàn trưởng.

Từ những con tàu vỏ gỗ, sức chở dưới 30 tấn, sau hơn 3 năm, đã có hơn 20 tàu có trọng tải từ 50 đến 150 tấn tham gia vào tuyến chi viện quan trọng này. Đến tháng 2/1965, đã có 89 chuyến tàu, vận chuyển được gần 5.000 tấn hàng hóa, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Đây là con số hết sức ý nghĩa, bởi để vận chuyển được 100 tấn hàng hóa vào đến chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long theo cách thức gùi thồ bằng đường bộ trên tuyến Trường Sơn thì phải cần tới 4.500 người, trong điều kiện thời tiết thuận lợi và đi liên tục trong hai tháng, kèm theo một khối lượng lương thực, thực phẩm bảo đảm cho từng ấy con người trong thời gian vận chuyển, chưa kể những hao hụt trên đường vận tải. Trong khi vận chuyển đường biển thường khoảng một tuần với tối đa 20 người, tỷ lệ hao hụt dưới 7%, rất thấp so với đường bộ.

Vận tải biển thành công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi không chỉ đơn thuần vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam mà còn mang lại niềm tin, động viên tinh thần chiến đấu cho quân và dân ở chiến trường nằm sâu trong vùng địch kiểm soát.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã phải vượt qua hàng chục cơn bão lớn, hàng trăm cuộc vây ráp của quân thù, đã khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chiến đấu 30 lần với tàu địch, hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ và ngụy quân Sài Gòn. Khi tình huống hiểm nghèo thì sẵn sàng hy sinh, hủy tàu, hủy hàng để bảo vệ bí mật. Bằng quyết tâm sắt đá, ý chí kiên cường, mưu trí, sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã vượt lên gian khổ, khắc phục khó khăn, dũng cảm, táo bạo vượt qua sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mỗi chuyến đi của tàu thường kéo dài hàng tháng, vượt hàng ngàn hải lý, thời tiết mưa bão thất thường, sóng to, gió lớn, địch kiểm soát gắt gao. Chiến thắng của những người lính và những con tàu được khắc ghi sau những trận chiến khốc liệt. Nhiều lần địch cho máy bay, tàu chiến khiêu khích ở hải phận quốc tế, do đó có chuyến tàu C154 phải vòng qua vùng biển Philippines, Indonesia để đánh lừa và tìm cách tránh địch.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tập thể tàu C43 đã 2 lần chiến đấu anh dũng nhiều giờ liền với máy bay và tàu chiến địch trong tình thế không cân sức, nhưng cả 2 lần đã thắng lớn. Tại trận chiến đấu lần thứ nhất (tháng 3/1967) tàu đã diệt gọn 3 hải thuyền ngụy, bắn bị thương 1 tàu Mỹ. Lần 2 (tháng 3/1968), đã bắn rơi 3 máy bay HVIA; bắn chìm 1 tàu cao tốc, bắn bị thương 2 chiếc khác; tàu được phá hủy để bảo đảm bí mật con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngày 1/3/1968, tàu C165 gặp 8 tàu địch bao vây, chúng gọi loa yêu cầu ta đầu hàng. Cán bộ, chiến sĩ tàu C165 đã bình tĩnh xử lý, không thuyết phục được ta, tàu địch liền nổ súng kết hợp với máy bay oanh tạc từ trên không. Trong tình thế hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ vẫn bình tĩnh điều khiển tàu luồn lách tránh đạn và đánh trả địch quyết liệt. Nhưng do lực lượng 2 bên không cân sức, tàu C165 bị trúng đạn không cơ động được. Trước tình hình đó anh em đã tranh thủ bốc hàng thả xuống biển và điểm hỏa mìn phá hủy tàu, không để tàu và hàng rơi vào tay quân thù. 18 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh cùng tàu C165 tại vùng biển Cà Mau.

Bảo vật quốc gia hai lần Anh hùng

Bảo vật quốc gia - tàu HQ 671 (tải trọng 50 tấn) do Trung Quốc sản xuất và viện trợ cho Việt Nam từ năm 1964 là con tàu duy nhất còn lại của Đoàn tàu không số. Đầu năm 1967, tàu mang số hiệu C41. Tháng 7/1971, tàu mang số hiệu 641 và đến năm 1980, tàu mang số hiệu HQ 671. Tàu 41 được biên chế về Đoàn 125 năm 1962. Từ tháng 11/1962 đến tháng 4/1970, tàu 41 đi được 15 chuyến, chở 530 tấn hàng an toàn. Tàu nhiều lần vượt qua khó khăn, nguy hiểm, đúc rút được nhiều kinh nghiệm để phổ biến chung trong toàn Đoàn.

Tiêu biểu như chuyến đi đầu tiên ngày 11/10/1962, tàu 41 dùng thuyền gỗ có buồm, gắn máy vận chuyển hơn 28 tấn vũ khí vào Cà Mau. Gặp gió mùa Đông Bắc, dù phải vật lộn với sóng to, gió lớn, nhiều lần gặp địch nhưng anh em vẫn bình tĩnh đánh lừa địch, đưa hàng đến bến an toàn. Chuyến đi đầu tiên thành công đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn Đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đêm 26/9/1963, tàu gỗ mang số hiệu 41 do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Đặng Văn Thanh là chính trị viên cùng 11 thủy thủ, chở 18 tấn vũ khí xuất phát tại cảng Bính Động (Hải Phòng). Để giữ bí mật tàu phải đi trong mưa bão để tránh tàu tuần tiễu, tuần tra của địch; khi tàu tới khu vực đảo Phú Quý thì chuyển hướng vào bến, khó khăn lúc này là chưa bắt được liên lạc với ban phụ trách bến theo kế hoạch; trời sắp sáng, thủy triều bắt đầu xuống, trên đường vào bến tàu bị mắc cạn gần đồn Phước Hải của địch, lại đúng lúc chúng đang càn quét ở vùng này.

Trong lúc nguy cấp, ban phụ trách bến yêu cầu cho phá hủy tàu ngay trong đêm; song cán bộ, chiến sĩ tàu 41 đã hạ quyết tâm không phá tàu. Tuy tàu mắc cạn gần địch nhưng chưa bị lộ và đề nghị lực lượng ở bến cùng với cán bộ, chiến sĩ trên tàu nhanh chóng bốc dỡ vũ khí đưa vào bờ. Sự bình tĩnh, mưu trí, gan dạ và linh hoạt trong xử lý tình huống trước kẻ thù, do đó đã giữ được bí mật tuyệt đối của chuyến đi quan trọng này và chuyến đi mở đường, mở bến chi viện vũ khí cho Khu VII vào Bà Rịa thành công.

Năm 1964, để thực hiện chuyến đi vào Vũng Rô, Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 chọn tàu 41. Đây là chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên của Đoàn 125 đi vào Khu V, gồm 16 cán bộ, thủy thủ do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy. Ngày 16/11/1964, tàu 41 chở 45 tấn vũ khí rời bến Bãi Cháy (Hòn Gai, Quảng Ninh); tàu đi được hơn một ngày thì gặp gió mùa Đông Bắc, Sở Chỉ huy chỉ thị cho tàu dừng lại ở đảo Hải Nam (thường gọi là A3) chờ lệnh. Ngày 26/11, tàu được lệnh tiếp tục hành trình, đến 23 giờ ngày 28/11, tàu cập bến Vũng Rô, sau chuyến thứ nhất tàu 41 được lệnh vào Vũng Rô lần thứ 2, lần thứ 3. Cả 3 chuyến vận chuyển đều thắng lợi, an toàn.

Khi tham gia Đoàn tàu không số thực hiện nhiệm vụ vận tải trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, tàu HQ 671 đã đi 20 chuyến, vận chuyển gần 400 tấn vũ khí, hàng hóa và đưa đón cán bộ cách mạng đến các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, góp phần chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 11/1/1973, tàu 41 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (LLVTND) lần thứ nhất.

Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tàu 41 được bổ sung cho Vùng 4 Hải quân với tên mới là HQ 671, tiếp tục làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho các đơn vị đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Trong chiến dịch CQ88, tàu HQ 671 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 10/1978, tàu nhận lệnh đi tìm kiếm 7 cán bộ, chiến sĩ của đảo Phan Vinh trong khi đang làm nhiệm vụ bị sóng biển làm trôi dạt. Sau 8 ngày đêm tàu đã tìm cứu được cả 7 người và đưa về đất liền an toàn.

Đầu năm 1988, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 671 tiếp tục tham gia bảo vệ đảo Đá Lớn. Ngày 14/3/1988, khi xảy ra sự kiện ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu quân sự HQ 671 đã vượt qua sự ngăn chặn, uy hiếp của đối phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cán bộ, chiến sĩ ở các tàu của ta bị tàu chiến nước ngoài bắn chìm.

Ngày 6/1/1989, tàu HQ 671 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ hai. Tàu có 8 cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Tàu HQ 671 là tàu Không số duy nhất còn lại, đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Hải quân.

Từ 38 cán bộ, chiến sĩ và 5 chiếc thuyền gỗ thô sơ đầu tiên, lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường biển chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển ngày càng được tăng cường. Trong 14 năm (1961-1975), chúng ta đã huy động 1.879 lượt tàu, thuyền, vượt 4 triệu hải lý, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, hàng hóa và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam. Để làm nên chiến công đó, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã kiên trì thực hiện phương châm “nhanh, nhiều, táo bạo, thận trọng, bí mật, an toàn”.

Đọc thêm