Quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng
Báo cáo nêu rõ, trong thời gian báo cáo, các cấp, các ngành đều chú trọng triển khai thực hiện quy định của Luật PCTN về tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí khác đối với những trường hợp cần phải đình chỉ theo đúng quy định của Luật PCTN và Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Trong kỳ báo cáo, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo, qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 64.551 tỷ đồng, 7.077 ha đất; kiến nghị thu hồi 26.007 tỷ đồng và trên 1.174 ha đất, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 124 vụ, 118 đối tượng. Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,5%...
Về kết quả kiểm toán, đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770,44 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định...
Các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 508 vụ án, 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 286 vụ, 606 bị can (tăng 15 vụ, 58 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã giải quyết 218 vụ/621 bị can, đạt 74,1 %, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó truy tố 218 vụ/577 bị can, đạt 100 % tổng số án đã giải quyết (tăng 1,6 % so cùng kỳ năm 2019). Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý 388 vụ với 1.101 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 203 vụ với 523 bị cáo về các tội tham nhũng.
Đánh giá chung, Chính phủ nhận định, cùng với những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII có thể khẳng định, công tác PCTN không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước, được cán bộ, đảng viên, nhân dân, dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định, chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy và hỗ trợ, phục vụ tốt cho công tác nhân sự đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tuy tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm nhưng vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.
Nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng xuyên quốc gia
Trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật từ ngày 1/10/2019 đến ngày 31/7/2020 tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, trong thời gian trên, lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ 33.131 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,04% (trong đó án rất nghiêm trọng đạt 85,75%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,91%); khởi tố 20.242 vụ (tăng 7,6%).
Đã triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm 3,19% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2019.
Trong kỳ báo cáo, lực lượng chức năng đã phát hiện 17.887 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 25,19%). Theo Thứ trưởng Bộ Công an, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm với các thủ đoạn lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Công an, lực lượng chức năng đã phát hiện 19.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; cơ quan điều tra đã khởi tố 347 vụ, 357 bị can; đã phát hiện 24.842 vụ, 40.461 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ trên 580 kg heroin, gần 3,2 tấn và gần 1,7 triệu viên ma túy tổng hợp.
Tại phiên họp, đa số các Ủy viên UBTVQH cho rằng, trong đại dịch Covid-19 đã xuất hiện một số tội phạm, vi phạm pháp luật mới như tội phạm xâm phạm sở hữu, xuất nhập cảnh, tín dụng đen, buôn bán hàng đa cấp, buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy, tệ nạn cờ bạc...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn về thực trạng các vụ việc chống người thi hành công vụ tăng đến 280% và đề nghị làm rõ thực trạng này.
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2020. Theo báo cáo của Chính phủ, so với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước KNTC, kiến nghị phản ánh giảm 4%, số đoàn đông người giảm 17,7%; số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%.
Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại tăng 1,6%. Về KN, so với năm 2019 giảm 5,8% số đơn, 15,5% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn KN về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn KN (61,5%). Về TC, so với năm 2019 tăng 20,8% số đơn, giảm 0,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung TC trong lĩnh vực hành chính chiếm đa số (64,8%).
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình KNTC hiện nay được xác định là do một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu kiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai; khiếu kiện ở một số lĩnh vực khác có diễn biến phức tạp. Mặt khác, pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại cũng có những bất cập nhất định.
Về thực thi pháp luật, công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, vi phạm, nhất là khâu công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; việc thanh, kiểm tra còn hạn chế và chưa kịp thời. Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ; có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại đối thoại với dân, chưa tập trung, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.