Đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên tiếp tục “trễ hẹn”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo tính toán, kế hoạch hoàn thành công tác thi công dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên vào cuối 2021 và đưa vào vận hành trong năm 2022 gần như không còn khả thi.
Dự án vẫn khó có thể phục hồi thi công ngay dù tình hình dịch bệnh đã về trạng thái bình thường mới.
Dự án vẫn khó có thể phục hồi thi công ngay dù tình hình dịch bệnh đã về trạng thái bình thường mới.

Ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19

Theo báo cáo của UBND TP HCM, do những diễn biến khó lường của dịch COVID-19 thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công dự án. Cụ thể, do triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhân sự tham gia thi công tại công trường giảm mạnh, đặc biệt trong quý II và III, nhất là với các chuyên gia nước ngoài.

Việc không thể làm việc trực tiếp với các nhà tài trợ và đối tác nước ngoài phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc, kéo dài thời gian thảo luận giải quyết các vấn đề, đặc biệt công tác thu xếp vốn đầu tư… Các khó khăn về nhân lực thi công tại chỗ, các biện pháp hạn chế di chuyển để phòng chống dịch… nên dự án chỉ có thể thi công các hạng mục trong tình trạng cầm chừng.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi các nhà thầu đệ trình các khiếu nại liên quan đến dịch bệnh như đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành và bổ sung các chi phí phát sinh do dịch bệnh. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt về nguồn nhân lực, cung cấp vật tư; hủy đặt tàu, lưu kho và bảo dưỡng phát sinh cho đoàn tàu đầu tiên tại Kasado.

Để duy trì công trường, nguồn nhân lực tại chỗ, phải ứng chi phí nguyên vật liệu, thiết bị từ nguồn tài chính của các nhà thầu trong bối cảnh không thể triển khai thi công bình thường, không thể tăng tốc cho dự án dẫn đến khó khăn trong công tác phục hồi thi công ngay lập tức sau khi tình hình dịch bệnh được ổn định và tiến hành trạng thái bình thường mới.

Với các khó khăn nêu trên, TP HCM nhận định, việc hoàn thành thi công dự án trong 2021, đưa vào vận hành khai thác đầu 2022 khó có thể khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Xem xét bổ sung vốn để đáp ứng tiến độ

Theo tìm hiểu, dự án đã được UBND TP phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn tại Quyết định 4856/QĐ-UBND ngày 13/11/2019. Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND TP và các bộ, ngành liên quan phối hợp làm rõ giá trị vốn vay ODA cấp phát, vay lại trong tổng mức đầu tư của dự án.

Trên cơ sở các nội dung được rà soát, làm rõ, TP đã phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn của dự án tại Quyết định 2193/QĐ-UBND ngày 16/6/2021, trong đó vốn cấp phát: 14.333,66 tỷ VND (tương đương 70.835,99 triệu yên Nhật), vốn vay lại 23.931,89 tỷ VND (tương đương 114.339,66 triệu yên).

Trong báo cáo mới đây của UBND TP cho thấy, lũy kế giải ngân vốn ODA cấp phát đến nay đạt 10.341 tỷ đồng, giá trị vốn còn lại chưa giải ngân còn 3.991,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Quyết định 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng, kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án sẽ là 1.704,6 tỷ đồng (đạt 43% nhu cầu).

Nhằm đảm bảo đủ vốn để triển khai hoàn thành dự án theo tiến độ, Thủ tướng đang chỉ đạo UBND TP phối hợp Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục cần thiết để xúc tiến thỏa thuận vay số 4 cho dự án. Khó khăn là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đến nay các chuyên gia của JICA chưa thể sang Việt Nam đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thảo luận, đàm phán với phía JICA.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND TP tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia của dự án, có các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc thông thương hàng hóa, thiết bị, vật tư của dự án trong việc vận chuyển nhập cảng, thông quan.

Đối với vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương cho dự án, Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương, đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án.

Dự án Bến Thành - Suối Tiên xây dựng đoạn tuyến đường sắt đi ngầm dài 2,6km, đi trên cao dài 17,1km, gồm 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và 1 depot; đi qua địa bàn các quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức của TP HCM và TP Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Dự án được huy động từ nguồn vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA) và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện bắt đầu thực hiện tháng 3/2007, sau khi điều chỉnh thời điểm hoàn thành công trình đưa vào khai thác là vào quý IV năm 2021, thời điểm kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng năm 2026.

Đọc thêm