Việt Nam cũng không tránh khỏi sự gia tăng các tệ nạn, thảm kịch đi cùng với bàn rượu, mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ thói quen ép rượu trên bàn ăn – biến tướng xấu xí của văn hóa uống rượu.
Người Hàn Quốc không ép rượu để tránh phiền toái
Theo văn hóa Hàn Quốc, uống rượu cùng nhau được coi là cách để làm quen và hiểu nhau hơn. Đối với người Hàn Quốc, có những câu chuyện không thể nói tại nơi làm việc hay các địa điểm khác, chỉ khi trên bàn nhậu họ mới hoàn toàn thoải mái bày tỏ suy nghĩ và thái độ của mình đối với người khác.
Đối tượng tham gia vào các bàn nhậu tại Hàn Quốc hầu hết là đồng nghiệp, các bạn trẻ trên 18 tuổi và cả người thân trong gia đình. Bàn nhậu của người Hàn Quốc cũng thể hiện được nét đẹp trong văn hóa của quốc gia này.
Ví dụ, trong những buổi hẹn của người Hàn Quốc, có những luật bất thành văn như sau: Tối thứ 2 là dịp mọi người tụ tập với bạn bè nhiều nhất; thứ 3 là ngày nghỉ ngơi; còn thứ 4 và thứ 5 dành cho việc tụ tập với đồng nghiệp; thứ 6 là ai cũng lái xe về nhà cùng gia đình; cuối tuần cũng là thời điểm tốt cho những buổi nhậu.
Ở Hàn, việc từ chối đi nhậu không được coi là thất lễ, nhưng thường thường nếu người mời là người thân hoặc đồng nghiệp sẽ tạo ấn tượng không mấy tốt đẹp, khiến người từ chối xa rời mọi người. Phụ nữ uống rượu tại Hàn Quốc là chuyện bình thường, thậm chí họ còn có khả năng uống nhiều hơn nam giới.
Trong số các loại đồ uống Hàn Quốc, rượu Soju - một loại rượu gạo được chưng cất, không màu, vị khá nhẹ, hầu như ai cũng có thể uống được ít hay nhiều, giá thành khá rẻ để mọi người đều có khả năng chi trả. Do vậy, dù là người không biết uống rượu khi tham gia bàn tiệc có thể thử một chút.
Người Hàn Quốc không ép rượu bởi họ ngại nhất việc uống nhiều đến mức mất kiểm soát, nói lung tung, gây sự, ẩu đả thì chắc chắn cuộc chơi mất vui, mà còn đem nhiều phiền toái cho người xung quanh, thậm chí bị cảnh sát chú ý.
Tuy vậy, họ cũng trân trọng những người có khả năng “trụ” lâu trên bàn nhậu. Thường thường, khi mỗi người trên bàn uống đến giới hạn của mình sẽ tự động dừng lại, cũng không ai ép họ phải uống tiếp.
“Tự do nhậu” như … người Mỹ
“Tự do như nước Mỹ” khiến nhiều người cho rằng đây sẽ là thiên đường cho dân nhậu nhẹt “thả ga không phanh”. Đó là một quan niệm sai lầm, bởi trên thực tế, ít có quốc gia nào trên thế giới có thể quản lý chặt chẽ và “mạnh tay” như ở nước Mỹ.
Từ năm 1988, toàn bộ trên 50 bang của nước Mỹ đều đặt ra mức giới hạn tuổi là chỉ có những người từ 21 tuổi trở lên (tức khoảng năm 3 đại học đối với một sinh viên bình thường) mới được mua và uống rượu bia – độ tuổi được cho là cao hơn so với hầu hết các quốc gia khác. Mỗi bang còn có những quy định cụ thể khác nhau về việc quản lý uống bia rượu.
Đơn cử, New York có “luật 200 foot”, tức không ai được phép bán rượu bia trên cùng phố và trong khoảng bán kính 60 mét tính từ trường học hay nhà thờ. Do vậy, việc không tìm thấy các hàng quán ăn phục vụ đồ uống có cồn xung quanh các khu vực này là điều bình thường với người dân nơi đây.
Đáng nói, lái xe trong tình trạng say rượu bia bị xếp vào một dạng tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mức độ cao nhất có thể ngang với tội giết người, bởi một lập luận giản đơn: Lái xe trong tình trạng mất kiểm soát có khả năng cao gây tai nạn chết người.
Mức phạt nặng có thể được áp dụng ngay cả khi người lái xe uống rượu bia chưa hề gây tai nạn như phạt tiền, phạt tù, tước bằng vĩnh viễn và hạn chế các quyền công dân như sở hữu vũ khí tự vệ, bầu cử.... Thường thường, tại Mỹ quy định khi nồng độ cồn trong máu đạt mức 80 miligram/100 ml máu trở lên sẽ bị khép vào tội lái xe dưới tác động của chất kích thích (DUI).
Lần đầu tiên vi phạm, phạt tiền từ 300 - 1.000 USD (khoảng 7-23 triệu đồng), từ lần thứ 2 trở đi là 5.000 USD trở lên (khoảng 116 triệu đồng). Ngoài việc phạt tiền, tài xế còn có thể đối mặt với việc ngồi tù từ 6 tháng đến 3 năm và tịch thu bằng lái.
Uống rượu khi lái xe ở Mỹ bị phạt nặng như phạt tiền, phạt tù, tước bằng vĩnh viễn và hạn chế các quyền công dân. |
Chưa hết, chủ xe sẽ phải trả phí bảo hiểm xe gấp từ 2 – 5 lần mức bảo hiểm thông thường, và có thể phải tham gia học lại khóa ý thức tham gia giao thông, chi phí chủ xe tự chi trả.
Sau đó, xe của người vi phạm còn phải gắn một thiết bị kiểm soát nồng độ cồn với chi phí lắp đặt từ 730 - 2.800 USD (17 – 65 triệu đồng). Thiết bị này yêu cầu tài xế thổi vào máy để phân tích, nếu nồng độ cồn dưới 0,5% thì xe mới có thể khởi động. Tài xế vi phạm DUI lần đầu trong vòng 5 năm sẽ phải gắn thiết bị này lên xe 6 tháng, lần thứ 2 sẽ là 1 năm và lần thứ 3 sẽ là 3 năm.
Một số bang còn yêu cầu tài xế say xỉn phải làm các công việc công ích cho xã hội. Nếu muốn giảm nhẹ án phạt, tài xế có thể nhờ đến luật sư và tòa án, với chi phí đắt đỏ không kém gì mức phạt, khoảng từ 5.000 USD đến 25.000 USD (từ 116 – 580 triệu đồng).
Nói là làm, không phân biệt riêng ai, từng có một Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Mỹ phải từ chức sau một đêm tạm giam bởi lái xe vào đường cấm trong tình trạng có hơi men; một thanh niên ở Virginia Beach lĩnh án tù 5 năm bởi lặp lại hành uống rượu lái xe tới lần thứ tư trong vòng 10 năm; và còn rất nhiều ví dụ tương tự khác.
Biến tướng ép rượu ở Việt Nam
Chẳng biết từ bao giờ, Việt Nam được tung hê là “cường quốc” tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới. Nhìn vào nền văn hóa ẩm thực của người Việt từ xa xưa, uống rượu bắt nguồn từ một nét truyền thống đẹp, từ một thức uống mĩ vị, nức tiếng của dân cư mỗi miền.
Trả lời báo chí, PGS - TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho hay: “Ở nước ta, ngoài rượu trắng có độ cồn cao, tức rượu mạnh thì miền Bắc nổi tiếng với rượu làng Vân; miền Trung có rượu Bầu Đá, miền Nam có rượu Gò Đen, Việt Nam còn có nhiều loại rượu khác như rượu Cần của các dân tộc Mường, Tây Nguyên; rượu cái, rượu nếp cẩm – bách nhật, đặc biệt là rượu Phú Lễ Ba Tri với loại men hơn 30 thành phần thảo dược; còn có rượu ngâm thuốc bổ nổi tiếng như rượu Minh Mạng. Văn hóa mời rượu được sử dụng để thể hiện sự tôn trọng, yêu quý giữa người với người. (Ví dụ: trong các sự kiện quan trọng của đời sống xã hội, như đám hỏi, tiệc tùng…)”.
Song, nhiều năm nay, thực trạng lạm dụng và ép nhau uống rượu bia đã và đang gây ra những hệ lụy xấu xí, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người uống, kèm theo các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình… Việc mời mọc, ép buộc uống rượu đến mức say xỉn, không làm chủ được hành vi khiến văn hóa uống rượu trở nên lệch lạc.
Ông Lê Quý Đức cũng phân tích: “Bản thân những người ép bia, rượu trước tiên thể hiện mình là người thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu văn hóa đồng thời không tôn trọng người bị ép bởi không phải ai cũng thích uống rượu và có khả năng uống rượu. Có người vì bệnh tật như nóng trong người, dạ dày… không muốn uống rượu hoặc đã từng uống muốn “gác chén”, có người cơ địa không thích ứng với rượu và cũng có người đơn giản chỉ vì “không thích” uống rượu nên đã từ chối.
Từ chối gì có thể không khó khăn nhưng từ chối rượu trong bữa cơm, mâm cỗ vô cùng khó khăn, khó xử và thậm chí dẫn đến những hậu quả nặng nề. Còn đối với những người bị ép mà vẫn uống chứng tỏ người đó cũng không làm chủ được bản thân, thiếu trách nhiệm với gia đình, xã hội và đặc biệt là thiếu tôn trọng chính mình”.
Thiết nghĩ, thói quen ép rượu ngày nay đã trở thành một “lối mòn” trong suy nghĩ của người Việt. Lớp trẻ học theo ngày càng tùy tiện trong việc uống bia rượu, đặc biệt là ở vùng nông thôn miền núi, người trẻ cứ gặp nhau là uống đến say xỉn mới thôi, còn cho như thế là hay. Hệ quả sau những cuộc vui bị đưa đẩy quá đà là những thảm kịch kinh hoàng, từ việc to tiếng, cãi vã cho đến ẩu đả, đánh nhau, thậm chí là giết người.
Từ đó cho thấy, không chỉ dừng ở khâu giáo dục tại gia đình, toàn xã hội cũng cần có sự quan tâm, chỉn chu hơn đến văn hóa ăn uống: Thế hệ đi trước làm gương cho thế hệ sau; hay ở công sở thì thủ trưởng phải làm gương cho nhân viên.
Bên cạnh việc đảm bảo người dân tuân thủ pháp luật, các hình thức vi phạm phải áp dụng phạt nặng theo quy định của pháp luật, nhằm răn đe xã hội, đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp. Ấy thế, chúng ta mới có thể dần dần đẩy lùi tệ nạn, chấn chỉnh những biến tướng của văn hóa uống rượu bia tại Việt Nam.