Ethiopia ấn tượng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam

(PLO) - Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Ethiopia, ngày 24/8 (theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Ethiopia Keria Ibrahim. 
Chủ tịch nước hội kiến Chủ tịch Thượng viện Ethiopia.
Chủ tịch nước hội kiến Chủ tịch Thượng viện Ethiopia.

Tại Hội kiến, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Ethiopia. Chủ tịch nước đề nghị Thượng viện Ethiopia tích cực ủng hộ và khuyến khích các chính sách mở cửa của Chính phủ Ethiopia, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Ethiopia trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và kinh nghiệm như nông nghiệp, thương mại, viễn thông, hàng không, xây dựng thủy điện vừa và nhỏ… 

Chủ tịch nước thông báo Việt Nam đã triển khai hợp tác về nông nghiệp với một số nước châu Phi như Guinea, Angola, Mozambique... và đã đạt những thành công đáng khích lệ, được bạn bè châu Phi đánh giá cao; đề nghị hai bên xem xét triển khai mô hình hợp tác ba bên về nông nghiệp hoặc theo mô hình đối tác công tư (PPP) có sự tham gia của các doanh nghiệp. 

Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ethiopia kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.  

Về hợp tác liên nghị viện, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan nghị viện hai nước thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi đoàn các cấp, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt giữa các Ủy ban của hai Quốc hội nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát, đồng thời tăng cường vai trò của hai Quốc hội trong việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận mà hai nước đã ký, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Chủ tịch Thượng viện Ethiopia bày tỏ ấn tượng với sự phát triển kinh tế nhanh và ổn định của Việt Nam trong thời gian qua, là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản như gạo, cà phê…; mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực Việt Nam có kinh nghiệm và trình độ cao như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…. 

Chủ tịch Thượng khẳng định, với vị trí là Thủ đô của châu Phi, cửa ngõ của khu vực Sừng châu Phi, Ethiopia sẵn sàng là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại châu Phi, trên tinh thần đó đề nghị Việt Nam mở lại Đại sứ quán tại Adis Abiba để tăng cường hợp tác song phương cũng như hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Phi.

Hai bên cho rằng tuy xa cách về địa lý, nhưng Việt Nam và Ethiopia có nhiều điểm tương đồng, đều là quốc gia đang phát triển, với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và quyết tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. 

Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan nghị viện hai nước nhằm góp phần nâng cao quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, để tương xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Đồng thời tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc và Liên minh nghị viện thế giới (IPU).

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm trụ sở liên minh châu Phi (AU) và có buổi hội kiến với Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Amira Elfadil Mohammed Elfadil.

Bà Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian thăm AU, chúc mừng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, là nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á; đánh giá cao Việt Nam đã tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ, góp phần duy trì hoà bình ở châu Phi. 

Quyền Chủ tịch cho biết vừa qua liên minh châu Phi đã thông qua chiến lược phát triển vì lợi ích và sự thịnh vượng của người dân Châu Phi; các nước châu Phi đã ký hiệp định thành lập khu vực tự do châu Phi và nghị định thư chuyển dịch tự do. 

Bà cũng đánh giá cao quan hệ hợp tác với Việt Nam, xác định những lĩnh vực ưu tiên như chế biến, nông nghiệp, khai khoáng du lịch… mong muốn Việt Nam là cầu nối với Châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. 

Bà Quyền Chủ tịch AU cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ người dân các nước Châu Phi thông qua công nghệ viễn thông, qua đó duy trì đoàn kết nội khối và khẳng định AU sẵn sàng phối hợp với Việt nam trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và Khối Pháp ngữ (Francophonie). 

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam và các nước châu Phi đã luôn sát cánh ủng hộ và tương trợ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong sự nghiệp phát triển kinh tế ngày nay. 

Chủ tịch nước cũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của AU trong các hoạt động đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định ở châu lục và trên thế giới. 

Chủ tịch nước mong muốn các nước đang phát triển như các nước châu Phi và Việt Nam đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau để tăng cường hơn nữa tiếng nói và vai trò ảnh hưởng tại các cơ chế đa phương như tại Liên hợp quốc, trong phong trào Không liên kết và khuôn khổ hợp tác Nam – Nam; đề nghị các nước Châu Phi ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. 

Đọc thêm