Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông bị rỉ sét, Ban Quản lý nói gì?

(PLO) - Lí giải cho tình trạng đường ray của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông bị rỉ sét, Ban quản lí dự án cho rằng lí do là công trình thi công ngoài trời cộng với điều kiện thời tiết khiến lớp dầu chống gỉ bong ra dẫn tới hiện tượng oxi hóa đường ray.
Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông bị rỉ sét, Ban Quản lý nói gì?

Do thi công ngoài trời cùng tác động của thời tiết

Theo Ban quản lý đường sắt, do thi công ngoài công trường cộng với điều kiện thời tiết đã làm lớp dầu chống gỉ của phụ kiện ray tàu không còn và một số vị trí bị oxy hóa bề mặt.

Kết quả kiểm tra thường kỳ của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông cho thấy, đối với hệ thống đường ray tàu và phụ kiện do khi lắp đặt chưa được phủ dầu mỡ chống gỉ nên một số vị trí đã bị gỉ sét. 

Giải trình về vấn đề này, Ban quản lý đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay: đối với ray, phụ kiện nhập khẩu của dự án với đầy đủ tiêu chuẩn và thí nghiệm kiểm tra của nhà máy sản xuất có đầy đủ CO ( giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa), CQ ( giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa). Đồng thời, ray phải được Tổng thầu bảo quản tại kho bãi theo đúng quy định, cụ thể, kho bãi được dầm lèn chắc chắn, ray được kê kích, xếp đủ số hàng và che phủ bạt để không bị ô xi hóa.

Như đã biết trong thiết kế, thì ray đường sắt đô thị tuyến Cát linh - Hà Đông được thiết kế hàn liền, có các cầu ray kết nối với vị trí đặt ghi. Khe hở được thiết kế là 8mm (± 2mm) theo nhiệt độ trung bình tính toán. Trong khi đó sau khi lắp đặt, hệ thống đường ray vẫn đang tồn tại những yếu tố kĩ thuật chưa được đảm bảo và đúng thiết kế  ở những phạm vi có mối nối và bu lông liên kết giữa phụ kiện với ray tại một số vị trí chưa được đặt vuông góc, một số thanh giằng cự ly phục vụ thi công ghi khu depot làm bằng sắt hàn. Tuy nhiên do vẫn đang trong quá trình căn chỉnh và hoàn thiện nên việc kiểm tra hiện trường tiếp tục còn được thực hiện trong suốt quá trình thi công lắp đặt và trong giai đoạn khai thác sau này để đảm bảo tiêu chuẩn nêu trên.

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm tra.

Lí giải về vấn đề này, Ban quản lí cho biết, tà vẹt gỗ cho vị trí lắp đặt ghi đều là hàng hóa được sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc với đầy đủ tiêu chuẩn và thí nghiệm kiểm tra của nhà máy sản xuất có đầy đủ CO, CQ.

Khi các loại vật tư, vật liệu ray về đến Việt Nam, trước khi đưa vào công trình đã được Tổng thầu thực hiện các thí nghiệm về cơ lý của ray, lập lách, bộ phụ kiện đã được đưa đi thí nghiệm mọi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Đối với từng chi tiết riêng lẻ của Bộ phụ kiện, tiếp thu ý kiến bổ sung của Hội đồng nghiệm thu, Ban đã yêu cầu Tổng thầu liên hệ với các phòng thí nghiệm của Việt nam để tiếp tục thực hiện kiểm tra...

Đối với các vết nứt từ biến bê tông trên bản liên kết theo "Quy phạm thiết kế kết cấu bê tông" GB50010-2010 được phép có vết nứt không lớn hơn 0,2mm. Căn cứ quy phạm để xử lý các vết nứt nếu vượt quá trị số cho phép. Về ý kiến, các thanh tà vẹt gỗ lắp đặt tại khu vực Depot đã tẩm thuốc phòng mục nhưng chưa thấy kết quả kiểm tra chiều sâu độ thẩm thấu, hiện một số thanh xuất hiện vết nứt".

Ban quản lý nêu rõ, tà vẹt gỗ cho vị trí lắp đặt ghi đều là hàng hóa được sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc với đầy đủ tiêu chuẩn và thí nghiệm kiểm tra của nhà máy sản xuất có đầy đủ CO, CQ.

Trước khi lắp đặt tư vấn kiểm tra và chấp thuận đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đồng thời có các biện pháp xử lý đối với trường hợp có nứt (đảm bảo vết nứt tà vẹt gỗ không lớn hơn 2mm, có thể dùng thép mạ kẽm đường kính 4mm quấn đai hai đầu).

Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư. Tuyến có chiều dài 13.1 km, được khởi công xây dựng vào ngày 10/10/2011, dự kiến hoàn thành công tác xây dựng vào 30.9.2017, đưa vào vận hành thương mại trong Quý I/2018.

Vốn của Chính phủ Việt Nam là 133,86 triệu USD. Thêm vào đó là nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do năng lực quản lí yếu kém cùng nhiều lí do khác, số vốn đã đội lên so với ban đầu gần 300 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông cho tới thời điểm hiện tại là gần 800 triệu USD.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông là tuyến số 3 trong hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, và là tuyến thứ hai của dự án được đề xuất, sau tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi, trong số 8 tuyến được quy hoạch.

Đọc thêm