"Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ” của nhà văn Jay Mathews, dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời thầy giáo gốc Bolivia Jaime Escalante (1930-2010). Ông là giáo viên dạy toán tại một trường địa phương ở Bolivia. Năm 34 tuổi, ông đến Los Angeles (Mỹ) nhưng không xin được việc bởi không biết tiếng Anh. Thời điểm đó, Mỹ không công nhận chứng chỉ giáo viên của Bolivia.
"Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ”.. |
Escalante phải vừa học tiếng, vừa làm nhiều công việc lao động phổ thông như đầu bếp, rửa xe... Ở tuổi 44, sau khi có chứng chỉ giảng dạy, ông được nhận vào trung học Garfield, một trong những trường thiếu thốn nhất ở Los Angeles với những học trò ngỗ ngược. Bằng nỗ lực thấu hiểu, quan tâm và tìm ra phương pháp giáo dục khác biệt, ông khơi dậy năng lực, sự tự tin, truyền khát vọng cho học sinh.
Thầy Escalante nổi tiếng với các câu nói: "Nếu không nỗ lực sẽ không có thiên tài", "Nếu em không thể nhìn thấy hy vọng, hãy để tôi trao nó cho em, bởi vì tôi là một giáo viên". Ông gây nên hiện tượng về giáo dục thập niên 1980 khi đưa 18 học sinh vượt qua một kỳ thi nâng cao (AP) để xét vào những đại học danh giá nhất nước Mỹ, vào giai đoạn cả nước này chỉ có hai trường theo học chương trình AP và rất ít người vượt qua. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, Escalante đào tạo hơn 400 học sinh đỗ vào những trường nổi tiếng thế giới như Harvard, MIT, Stanford... Câu chuyện đã được Hollywood dựng thành phim Stand and Deliver (Đừng bao giờ nghĩ học trò mình ngu dốt).
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho biết ông đã đi thăm nhiều đại học ở Mỹ và biết để vào được những trường đó là điều khó. "Khi đọc cuốn sách, tôi ấn tượng và ngưỡng mộ vì những học sinh của thầy Jaime Escalante phần lớn là người nhập cư, gia cảnh nghèo khó nhưng đã vượt qua bao khó khăn, dưới sự giảng dạy của thầy, để đặt chân vào những trường danh tiếng, thực hiện được ước mơ không hề nhỏ của đa số thanh niên Mỹ", ông Nguyễn Lân Dũng nói.
Cuốn sách thứ hai - Quý cô nóng nảy: Hành trình khai mở tâm trí Helen Keller của tác giả Sarah Miller - mang đến câu chuyện cảm động về tình thầy trò. Khi mới 19 tháng tuổi, Helen Keller bị sốt cao do viêm màng não, mất cả thị giác lẫn thính giác. Năm lên sáu tuổi, Helen Keller gặp cô giáo Annie Sullivan, được cô dạy dỗ, yêu thương, cảm hóa tính tình nóng nảy.
"Quý cô nóng nảy"- Hành trình khai mở tâm trí. |
Trong suốt 50 năm sau đó, Annie đồng hành học trò trong từng bước tiến. Năm 1904, Helen Keller trở thành người câm điếc đầu tiên có bằng Cử nhân Nghệ thuật, sau đó trở thành giảng viên, nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng toàn cầu. Năm 1933, khi gần như đã mất hoàn toàn thị lực và sức khỏe ngày càng suy yếu, cô giáo Annie nói với học trò: "Cô đang cố hết sức để sống vì em".
Bà Nguyễn Kim Thoa - đại diện Tân Việt Books - cho biết bộ sách được thực hiện dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), với mong muốn lan tỏa động lực tới các thầy cô và học sinh để vươn lên trong giảng dạy, học tập.