Duy trì và bảo vệ không gian số, môi trường số lành mạnh, tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự bùng nổ của các dịch vụ số nói trên không chỉ đóng góp lớn cho kinh tế số mà cho toàn bộ nền kinh tế, nhưng cũng có những hạn chế, tồn tại. Vì vậy, cần có giải pháp khuyến khích dịch vụ nội dung số trong nước lẫn ngoài nước phát triển, đồng thời duy trì và bảo vệ không gian số, môi trường số lành mạnh, tích cực
Một số đại biểu và diễn giả dự tọa đàm.
Một số đại biểu và diễn giả dự tọa đàm.

Ngày 17/2, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp cùng với Liên minh Internet châu Á (AIC) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đại dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể cuộc sống con người, nhất là cách chúng ta tương tác với thế giới, các cuộc đàm phán xuyên biên giới, hoạt động giải trí với các trò chơi điện tử xuyên biên giới, phổ biến và tiếp cận thông tin xuyên biên giới trong mọi lĩnh vực đời sống từ “hộ chiếu vaccine” đến xung đột quân sự…

Đây là một phần của bức tranh kinh tế số thế giới nói chung, của mỗi quốc gia nói riêng, chứng minh rằng công nghệ số gắn với các hoạt động kinh tế là phương thức quan trọng trong việc phục hồi, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Với kỳ vọng tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì bên cạnh thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật số, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghệ số.

Trong đó, có chính sách pháp luật đối với các dịch vụ internet như dịch vụ cung cấp thông tin xuyên biên giới, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trò chơi điện tử, dịch vụ mạng xã hội, được thể hiện trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 72.

Sự bùng nổ của các dịch vụ số nói trên không chỉ đóng góp lớn cho kinh tế số mà cho toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, đi kèm với sự phổ biến này, chúng ta chứng kiến sự gia tăng của các thị trường tin giả, thông tin không chính xác, nội dung không lành mạnh, đi lệch chuẩn văn hoá, đạo đức nói chung. Vì vậy, cần có giải pháp khuyến khích dịch vụ nội dung số trong nước lẫn ngoài nước phát triển, đồng thời duy trì và bảo vệ không gian số, môi trường số lành mạnh, tích cực.

Tọa đàm gồm 2 phiên chuyên đề tập trung đánh giá tổng quan, những tác động của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72 và Nghị định số 27 đối với doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; đồng thời, thảo luận và khuyến nghị chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam.

Giới thiệu một số điểm mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72, Giám đốc Công ty Luật Rouse Legal Việt Nam Vũ Thị Hồng Yến đề nghị dự thảo Nghị định nhấn mạnh thêm các quy định về dịch vụ trung tâm dữ liệu (ví dụ, giấy phép kinh doanh và các quyền, nghĩa vụ liên quan).

Theo đó, bổ sung các nghĩa vụ đối với cá nhân, tổ chức thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có số lượng người tại Việt Nam truy cập thường xuyên trong 1 tháng (số liệu thống kê trong thời gian 6 tháng liên tục) từ 100 nghìn người trở lên; ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật; có bộ phận chuyên trách để xử lý, phản hồi yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc khiếu nại từ người sử dụng Việt Nam…

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng thì khuyến nghị, cần có những biện pháp và công cụ kiểm soát những vấn đề bất cập ở một số phân ngành kinh doanh công nghệ như giải trí số (nhạc, phim, video); game; dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ thông tin hay xuất bản và các ấn bản phẩm... Theo đó, tập trung vào những vấn đề như tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, lệch chuẩn, thông tin tác động xấu đến cá nhân và chống phá Nhà nước.

Cũng theo ông Đông, cần tập trung vào việc xây dựng kỹ năng số cho người dùng và đào tạo kỹ năng số cho học sinh trong các chương trình phổ thông. Bên cạnh đó, kết hợp các giải pháp pháp lý và giải pháp công nghệ để khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình thực thi như phân loại nội dung theo độ tuổi; theo tiêu chuẩn cộng đồng hay xây dựng trung tâm chống tin giả...

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên nêu quan điểm, chúng ta hiện đang theo hướng bảo vệ thị trường tiêu dùng số. Nếu Việt Nam chuyển sang quốc gia sản xuất công nghiệp, xuất khẩu (công nghệ thông tin, công nghệ số, nội dung số) thì sẽ khai thác tối đa thị trường, cơ hội lớn gấp bội. Để làm được điều đó thì phải đánh giá toàn diện các khía cạnh pháp lý bởi lĩnh vực này liên quan đến nhiều luật nhưng ông Liên lưu ý, nghị định điều chỉnh lĩnh vực nào chỉ quy định về lĩnh vực đó, chứ không điều chỉnh quá rộng và “lấn sân” các lĩnh vực khác.

Đồng tình với quan điểm của ông Liên, Chuyên gia kinh tế trưởng Michael Mandel, Phó Chủ tịch Viện Chính sách tiến bộ Hoa Kỳ, nhấn mạnh cần hiểu rõ tiềm năng của Việt Nam (hiện tiềm năng tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á – PV). Ông Mandel cũng cho rằng, để tận dụng cơ hội trong bối cảnh hiện nay thì Việt Nam phải hướng đến xuất khẩu, tham gia thương mại toàn cầu, có tầm nhìn trọng tâm hơn.

Đọc thêm