EU không đồng thuận về việc chấp nhận người tị nạn Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủ tướng Slovenia Janez Jansa cho biết trong một tweet hôm 22/8 rằng, không có sự đồng thuận nào giữa các nước Liên minh châu Âu khi việc chấp nhận người tị nạn Afghanistan không nhận được sự ủng hộ đa số.
Còn rất nhiều người vẫn đang chờ các chuyến bay sơ tán để được rời khỏi Afghanistan ở sân bay Kabul. Ảnh: iceland.bpositivenow
Còn rất nhiều người vẫn đang chờ các chuyến bay sơ tán để được rời khỏi Afghanistan ở sân bay Kabul. Ảnh: iceland.bpositivenow

Thủ tướng Slovenia Janez Jansa cho biết, "Các nước EU phải tự quyết định xem họ có muốn có một làn sóng người di cư mới hay không. Hiện tại, không chỉ là không có sự đồng thuận, mà thậm chí còn không có đủ điều kiện hoặc ít nhất là đa số đơn giản [tại Hội đồng của EU] để làm điều này."Thủ tướng Slovenia, nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu trong nửa cuối năm nay, cho biết.

Châu Âu lo ngại làn sóng di cư từ Afghanistan

Trước đó, khi chuyên gia chính sách đối ngoại của EU Kemal Kirişci cảnh báo về "một cuộc di cư ồ ạt của những người tị nạn chạy khỏi Afghanistan có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng di cư khác" vào tháng 4, đã không nhận được sự chú ý.

Nhưng khi Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul thì các tổ chức cứu trợ đã lên tiếng báo động về một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi một lượng lớn người rời khỏi Afghanistan. Caroline Van Buren, đại diện của UNHCR tại Afghanistan, cho biết hàng tuần có khoảng 20.000 đến 30.000 người rời khỏi đất nước.

Điều đáng nói bên cạnh những người có giấy thông hành, có thể xin thị thực, những người có giấy phép cư trú ở các nước khác thì xu hướng xuất hiện làn sóng di tản của những người Afghanistan không có giấy thông hành. Và ở châu Âu có nhiều lo ngại rằng số lượng người di cư sẽ tăng lên với việc ngày càng nhiều người Afghanistan tìm nơi tị nạn.

Liên minh châu Âu vẫn đang chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng di cư giai đoạn 2015-2016, khi ​​hàng trăm nghìn lượt người đến từ Syria, đã làm dấy lên những tranh chấp gay gắt trong khối 27 quốc gia về việc chia sẻ gánh nặng di cư giữa họ với nhau.

Thủ tướng Angela Merkel, người đã chào đón ồ ạt những người tị nạn Syria ở Đức vào năm 2015 theo phương châm nổi tiếng “Chúng ta có thể làm được”, đã phải thay đổi chủ trương. Bà đã đề cập đến vấn đề người tị nạn Afghanistan trong một cuộc họp báo vào tháng trước rằng: “Chúng ta không thể giải quyết tất cả những vấn đề này bằng cách đưa tất cả mọi người vào nội địa”.

Còn Bộ trưởng Nội vụ Áo Nehammer nói với các phóng viên khi ông phàn nàn về sự gia tăng di cư bất thường trong năm nay, “không thể có trường hợp Áo và Đức giải quyết vấn đề người tị nạn Afghanistan cho EU”,

Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ dòng người di cư Afghanistan nào, với hơn 27.000 người bị bắt qua biên giới Iran trong năm nay. Biên giới Iran-Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã trở thành con đường phổ biến đối với những người di cư Afghanistan tìm cách vào Thổ Nhĩ Kỳ trước khi tiếp tục hành trình đến châu Âu.

Ngoài tuyến đường Thổ Nhĩ Kỳ, Lithuania cho biết những người tị nạn Afghanistan đã bắt đầu đến nước này thông qua Belarus, cho thấy một tuyến đường mới có thể đang ở giai đoạn sơ khai.

Ông Gerald Knaus, Chủ tịch sáng lập Sáng kiến ​​Ổn định châu Âu (ESI), dự báo "rất có khả năng" một số lượng lớn người Afghanistan sẽ cần được cấp quyền tị nạn trong những tháng tới.

Châu Âu đã phản ứng như thế nào?

Tuần trước, Mỹ đã thông báo rằng họ đang mở rộng chương trình tị nạn cho những người Afghanistan đang gặp rủi ro. Những người đủ điều kiện bây giờ sẽ bao gồm các nhân viên hiện tại và trước đây của chính phủ Hoa Kỳ và NATO, các tổ chức thông tấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, các cơ quan viện trợ và các nhóm cứu trợ khác nhận tài trợ của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trước khi được nhập cư, nhiều người sẽ phải rời khỏi Afghanistan mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào và phải trải qua quá trình xem xét tị nạn 12-14 tháng ở một nước thứ ba.

Ông Knaus cho biết người châu Âu nên suy nghĩ về một chương trình tương tự, "ít nhất là cung cấp tùy chọn tiếp cận châu Âu cho những người đã đặt niềm tin vào làm việc với các tổ chức của chúng ta trong 20 năm qua và những người có thể gặp rủi ro thực sự".

Đan Mạch đã trở thành quốc gia EU đầu tiên cấp giấy phép cư trú cho người Afghanistan mà họ đã làm việc tại nước này.

Ngoài ra còn có vấn đề về những người Afghanistan đã ở châu Âu đã bị từ chối đơn xin tị nạn và đối mặt với việc bị trục xuất. Tuần trước, Pháp, Đức và Hà Lan thông báo đã cùng các nước châu Âu quyết định đình chỉ việc trục xuất trong khi tình hình an ninh ở Afghanistan xấu đi.

Ủy ban châu Âu nói với Euronews rằng họ "hỗ trợ mạnh mẽ" việc tái định cư, bao gồm "thông qua việc cung cấp các quỹ của EU. Kể từ năm 2015, các chương trình tái định cư của EU đã cung cấp sự bảo vệ cho những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất (hơn 81.000 người tái định cư cho đến nay)."

Tháng trước, khối đã khởi động một diễn đàn tái định cư của EU để huy động tài trợ cho việc tái định cư của 30.000 người tị nạn cho đến cuối năm 2022.

Đọc thêm