"Tăng bo" vật liệu
Sau khi PLVN đăng tải bài viết “Đường vượt biển “khựng” lại vì một... bến tàu”, cuối tuần qua lãnh đạo Binh đoàn 12 và các Lữ đoàn có quân trực tiếp thi công tại dự án này đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra tình hình thi công; đồng thời đưa ra giải pháp nhằm “hạ nhiệt” tại các “điểm nóng” tiến độ mà PLVN từng nêu.
Được biết, tại dự án này, Binh đoàn 12 thực hiện một khối lượng công việc có giá trị khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, trong liên danh gồm các nhà thầu Cienco 4 và Sumitomo Mitsui (Nhật Bản).
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Điều hành dự án của Binh đoàn 12 cho hay, khu vực đơn vị đang thi công có địa chất khá phức tạp, nhiều túi bùn nằm dọc tuyến. Vì thế, việc xử lý nền đất rất khó khăn; thậm chí trong quá trình thi công còn có những phát sinh không thể lường trước.
“Chẳng hạn ở vị trí Km3+220 - Km3+375, khi tiến hành xử lý nền đất yếu, máy móc của đơn vị không đáp ứng được buộc chúng tôi phải thuê búa rung để cắm bấc thấm với độ sâu hơn 30 mét trong lòng đất. Chính vì những trở ngại đó nên việc xử lý nền bị chậm gần 2 tháng so với kế hoạch”, ông Hùng khái quát.
Cũng trên hiện trường, lãnh đạo Binh đoàn 12 đã dành nhiều thời gian để thị sát và nghe đề xuất hướng xử lý ở khu vực cầu tạm sông Cấm - một “nút thắt” đang cản trở dự án. Bởi tại vị trí nói trên, cách đây vài tháng ngư dân hai phường Tràng Cát, Nam Hải (quận Hải An, Hải Phòng) đã tập trung phản đối, không cho nối nhịp với lý do khi nước triều lên, khoảng không thông thuyền không đảm bảo, thuyền bè của ngư dân không qua lại được dù việc thiết kế và thi công cầu tạm đúng tiêu chí kỹ thuật và cũng đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt.
“Hiện mỗi ngày bên kia cầu cần tới 2.000m3 cát để san đắp nền, nhưng do chưa thông cầu, chưa có đường vận chuyển vật liệu lên đầu tuyến nên chúng tôi phải chọn giải pháp bơm, hút để “tăng bo”cát từ bên này sang bên kia sông, nhưng cố lắm cũng chỉ được khoảng hơn 700m3/ngày. Việc đắp đường vì thế cũng bị chậm “lây” - Phó Giám đốc Hùng sốt ruột.
Chỉ đạo “nóng”
Sau khi đi thực địa, Tư lệnh Binh đoàn 12 Nguyễn Đức Thuận khẳng định cầu tạm sông Cấm đóng vai trò quan trọng đối với dự án của Binh đoàn, vì thế ông Thuận lệnh cho các đơn vị liên quan từ nay đến hết ngày 15/11/2015 phải hoàn thành việc thiết kế, phê duyệt xong cầu tạm theo phương án mới để đảm bảo tàu bè qua lại, đồng thời lấy đường vận chuyển vật liệu theo hướng nhà thầu tự ứng trước khoảng hơn 6 tỷ đồng để xây dựng.
“Cầu tạm mới sẽ được nâng cao 2,2m, mỗi bên sẽ làm thêm 2 nhịp với chiều dài được vuốt dài ra khoảng 24m. Việc thiết kế kỹ thuật và phê duyệt nếu đúng kế hoạch thì chỉ sau 15 ngày, chúng tôi có thể làm xong cây cầu tạm như chỉ đạo của đồng chí Tư lệnh.” - Trung tá Phạm Văn Trường, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 99 khẳng định.
Ngoài ra, ông Trường còn cho biết, như một số vị trí thi công khác trên tuyến, tại khu vực thi công cầu sông Cấm (cầu chính) do Lữ đoàn 99 đảm nhận cũng “dính” nhiều túi bùn lớn ở đáy nên việc giải phóng bùn, rải cát khô và đóng cọc khoan nhồi chắc chắn sẽ mất khá nhiều thời gian.
“Tuy đối mặt với khó khăn về địa chất công trình cũng như áp lực phải ứng một lượng vốn khá lớn để làm cầu tạm nhưng chúng tôi quyết sẽ tháo gỡ khó khăn và không để “thua” tại công trình này. Dự kiến ngày 25/11 tới đây sẽ bắt đầu khoan cọc thử”, Lữ trưởng 99 nói.
Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực triển khai hạng mục cầu chính do Lữ đoàn 492 và Lữ đoàn 99 đảm nhận, hiện đang tiến hành việc thi công vòng vây cọc ván thép quanh mố A1, trụ P1; khu vực mố A2 đã nhổ hết cọc ván thép L16m để thay thế cọc L24m... Tính đến thời điểm này, giá trị sản xuất toàn công trường đạt hơn 444 tỷ (tương đương 35,8%).
Đại diện Ban Điều hành dự án khẳng định, dù tiến độ bàn giao mặt bằng đoạn Km0+00 - Km4+501 có một số điểm bị chậm, nhưng lãnh đạo Binh đoàn 12 vẫn yêu cầu các “mũi” thi công phải xử lý xong nền đất yếu để hoàn thành việc đắp nền đường giai đoạn 1 vào cuối tháng 11/2015, phấn đấu cuối năm 2016 xong cầu sông Cấm và hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 5/2017.
Quyết không “thua” tại công trình này!