Em "gây chiến" như kẻ thù với chị vì đất

Xô xát xảy ra ngay trong ngày giỗ. Sự căm tức bấy lâu bị dồn nén nay có dịp bùng phát, hai trong số 3 người đàn ông ra sức hò hét, dùng cây đập phá bàn ghế, ly chén bể đổ tan hang như một bãi chiến trường, đồng thời hùng hổ rượt đuổi khiến đám chị em gái hoảng sợ vội bỏ chạy...

Khi các con đến tuổi dựng vợ gã chồng, những người con trai được ông Năm chia mỗi người một phần đất cất nhà ra ở riêng, trong khi các cô con gái chỉ được cha mẹ cho chút ít tiền tượng trưng để làm của hồi môn bởi quan niệm “nữ sanh ngoại tộc”, con gái xuất giá đã có nhà chồng lo. Nghĩ rằng mình đã làm tròn trách nhiệm với tất cả các con, vợ chồng ông Năm cùng hủ hỉ với nhau sống thanh nhàn trên mảnh đất hơn 1.000 m2  còn lại.

Giá đất vùn vụt tăng cao theo tiến trình đô thị hóa nông thôn, thời gian này những người con của ông bà Năm thường xuyên lui tới để có điều kiện tiếp cận, chăm nom cha mẹ, điều trước đó rất hiếm khi xảy ra. Bỗng nhiên được sở hữu một số bất động sản có giá trị tương đối lớn, ông Năm cảm thấy có điều gì đó dường như thiếu công bằng khi đối xử với những người con gái trước kia, nên bàn bạc cùng vợ và gọi 3 người con gái đến để cắt chia cho mỗi người 150 m2 đất.

Trong khi 3 chị em gái hân hoan vui mừng đón nhận tấm lòng bao dung của cha mẹ, những người con trai trong gia đình, lại quyết liệt… phản đối. Dù hai đấng sinh thành ra sức phân trần giải thích: “Đám con trai tụi bây đã có phần đâu đó hết rồi, tụi con gái nó chưa được hưởng phần nào, lại đang lúc sống khổ sở, tao phải cho chút đỉnh, chứ làm ngơ coi sao được. Dẫu gì thì cũng là gà cùng một mẹ chứ có phải người dưng nước lã đâu mà so bì, ganh tị”.

Lời giải thích của ông Năm dường như vô nghĩa, phe “mày râu” vẫn bực dọc khi cảm thấy bị thiệt thòi: “Chuyện năm xưa… bỏ qua,  không nói đến nữa làm gì, bây giờ tính chuyện bây giờ, nếu ông có chia thì chia đồng đều, sao lại người có người không? Như thế là… thiếu công bằng”. Xung đột gia đình bắt đầu bùng phát xoay quanh “cuộc chiến tranh vì… đất”.

Nhân ngày cúng giỗ ông nội, tất cả mọi người cùng có mặt tại nhà ông Năm như những năm trước đó, thay vì thăm hỏi lẫn nhau chuyện làm ăn, gia đình, những người con trai trong nhà lại tạo không khí căng thẳng lời trách móc cha mẹ về chuyện “cho đất không công bằng”. Không chỉ vậy, họ còn thẳng tay chỉ mặt những người con gái và hầm hừ tuyên bố: “Chỉ toàn là thứ tham lam, suốt ngày đi theo nịnh bợ, tỉ tê ngon ngọt với ông bà già nên ổng bả mới cho đất, tao không để cho tụi bây “ăn” một cách yên ổn đâu”.

Xô xát xảy ra ngay trong ngày giỗ. Sự căm tức bấy lâu bị dồn nén nay có dịp bùng phát, 2 trong số 3 người đàn ông ra sức hò hét, dùng cây đập phá bàn ghế, ly chén bể đổ tan hang như một bãi chiến trường, đồng thời hùng hổ rượt đuổi khiến đám chị em gái hoảng sợ vội bỏ chạy về nhà.

Thấy vợ hớt hãi chạy về kêu cứu, người chồng hiểu ngay chuyện tranh giành đất đai đã đến hồi quyết liệt, liền cầm cây xà beng nhổ đinh đứng chặn ngay cửa nhà mình ngăn đường truy đuổi của hai ông em vợ đang cơn hung hãn: “Có gì từ từ nói với nhau, mấy cậu cứ làm ầm ĩ thế này thiên hạ người ta cười cho”. Hai ông em vợ chạy nhanh đến hàng rào ranh giới giữa hai nhà, nhổ cọc tre dài 1,5m quay lại quất mạnh khiến ông anh rể không kịp trở tay…

Kết quả của cuộc chiến là một người tàn phế với thương tật 45 % vì chấn thương sọ não nặng, hai người phải vào vòng lao lý vị tội cố ý gây thương tích. Tiếc thay, họ đều là người thân trong gia đình.

Nguyễn Hoàng

Đọc thêm