'Đường trường' luyện thi các trường chuyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ đầu tháng 6, các kỳ thi vào lớp 10 các trường chuyên tại Hà Nội liên tục diễn ra, thu hút hàng nghìn thí sinh từ khắp nơi ở miền Bắc tham dự. Năm nay, các kỳ thi có nhiều thay đổi, áp lực dành cho học sinh cũng tăng lên không ngừng.
Mặc dù tỷ lệ cạnh tranh không cao như mọi năm, nhưng đề thi có xu hướng tinh lọc, khó hơn. (Ảnh minh họa)
Mặc dù tỷ lệ cạnh tranh không cao như mọi năm, nhưng đề thi có xu hướng tinh lọc, khó hơn. (Ảnh minh họa)

Các trường chuyên tăng độ khó

So với mọi năm, niên học 2024-2025, tỷ lệ chọi ở các trường chuyên tại Hà Nội có xu hướng giảm. Cụ thể, Trường THPT Chuyên KHTN (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã giảm khoảng 200 bộ hồ sơ so với mọi năm. Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội (Thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội) lớp chuyên Tiếng Anh tỷ lệ chọi 1:21 cao nhất trong các lớp chuyên, tuy nhiên, năm ngoái tỷ lệ này là 1:29. Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐHQG HN) cũng không ngoại lệ, năm ngoái chuyên tiếng Nga của trường có tỷ lệ 1 chọi 21, cao nhất trong tất cả các chuyên của trường, năm nay chuyên Pháp có tỷ lệ chọi cao nhất chỉ dừng ở 1 chọi 11 học sinh.

Mặc dù tỷ lệ chọi giảm so với những năm trước, nhưng không đồng nghĩa với việc các kỳ thi vào 10 tại trường chuyên dễ thở hơn mọi năm. Đầu tiên, niên học 2024-2025 các trường chuyên đang có những thay đổi về cách tổ chức thi, tuyển sinh phù hợp với chương trình GDPT 2018 bắt đầu áp dụng vào các kỳ thi từ năm sau. Năm 2024, tất cả các trường chuyên trên cả nước đã bỏ hệ cận chuyên đúng theo quy định. Đây sẽ là một bất lợi cho các học sinh khá giỏi nhưng thi trượt vào các lớp chuyên trong trường.

Niên học 2024-2025, cách tổ chức, đề thi một số trường chuyên được nhiều giáo viên đánh giá là “tinh giản”, chú trọng chất lượng, độ khó tăng cao hơn so với những năm trước đây. Lấy ví dụ Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, niên học 2024-2025, kỳ thi bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 phút sáng cho đến gần 12 giờ trưa kết thúc. Cả kỳ thi gói gọn trong một buổi sáng với hàng loạt các môn từ Toán đến Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Sinh học, Hóa học), tới các môn chuyên và những môn như Ngữ Văn, Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý). Điều này, đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức của tất cả môn học trong 4 năm cấp II. Phạm Phương Chi (THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội) cho biết: “Đề thi vào Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ năm nay tương đối khó và lạ. Ngoài nắm vững kiến thức môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, em cần có hiểu biết các môn khác như Vật lí, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Ngoài ra, đề Ngữ Văn và KHXH hơi dài, nếu không phân bổ thời gian hợp lý, em sẽ không hoàn thành kịp”.

Năm nay kỳ thi vào lớp 10 tại các trường chuyên có nhiều thay đổi. (Ảnh trong bài: P.V)

Năm nay kỳ thi vào lớp 10 tại các trường chuyên có nhiều thay đổi. (Ảnh trong bài: P.V)

Trường THPT Chuyên KHXH&NV cũng có nhiều thay đổi so với những kỳ thi trước đây. Trường tổ chức đúng một bài thi chuyên Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý vào ngày 2/6, trong 150 phút. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc có hàng loạt các tiêu chí phụ trước khi học sinh nộp hồ sơ. Trường yêu cầu thí sinh tham dự kỳ thi phải có điểm tổng kết ba môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ 4 năm học cấp II từ 7,0 trở lên. Ngoài ra, nếu có thêm các chứng chỉ Tiếng Anh, giải cấp tỉnh, thành phố sẽ được ưu tiên xét tuyển lấy từ cao xuống thấp. Đặc biệt, vì chỉ có một môn thi duy nhất, nên bài thi của thí sinh phải đạt từ 6 điểm trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển. Với độ “đặc tuyển” của kỳ thi, nhiều học sinh đánh giá đề thi Trường Chuyên KHXH&NV rất hay, đòi hỏi học sinh phải có nền tảng kiến thức thật tốt. Nguyễn Hương Giang (THCS Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) cho biết, năm nay em thi chuyên Ngữ Văn của Trường THPT Chuyên KHXH&NV: “Đề thi có độ phân hóa cao, đòi hỏi em phải có tư duy và kiến thức thật sâu mới có thể hoàn thiện tốt bài thi. Em hy vọng đạt được điểm 8,5 trở lên”.

Ngoài hai trường chuyên nêu trên, Trường THPT Chuyên Đại học Sư Phạm và Trường THPT Chuyên KHTN vẫn giữ nguyên cách tổ chức thi với bốn môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và một môn chuyên. Nhưng độ khó có phần nhỉnh hơn những năm trước. Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm kết thúc bài thi môn Toán vào ngày 5/6, đa phần học sinh đều nhận xét đề thi Toán rất khó, tương đương với năng lực của các học sinh thi chuyên Toán. Em Hoàng Gia Như (Hà Đông, Hà Nội), năm nay thi vào chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, cho biết: “Đề thi Toán tương đối lạ, cần phải vận dụng linh hoạt kiến thức. Đối với em, đề Ngữ Văn và Tiếng Anh của trường khó hơn một chút so với những năm trước”.

“Cuộc đua” từ … lớp 1

Phụ huynh cùng học sinh xem lại đề thi.

Phụ huynh cùng học sinh xem lại đề thi.

Hiện nay, việc học tập ngày càng được phụ huynh chú trọng. Thi vào lớp 10 là một dấu mốc trong cuộc đời học sinh. Nhiều gia đình mong muốn con đỗ vào những ngôi trường tốp đầu. Để “chắc suất” vào các trường chuyên, không ít phụ huynh đã định hướng cho con thi từ những năm cuối cấp I, đầu cấp II.

Phụ huynh Trần Thúy Hoa (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, năm nay con chị thi vào chuyên Hóa học, Trường THPT Chuyên KHTN, mặc dù đã cho con thi từ năm lớp 8, nhưng chị chia sẻ, lực học của thí sinh vẫn thua kém rất nhiều so với bạn bè. Chị Hoa nói: “Con tôi cho biết, trong phòng thi có rất nhiều thí sinh xuất sắc, thậm chí còn làm bài thi môn chuyên xong trước giờ. Mặc dù con của tôi thuộc tốp đầu môn Hóa học của trường cấp II, nhưng khả năng đỗ vào trường không cao”.

Chị Nguyễn Thị Lan (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, từ năm lớp 6, chị đã định hướng cho con thi vào chuyên. Năm nay, con chị thi vào chuyên Tiếng Anh của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Chị chia sẻ: “Từ đầu năm cháu học học lớp 6, tôi đã tìm hiểu tất cả các thầy cô chuyên ôn luyện thi vào chuyên. Dù có những lớp ở nội thành Hà Nội, xa nhà gần 30km, nhưng cuối tuần, tôi cùng cháu bắt xe buýt đi học”. Xác định ôn thi từ năm lớp 6, nhưng chị Lan chia sẻ, hiện nay nhiều học sinh đã có nền tảng kiến thức tốt từ tiểu học, nên con của chị rất khó để giành một “suất” đỗ vào trường chuyên.

Chị Phạm Thị Hằng (Hải Dương) chia sẻ, chị là một giảng viên đại học ở tỉnh, đã có nhiều năm kinh nghiệm dạy học và định hướng sinh viên, nên chị đã cho cả ba con ôn thi vào trường chuyên từ năm cấp I. Chị tâm sự: “Con tôi năm nay thi vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm tại Hà Nội. Để chuẩn bị cho kỳ thi, tôi đã định hướng con ôn thi từ năm lớp 3”. Chị cho biết, mỗi buổi học của con chị dao động từ 300 nghìn đồng cho đến 1 triệu. Tuy nhiên, đối với chị, để đầu tư tương lai của con cái chị Hằng không tiếc chi tiền.

Với xu hướng ôn thi sớm, nhiều em học sinh mới chỉ học đến non nửa cấp II đã có chứng chỉ IELTS 7.0 và đủ khả năng giải những đề thi Toán, Tiếng Anh vào lớp 10 tại các trường công lập. Kỳ thi vào trường chuyên hiện tại không còn là “cuộc đọ sức” của các em học sinh giỏi mà còn là thể hiện độ chịu chi, đầu tư, định hướng thi chuyên cho con từ năm học cấp I, cấp II của các phụ huynh.

Ngoài ra, cuộc chiến giành một suất vào các trường chuyên. Phụ huynh ở nhiều nơi còn “mạnh tay” chi tiền thuê nhà nghỉ, khách sạn, xe đưa đón đến điểm thi. Đặc biệt, nhiều học sinh phải chạy xô tham gia nhiều kỳ thi cùng một lúc, nên các gia đình không tiếc công sức, chi phí tốn đến hàng chục triệu đồng để giúp các em hoàn thiện kỳ thi của mình.

Như trường hợp của gia đình chị Phạm Thị Hằng ở Hải Dương, năm nay, kỳ thi vào lớp 10 công lập của tỉnh bắt đầu vào buổi chiều ngày 1/6 trùng ngày thi với Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội). Buổi sáng, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng vào lúc 11 giờ 45 phút tại trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ, chị đã bố trí sẵn xe tại điểm thi, chọn cung đường ngắn nhất để vượt qua gần 80km trong 1 tiếng 30 phút quay trở về Hải Dương để con chị bắt đầu kỳ thi vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi của tỉnh.

Anh Trần Tuấn Anh (Phú Thọ) cho biết, năm nay con của anh thi liên tục từ ngày 2/6 đến 8/6. Được biết, con của anh thi vào chuyên Toán Trường THPT Chuyên KHTN trong hai ngày 2/6 và 3/6. Thi xong, anh lập tức đưa con về ở tại một khách sạn tại khu vực Cầu Giấy, nghỉ ngơi một ngày và ôn tập để chuẩn bị kỳ thi vào Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm vào ngày 5/6. Kết thúc kỳ thi ngày 5/6, gia đình anh lập tức di chuyển về tỉnh Phú Thọ để con tham dự kỳ thi vào lớp 10 công lập của tỉnh. Anh cho biết: “Kỳ thi kết thúc vào 8/6 khi cháu thi môn chuyên cuối cùng tại tỉnh”. Để đầu tư cho “chặng đường thi dài ngày” gia đình anh không những phải tốn tiền bạc mà còn cả thời gian và công sức. Anh tâm sự: “Tôi đã phải xin cơ quan nghỉ phép gần 1 tuần để đưa cháu đi thi”.

Kỳ thi vào các trường chuyên tại Hà Nội bắt đầu từ ngày 1/6 với Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐHQG HN) có hơn 3 nghìn thí sinh tham dự. Tiếp nối kỳ thi của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ lần lượt là kỳ thi của ba trường chuyên THPT Chuyên KHXH&NV, Trường THPT Chuyên KHTN và Trường THPT Chuyên Đại học Sư Phạm. Mỗi kỳ thi đều thu hút hàng nghìn thí sinh ở khắp miền Bắc tham dự. Kỳ thi chuyên ở Hà Nội kết thúc vào ngày 10/6. Tùy từng trường ngày công bố điểm thi sẽ rơi vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Đọc thêm